Hồ sơ quản trị
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đã trải qua nhiều bước tiến kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 và trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2015.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Malaysia năm qua đạt gần 12,7 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với 15 năm trước.
Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 11 trên thế giới, trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ ba của Malaysia trong khu vực.
Thực trạng thương mại Việt Nam - Malaysia
Mặc dù tổng kim ngạch thương mại tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia lại thiếu ổn định.
Từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu liên tục biến động và gần như không tăng trưởng trong một thập kỷ qua.
Đặc biệt, năm 2022, dù đạt 5,6 tỷ USD, xuất khẩu chỉ tăng 24% so với mười năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,2 lần của tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng kỳ, theo số liệu được TheLEADER thống kê từ nguồn Tổng cục Hải quan.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng có sự thay đổi. Trước năm 2018, các sản phẩm như dầu thô, cao su và gạo chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hiện đã nhường chỗ cho hàng hóa công nghệ cao, phản ánh sự thay đổi nhu cầu nhập khẩu của Malaysia.
Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 13 của Malaysia, chiếm 2,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Malaysia vào năm ngoái.
Trong 20 nước/ vùng lãnh thổ xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này, tốc độ thâm nhập của hàng hóa Việt Nam đứng thứ 10 với 11% trong năm năm qua, sau các nước như Ireland, Nga, Saudi Arabia, UAE, Singapore, Indonesia, Úc, Đài Loan và Brazil.
Ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Malaysia tăng trưởng ổn định hơn.
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Malaysia trị giá hơn 7,8 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 90% trong một thập kỷ.
Từ năm 2009, Việt Nam gần như liên tục nhập siêu từ Malaysia, ngoại trừ hai năm 2013-2014. Đỉnh điểm là năm 2021, Việt Nam nhập siêu gần 3,8 tỷ USD.
Và khả năng cao, tình trạng nhập siêu sẽ còn lớn hơn vào năm nay khi chỉ sau 10 tháng, cán cân thương mại Việt Nam - Malaysia đã hụt 3,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD còn nhập khẩu 7,6 tỷ USD.
Thách thức và cơ hội
Thời gian qua, doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn khi mở rộng xuất khẩu sang Malaysia. Thứ nhất, hàng hóa của hai nước mang tính cạnh tranh hơn là bổ sung, hạn chế khả năng khai thác thị trường.
Thứ hai, Malaysia là quốc gia đa sắc tộc, trong đó đạo Hồi chiếm hơn 60% dân số. Do đó, hàng hóa xuất khẩu vào Malaysia phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal dành cho người tiêu dùng Hồi giáo.
Ngoài ra, Malaysia duy trì các rào cản kỹ thuật như chứng nhận Halal đối với việc nhập khẩu thịt và gia cầm, thông qua việc cấp phép và kiểm soát vệ sinh.
Malaysia không phải là thành viên của Thỏa thuận Đấu thầu chính phủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do đó các công ty nước ngoài không có cơ hội giống như một số công ty trong nước để cạnh tranh cho hợp đồng và trong nhiều trường hợp cần có đối tác địa phương trước khi hồ sơ dự thầu của họ được xem xét.
Tuy nhiên, việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 21-23/11/2024 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hai nước nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD và cao hơn, theo hướng cân bằng và cùng có lợi. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư và thương mại, đặc biệt trong ngành công nghiệp Halal.
Malaysia là trung tâm Halal toàn cầu, với nhu cầu lớn về thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng đạt chứng nhận Halal. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng sang phân khúc này thông qua việc đầu tư đạt chuẩn Halal.
Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Kinh tế Malaysia và triển vọng hợp tác
Với GDP gần 400 tỷ USD vào năm 2023, Malaysia có quy mô nền kinh tế lớn thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. GDP bình quân đầu người hơn 11.600 USD/năm, với dân số 34 triệu người, theo Ngân hàng Thế giới.
Malaysia trở thành nước thu nhập trung bình sớm thứ hai trong khu vực vào năm 1977, chỉ sau Singapore sáu năm. Mặc dù Singapore đã trở thành nước có thu nhập cao chỉ sau 20 năm, Malaysia vẫn đang là nước có thu nhập trung bình cao và được coi là đang mắc bẫy thu nhập trung bình.
Theo Cục Thống kê Malaysia, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) chiếm tới 97,4% tổng số cơ sở kinh doanh trong nước. Trong số này, 78,6% là doanh nghiệp siêu nhỏ, 19,8% là doanh nghiệp nhỏ, và 1,6% là doanh nghiệp vừa. Chỉ có 2,6% cơ sở kinh doanh ở Malaysia là doanh nghiệp lớn, bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia (MNCs).
Dù nền kinh tế này đã chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất từ sớm, Malaysia vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và công nghệ thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm thiết bị điện, nhiên liệu hóa thạch, và dầu cọ.
Sự cởi mở của Malaysia với thương mại quốc tế, giao thương với gần 90% quốc gia trên thế giới, cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận sâu hơn. Tuy nhiên, với đặc trưng của thị trường và nhiều đối thủ mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chiến lược bài bản để khai thác tối đa tiềm năng này.
Thương mại Việt Nam - Brazil: Rào cản cũ và cơ hội mới
Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Lịch sử, cơ hội và thách thức
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bắt đầu và liên tục từ 20 năm nay. Cơ hội đang nhiều hơn, song thách thức cũng lớn hơn.
Việt Nam trong dòng chảy thương mại của khối BRICS
Với tiềm năng tiêu dùng khổng lồ, BRICS trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng hóa Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thương mại Việt Nam - Ireland có gì đáng chú ý?
Thương mại Việt Nam - Ireland có nhiều bước tiến, nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu rất lớn. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn nhiều.
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.