Áp lực chi phí tăng cao gây khó cho mặt bằng bán lẻ

An Chi - 08:46, 19/04/2023

TheLEADERGiá thuê không ngừng tăng mạnh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và việc doanh nghiệp thu hẹp quy mô kinh doanh đang ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của phân khúc mặt bằng bán lẻ.

Áp lực chi phí tăng cao gây khó cho mặt bằng bán lẻ
Thị trường bán lẻ hoạt động trầm lắng trong quý I/2023.

Trong quý I/2023, mặt bằng bán lẻ tiếp tục chứng kiến nguồn cung và giá thuê tăng mạnh. Báo cáo thị trường bất động sản của Savills Việt Nam cho thấy, giá thuê gộp tầng trệt đạt 1,04 triệu đồng/m²/tháng, tăng 3% theo quý và 9% theo năm.

Về nguồn cung, nguồn cung bán lẻ đạt 1,7 triệu m2 trong quý I/2023, tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Trong năm năm vừa qua, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng trưởng trung bình 4%/năm.

Trong đó, các trung tâm mua sắm duy trì tỷ trọng nguồn cung lớn nhất với 962.400m2 (56%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khối đế bán lẻ đã vượt xa các trung tâm mua sắm kể từ năm 2019. Phân khúc này chiếm 15% thị phần mặt bằng bán lẻ.

Năm 2023, dự báo nguồn cung bán lẻ mới trên thị trường sẽ đạt 191.200m2 đến từ 12 dự án, bao gồm Lotte Mall, The Linc Park City và Thor Complex. Khu vực Nội thành sẽ có 7 dự án và các khu vực Trung tâm, phía Tây và Khác sẽ có 5 dự án. Trung tâm mua sắm đóng góp 75% và khối đế bán lẻ đóng góp 25% nguồn cung trên thị trường.

Áp lực chi phí tăng cao gây khó cho mặt bằng bán lẻ

Giá thuê và nguồn cung tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động đã khiến thị trường bán lẻ hoạt động trầm lắng trong quý I/2023

Công suất thuê mặt bằng bán lẻ giảm 1% theo quý và theo năm xuống 91%. Khối đế bản lẻ giảm sâu nhất 5%. Tại Hà Nội, diện tích cho thuê mới phía Đông và Tây giảm 30.500m2 do các cửa hàng đóng cửa để cắt giảm chi phí và dịch chuyển sang nền tảng thương mại điện tử.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chịu áp lực chi phí ngày càng tăng. Lạm phát và việc doanh nghiệp thu hẹp quy mô kinh doanh đã ảnh hưởng đến tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động. 

Thực tế thời gian vừa qua cũng cho thấy tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ tăng mạnh. Nhiều trung tâm thương mại, nhà phố cho thuê gặp khó trong việc tìm kiếm khách thuê mặt bằng.

Doanh thu bán lẻ Hà Nội trong quý vừa qua đạt 184 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,3% so với cùng kỳ do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, vật liệu sản xuất, giao thông, vui chơi giải trí và du lịch đều tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, với việc người tiêu dùng ưu tiên hàng hóa thiết yếu hơn phục vụ nhu cầu mua sắm cá nhân. 

Do đó, các nhà bán lẻ cần thích nghi và sớm điều chỉnh chiến lược của mình để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường với áp lực chi phí ngày càng tăng.

Mặc dù vậy, bà Minh vẫn cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ quốc tế. Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lớn như CentralRetail, Uniqlo và Muji đang tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Kể từ năm 2020, Uniqlo đã mở 16 cửa hàng tại Việt Nam và Muji đã mở 5 cửa hàng, với kế hoạch mở thêm tại Hà Nội trong nửa cuối năm 2023. Từ năm 2023 đến năm 2025, Central Retail cũng có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 và có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.