Áp lực lạm phát lên cao khi giá thịt lợn có thể tăng 10% dịp cuối năm

Nhật Hạ - 20:53, 31/10/2022

TheLEADERDo đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu về lương thực của dân cư, nếu giá thịt lợn tăng 10% dịp cuối năm như dự báo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, sẽ khiến áp lực lạm phát gia tăng trong thời gian tới. Chưa kể, giá xăng dầu trong nước cũng đang tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tục.

Áp lực lạm phát lên cao khi giá thịt lợn có thể tăng 10% dịp cuối năm
Giá thịt lợn có thể tăng khoảng 10% dịp cuối năm.

Do tập quán tiêu dùng của người Việt, tác động mạnh nhất lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng của nhóm này chiếm tới 28% trong công thức tính lạm phát.

Cụ thể, người dân Việt Nam chi tiêu nhiều nhất cho thực phẩm, tiếp đến là lương thực. Trong thực phẩm, thịt lợn lại là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của dân cư mỗi ngày. Như trong tháng 8, riêng thịt lợn đã làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm khi giá mặt hàng này tăng gần 5%.

Áp lực lạm phát lên cao khi giá thịt lợn có thể tăng 10% dịp cuối năm
Quyền số tính CPI là tỷ trọng chi tiêu cho các nhóm hàng hoá và dịch vụ trong tổng chi tiêu của dân cư. Số liệu theo Tổng cục Thống kê.

Mới đây, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã đưa ra dự báo: Giá thịt lợn có thể tăng khoảng 10% dịp cuối năm. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao vào cuối năm và tăng chi phí đầu vào.

Cơ quan này nhận định những tháng cuối năm có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá như xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực...

Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế.

"Đồng USD tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước", Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định.

Chưa kể, giá xăng dầu trong nước đang tăng trở lại từ đầu tháng 10, sau 3 tháng giảm giá liên tục. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Tất cả các điều trên sẽ tạo áp lực lớn cho lạm phát dịp cuối năm. Cách đây 3 ngày, tại phiên thảo luận tại Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn tỉnh Nam Định) cũng nhận định, áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong cuối năm 2022 đang gây thách thức đối rất lớn với tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát đầu năm 2023.

Mặt khác, thời gian tới, lương cơ bản và một số khoản phí Nhà nước quản lý cũng sẽ trong lộ trình tăng lên, gây lạm phát tăng mạnh.

Tuy nhiên, cho đến hết tháng 10, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực lạm phát lên cao khi giá thịt lợn có thể tăng 10% dịp cuối năm 1

Trong mức tăng 0,15% của CPI tháng 10, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm giảm.

Cụ thể, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp mà nhóm này ghi nhận chỉ số giá tăng cao nhất trong rổ hàng hóa và hàng hóa.

Trong đó, chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,64% so với tháng trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 0,29%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,09%; bút viết các loại tăng 0,18% so với tháng trước.

Tiếp sau, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) do sinh viên bắt đầu đi học nên nhu cầu thuê nhà tăng cao làm giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Ở chiều ngược lại, giá điện, nước sinh hoạt giảm lần lượt là 0,4% và 0,11% do nhu cầu sử dụng giảm; giá gas giảm 3,95% so với tháng trước do từ ngày 01/10/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 18.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 65 USD/tấn (từ mức 640 USD/tấn xuống mức 575 USD/tấn); giá dầu hỏa giảm 5,07% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/10/2022, 11/10/2022 và 21/10/2022.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng cao .

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% (làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm), trong đó: lương thực tăng 0,13% (làm CPI chung tăng 0,005 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,1% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21% (làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm) do giá nguyên liệu chế biến cao.

Ở mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn giảm 1,41% do nguồn cung dồi dào (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm).

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: giá đèn điện thắp sáng và đồ dùng bằng kim loại cùng tăng 0,34%; máy đánh trứng tăng 0,28%; máy vi tính và phụ kiện tăng 0,25%...

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,06%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 0,46%; cắt tóc gội đầu tăng 0,61%; dịch vụ chăm sóc người già tăng 0,69%; máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân tăng 0,32%.

Trong khi đó, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giao thông giảm 2,17% (làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 03/10/2022, 11/10/2022; 21/10/2022 và còn ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giảm trong tháng 9/2022 làm cho giá xăng giảm 5,99%; giá dầu diezen giảm 0,6%.

Ở chiều ngược lại, giá xe máy; phụ tùng ô tô; lốp, săm xe máy; lốp, săm xe đạp tiếp tục tăng lần lượt là 0,31%; 0,15%; 0,28%; 0,73% do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.