AstraZeneca đầu tư 2.000 tỷ đồng để sản xuất dược phẩm tại Việt Nam

Nhật Hạ - 09:18, 03/11/2021

TheLEADERTrong giai đoạn 2022 - 2030, AstraZeneca dự kiến sẽ gia công 3 sản phẩm thuốc quan trọng tại Việt Nam, trong đó có sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm.

AstraZeneca đầu tư 2.000 tỷ đồng để sản xuất dược phẩm tại Việt Nam
Lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa AstraZeneca với các đối tác Việt Nam . Ảnh: Trang thông tin Chính phủ.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Anh, AstraZeneca với các đối tác Việt Nam đã ký kết 2 thỏa thuận nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất dược phẩm sinh học trong nước và hỗ trợ nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Theo đó, AstraZeneca sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng (tương đương 90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam.

Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030, công ty sẽ sản xuất gia công 3 sản phẩm thuốc quan trọng tại Việt Nam.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

Bên cạnh đó, AstraZeneca và Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký thỏa thuận cung ứng thêm một số lượng vaccine Covid-19 của AstraZeneca và hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài lên tới 12 tháng của AstraZeneca mang tên AZD7442.

Nếu được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, liệu pháp kháng thể này có khả năng vừa phòng ngừa lẫn điều trị bệnh Covid-19 và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận được sản phẩm này.

AD7442 được thiết kế dành cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc cơ thể không đáp ứng đầy đủ với vaccine.

Hiện nay, ở các nhóm dân số dễ bị tổn thương như những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc người đang sinh sống và làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, cơ thể thường không tự sinh đủ lượng miễn dịch cần thiết để bảo vệ họ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, kể cả sau khi đã tiêm phòng Covid-19.

Nếu được phê duyệt, hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài AZD7442 sẽ kết hợp với vaccine để cung cấp thêm một liệu pháp bảo vệ cho nhóm dân số có nguy cơ cao này, cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, giúp họ chống lại virus.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine của AstraZeneca trong phòng chống dịch tại Việt Nam và mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với hãng.

Ông đề nghị hãng tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, trong đó có các hợp đồng chuyển giao công nghệ và mua thêm vaccine trong năm 2022.

Tuy nhiên, trước mắt, Thủ tướng đề nghị hãng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp đồng đã có cho năm 2021.

“Những tháng vừa qua, Việt Nam mua tốc độ vaccine chứ không chỉ là mua vaccine”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài các khoản đầu tư, Thủ tướng mong muốn hãng hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ quản lý… và ứng phó với các loại bệnh tật khác như tim mạch, ung thư…

Giám đốc điều hành tập đoàn AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết, qua việc AstraZeneca lần đầu tiên thiết lập năng lực sản xuất gia công các sản phẩm thuốc tại Việt Nam, người dân sẽ tiếp cận được với những liệu pháp điều trị giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế.

Bên cạnh đó, ông khẳng định trong tháng 11/2021, hãng sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ 30 triệu liều vaccine của hợp đồng thứ nhất. Ngay sau đó, đầu tháng 12/2021, lô đầu tiên của hợp đồng mới ký này sẽ có mặt tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 20 triệu liều vaccine theo các hợp đồng đã ký với hãng, đổng thời nhận được khoảng 30 triệu liều thông qua cơ chế COVAX và được chuyển nhượng, hỗ trợ từ các nước khác với sự đồng ý của AstraZeneca.

Trước đó, năm 2019, AstraZeneca cũng đã công bố đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) vào Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024.