Bài học đắt giá về góp vốn kinh doanh

Đặng Hoa - 09:54, 23/11/2020

TheLEADERViệc có nhiều nhà góp vốn vào dự án không phải là vấn đề, quan trọng là chọn đúng người và đưa ra một luật chơi sòng phẳng ngay từ đầu.

Bài học đắt giá về góp vốn kinh doanh
Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập của chuỗi Pizza Home

Là một người có duyên với ngành kinh doanh nhà hàng ẩm thực, đồ uống (F&B) từ thời sinh viên, ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập chuỗi Pizza Home từng tham gia góp vốn vào khá nhiều dự án. Ông Tùng cho biết, nhiều dự án thành công nhưng cũng từng phải trải qua những dự án thất bại, mất nhiều tiền và có được nhiều bài học.

Theo ông Tùng, những ai đã từng làm chung, góp vốn chung thường đã vướng phải các trường hợp như: Cam kết xuống vốn có vấn đề; lúc đầu vui, sau mới thấy đã chọn sai người; sự tị nạnh về công việc giữa những người góp vốn; đang làm muốn rút vốn; lệch nhau về định hướng và tranh cãi sau một thời gian làm…

Điều này khiến rất nhiều người e ngại sự chung đụng, tâm lý làm một mình cho khỏe. Tuy nhiên nó cũng tạo thành một vấn đề khác, bởi đi một mình thì rất lâu lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Tùng trở thành hướng dẫn viên du lịch, được đi ăn ở nhiều nhà hàng khác nhau, từ món Việt đến món Âu, từ bình dân ven đường đến nhà hàng năm sao. Cũng nhờ vậy, ông được chứng kiến nhiều mô hình F&B khác nhau.

Năm 2008, ông Tùng cùng hai đồng nghiệp trong ngành du lịch lên ý tưởng mở nhà hàng Bếp Việt (Viet Kitchen) với một tình yêu dành cho ẩm thực Việt. Vì có nhiều mối quan hệ nên họ xác định có thể mời được những đầu bếp giỏi.

Thậm chí, nhóm ông Tùng còn mời được bếp phó của nhà hàng Indochine chuyên phục vụ khách tây về làm bếp trưởng cho Viet Kitchen. Sau khi nhà hàng Phở 24 đầu tiên ở Hà Nội của ông Lý Quí Trung đóng cửa, nhóm sáng lập Việt Kitchen thuê lại đúng mặt bằng đó ở số 24C phố Bà Triệu.

Nhưng vào thời điểm đó, nhóm của ông có quá ít vốn, mỗi người chỉ có khoảng 200 triệu đồng. Thậm chí một phần trong con số vốn góp 150 triệu đồng của ông Tùng cũng phải đi vay mượn. Họ làm một hồ sơ và mời những hướng dẫn viên du lịch và điều hành tour quen biết đến một quán cà phê trên phố Ngô Quyền để chào mời cơ hội kinh doanh vào cửa hàng.

Theo tính toán, sẽ cần khoảng 1,5 tỷ đồng để mở được cửa hàng, trong đó, 1 tỷ đồng dùng để mua sắm và sửa sang cơ sở vật chất, 500 triệu đồng là vốn quay vòng. Thế nhưng sau buổi gọi vốn, đã có người muốn xuống tiền đầu tư lên tới 40-50% cổ phần.

“Chúng tôi khá choáng vì nguồn tiền về nhiều quá trong khi ba anh em có quá ít tiền. Chúng tôi sợ là nếu để họ đầu tư vào nhiều quá thì một ngày có thể mình sẽ bị lấy mất công ty, hồi đấy khá thiếu kinh nghiệm”, ông Tùng nói.

Vì vậy, họ đề ra con số 200 triệu đồng là giới hạn vốn đầu tư vào cửa hàng cho mỗi nhà đầu tư, ưu tiên cho những người làm điều hành tour vì trong tương lai những người này sẽ gửi đoàn khách đi tour đến ăn ở nhà hàng. Thực tế chỉ sau mấy tháng, đã có tới khoảng 200 công ty du lịch gửi khách đến.

Qua thời gian, doanh thu khá tốt, tuy nhiên, các vấn đề cũng dần nảy sinh. Là một người chưa có kinh nghiệm phải đảm nhiệm vai trò quản lý cửa hàng ông Tùng phải giải quyết khá nhiều vấn đề.

Điều khiến ông mệt mỏi nhất là tổ chức họp bởi nhóm cổ đông có tới 11 người trong khi mỗi người một ý, những vấn đề nhỏ nhất cũng phải họp, rất mất thời gian. Ông Tùng lại là em út trong nhóm. Có trường hợp, một người trong nhóm góp vốn gửi cháu vào làm lễ tân nhưng do làm không tốt nên bị ông Tùng phạt mấy lần, khiến người góp vốn kia khá phật lòng.

Sau hơn một năm thì dự án có dư dả tiền, không tiêu hết 1,5 tỷ đồng và phải chia lại tiền cho những người góp vốn. Tuy nhiên, mỗi người một góc nhìn: Có người muốn nhân bản cửa hàng nhưng cũng có những người muốn nhận tiền về tiêu. 

Ông Tùng đề xuất mở chuỗi đồ ăn nhanh vì nhận thấy được nhiều cơ hội phát triển mạnh, dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, ý tưởng của ông đã không được mọi người ủng hộ. Ông Tùng cùng một người khác trong dự án rút ra và mở công ty du lịch.

Dù đã rút khỏi dự án nhưng ông Tùng cho biết, đàn anh trong nhóm góp vốn lúc đó vẫn gọi ông để bàn hợp tác khi có những cơ hội đầu tư kinh doanh hay. Đến bây giờ, họ vẫn giữ liên lạc, vẫn ngồi cà phê với nhau. Hàng năm, ông Tùng đều quay lại nhà hàng một lần, gặp lại những người trong nhóm góp vốn ngày xưa để trò chuyện và trao đổi công việc.

“Tôi đã mắc khá nhiều lỗi về vận hành, quản lý, nhưng việc tôi làm rất tốt công việc về tài chính vào thời điểm đó. Tôi rất rành mạch, sòng phẳng về tiền nong nên được tin tưởng”, ông Tùng cho biết.

Bài học được rút ra, theo nhà sáng lập Pizza Home là phải minh bạch và sòng phẳng về mặt tài chính, không chỉ trong ngành F&B mà khi khởi nghiệp các ngành nghề nói chung. Mỗi người trong nhóm góp vốn có những sở trường, sở đoản khác nhau nên khả năng làm việc, sự nỗ lực cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu không rõ ràng chuyện tiền bạc thì khó làm việc với nhau lâu dài. 

Bên cạnh đó, việc có nhiều cổ đông không phải là vấn đề, quan trọng là phải đưa ra một luật chơi sòng phẳng ngay từ đầu.

Chọn người hợp tác

Theo ông Tùng, việc lựa chọn đúng người góp vốn rất quan trọng bởi lựa chọn đúng người đi cùng ngay từ ban đầu sẽ giúp người chủ dẫn đầu dự án đỡ được rất nhiều tranh cãi nhức đầu về sau. Có ba nhóm người có thể rủ vào cùng một dự án.

Thứ nhất là người đã có kinh nghiệm, có khả năng tư vấn và có mối quan hệ trong ngành. Những người này sẽ giúp cho doanh nghiệp đi nhanh hơn và tránh được những cú vấp và rủi ro cần thiết.

Tuy nhiên, những người này thường không sẵn sàng về một doanh nghiệp mới, kể cả họ có chịu về thì cũng chưa chắc đã hiệu quả vì startup sẽ khó có thể đáp ứng được mức lương của họ. Chưa kể đến việc những kinh nghiệm và kỹ năng của họ trong các công ty quy mô lớn chưa chắc hiệu quả khi áp vào công ty khởi nghiệp.

Với những người này, theo ông Tùng, nêu kêu gọi góp vốn và có một quỹ thời gian tư vấn, tốt nhất là gặp trực tiếp 2 buổi mỗi tuần. Khi công ty đã lớn, có quy mô nhất định trên thị trường thì mời về làm sau.

Nếu gọi vốn thì cứ sòng phẳng ra là “em cần TIỀN”. Nhà đầu tư có tiền chưa chắc đã có sức, mà có sức thì chưa chắc họ đã dành sức đó cho bạn.
Ông Hoàng Tùng
Nhà sáng lập Pizza Home

Thứ hai là người có tiền nhàn rỗi. Nhiều người khi gọi vốn tỏ thái độ “không coi trọng tiền”, “cần người làm là chính”… Nhưng theo ông Tùng, tiền thực ra chính là người làm bởi có tiền thì thuê được người làm tốt nhưng người làm tốt chưa chắc đã có tiền để góp vốn.

“Thế nên nếu gọi vốn thì cứ sòng phẳng ra là “em cần TIỀN”. Nhà đầu tư có tiền thì chưa chắc đã có sức, mà có sức thì chưa chắc họ đã dành sức đó cho bạn. 

Thế nên có được tiền là quý rồi, tự mình gắng sức mà cày. Và hãy trân trọng họ, chịu ơn họ, vì họ dám bỏ tiền ra cho mình thực hiện ước mơ”, ông Tùng chỉ ra.

Thứ ba là nhóm người có những nhân sự cần thiết nhưng không có tiền góp vốn hoặc không muốn góp vốn luôn mà quan sát hiệu quả mới xuống tiền.

Ông Tùng lưu ý, khi hợp tác với nhóm này hãy thẳng thắn rằng khi chưa góp tiền thì là nhân viên phải làm việc phải đàng hoàng, chỉ khi góp vốn rồi mới trở thành cổ đông. Tránh trường hợp chưa xuống tiền mà đã hành xử như ông chủ.

Điểm quan trọng là người chủ dẫn dắt dự án phải có khả năng tự làm cho doanh nghiệp chạy được mà không cần sự góp sức của các cổ đông khác. Nhiều người quá dựa vào lời hứa về sự góp sức của cổ đông nhưng sau đó không tiến hành được và oán trách các cổ đông, cuối cùng dẫn đến mâu thuẫn.

“Tốt nhất là hãy chuẩn bị năng lực để mình có thể triển khai được mọi thứ. Các sự giúp đỡ khác chỉ là nguồn lực cộng thêm mà thôi”, ông Tùng nói.

Quy định góp vốn

Ông Tùng từng nhận được một tình huống nhờ tư vấn sau khi việc góp vốn để mở quán cà phê của một nhóm bạn trẻ gặp vấn đề. Cụ thể, một người A và hai người bạn nữa cùng đầu tư mở quán cà phê, mỗi người góp 50 triệu đồng. Người A hăng nhất nên làm mọi thứ, từ việc thuê nhà đến mở quán và vận hành.

Trong quá trình đó, một người xuống vốn chậm, nói không đủ tiền và sẽ đóng sau. Tuy nhiên sau khi quán khai trương và chạy không được như kỳ vọng, người đó bảo không sắp xếp được tài chính và quyết định không góp vốn. Người còn lại thì không góp sức được gì và hiện đang muốn rút vốn.

Quán đã chạy được sáu tháng nhưng đến nay chỉ lãi 2 triệu đồng/tháng. Người A tính mua lại cổ phần của người còn lại nhưng nếu thế thì sẽ phải vay lãi trong khi tiền lãi 2 triệu/tháng của quán không đủ bù. Người A cảm thấy rất bất lực và không biết làm thế nào.

Theo ông Tùng, nếu làm chặt từ ban đầu thì người A đã có thể tránh được các vấn đề xảy ra. Theo nhà sáng lập Pizza Home, khi các cổ đông xuống vốn, nên có hợp đồng góp vốn, kể cả chưa thành lập công ty.

Xoá bỏ “nỗi đau” khi góp vốn kinh doanh 2
Cần có hợp đồng góp vốn, kể cả khi chưa thành lập công ty

Trong hợp đồng góp vốn, nên có điều khoản cọc góp vốn. Ví dụ, dự án chạy hết 1,5 tỷ đồng, chia cho ba cổ đông thì mỗi người góp vốn 500 triệu đồng.

Hợp đồng cần nói rõ, mức cọc xuống vốn là 100 triệu đồng mỗi người. Sau một tháng hoặc sau khi tìm được nhà thuê thì sẽ xuống tiếp 300 triệu đồng. Sau ba tháng, các cổ đông hoàn thành nốt 100 triệu đồng.

Tiền cọc góp vốn 100 triệu đồng/người dùng để cho các chi phí ban đầu như môi giới đi tìm nhà, tiền đi cà phê mời người góp ý cho dự án, trả tiền phí tư vấn cho chuyên gia góp ý mô hình từ ban đầu cùng các chi phí linh tinh khác.

Trong trường hợp bỏ ngang thì người góp vốn sẽ mất khoản cọc 100 triệu đồng này vì khoản tiền này đã được chi ra. Ông Tùng cho rằng, có thể linh hoạt bằng cách cho người muốn bỏ tìm cổ đông khác góp vốn theo đúng tiến độ để dự án chạy được bình thường.

Bên cạnh đó, cần có điều khoản được rút vốn sau một khoảng thời gian. Ví dụ như được rút vốn sau hai năm. Cần đánh giá theo thực tế tài sản khi rút vốn, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo thực tế đánh giá tài sản lúc đó.

Đồng thời, hợp đồng cần có điều khoản mua lại, người bán rút vốn có thể bán lại luôn ưu tiên cho cổ đông từ ban đầu. Trong trường hợp các cổ đông đó không ai mua mới được bán cho người ngoài.

Một kinh nghiệm nữa được ông Tùng chỉ ra là nên gọi vốn dư ra một chút, tránh trường hợp kinh doanh ngay lúc ban đầu chưa hiệu quả thì vẫn còn dòng tiền mặt để có thể duy trì doanh nghiệp

“Liên quan đến tài chính cần rõ ràng rành mạch, dự phòng tất cả trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, giấy tờ ký đàng hoàng để sau này đỡ mệt mỏi”, ông Tùng nhấn mạnh.

Còn với tình huống của người A, ông Tùng cho rằng có thể từ chối việc mua lại cổ phần của người còn lại với giá 50 triệu đồng vì vay lãi để kinh doanh là điều cực rủi ro. Hoặc nếu quyết mua lại, hai người phải tự định giá lại phần cổ phần đó để xem giá trị bây giờ là bao nhiêu, có đúng là 50 triệu đồng hay không. 

Nếu tự tin làm được tốt, người A có thể mua lại và vực quán lên, còn không, ông Tùng cho rằng nên sang nhượng cho người khác hoặc đóng cửa, coi như đó là một bài học nhớ đời.