Ông chủ bánh burger Corona lách qua khe cửa hẹp trong dịch Covid-19

Đặng Hoa - 08:55, 02/04/2020

TheLEADERSản phẩm burger Corona của Pizza Home đã xuất hiện trên hầu hết kênh truyền thông lớn nhất thế giới như BBC, CNN, NBC, Le Figaro, Reuteur, AP…

Ông chủ bánh burger Corona lách qua khe cửa hẹp trong dịch Covid-19
Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập chuỗi Pizza Home trả lời nhà báo David Eades của BBC

“Vậy là lên cả CNN và BBC, hai hãng truyền thông lớn bậc nhất thế giới. Trong giấc mơ điên nhất mình cũng không thể ngờ đến” là chia sẻ được đăng tải trên trang facebook cá nhân của ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập chuỗi Pizza Home vào cuối tuần trước, với những cảm xúc vỡ oà.

Sản phẩm burger được mô phỏng theo hình dạng vi rút corona gây sốt mấy ngày qua của Pizza Home có mặt ở rất nhiều trang báo lớn trong nước và quốc tế, nổi bật là BBC, CNN, NBC, Le Figaro, Reuteur… với những thông điệp và tinh thần lạc quan được lan toả từ Việt Nam ra thế giới trong mùa đại dịch. Trước đó, những chiếc bánh pizza thanh long do doanh nghiệp này sản xuất cũng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Chuyển nguy thành cơ có lẽ là một cụm từ phù hợp nhất để nói về ông Tùng và Pizza Home khi những ngày đại dịch đang phủ bóng đen lên các nền kinh tế. Thế nhưng, để làm được cũng không hề dễ trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh theo mô hình chuỗi đang đứng trước nguy cơ phá sản rất cao. 

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập chuỗi Pizza Home về vấn đề này.

Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Pizza Home hay không, thưa ông?

Ông Hoàng Tùng: Bên cạnh các ngành dịch vụ khác như hàng không, khách sạn, du lịch..., kinh doanh ẩm thực là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19. 

Pizza Home cũng chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch. Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh từ trước đến nay của Pizza Home là tập trung vào thị phần giao hàng tận nhà và khách đến lấy mang về nên bị ảnh hưởng ít hơn. Nhưng do số lượng cửa hàng của hệ thống cũng nhiều nên chúng tôi đã phải cắt bỏ nhiều điểm bán để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có ý kiến chuyên gia cho rằng trong mùa dịch, chi phí cho marketing (tiếp thị) bị cắt giảm khá mạnh, nhưng lại là thời điểm để làm branding (xây dựng thương hiệu). Thực tế này có diễn ra ở Pizza Home hay không?

Chiến lược CẮT-GIẢM-TĂNG đưa chuỗi Pizza Home lên BBC, CNN ngay mùa dịch Covid-19
Ông Tùng cho biết, Pizza Home áp dụng chiến lược CẮT-GIẢM-TĂNG trong mùa dịch Covid-19

Ông Hoàng Tùng: Quan điểm của tôi hơi khác một chút, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi tình hình dịch bệnh diễn ra với nguy cơ kéo dài, chuỗi Pizza Home tập trung vào ba chiến lược và thực thi thật quyết liệt là CẮT, GIẢM và TĂNG.

Thứ nhất, cắt bỏ những thứ không hiệu quả. Ví dụ, một số cửa hàng của Pizza Home trước đây hoạt động không quá hiệu quả nhưng vẫn được giữ lại nhằm duy trì quy mô của Pizza Home. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra, sức mua kém đi thì lập tức những cửa hàng này rơi vào tình trạng thua lỗ. Đây là những điểm cửa hàng chúng tôi quyết liệt cắt bỏ.

Thứ hai, xin giảm giá tiền thuê nhà và cắt giảm những chi phí không cần thiết, siết chặt lại quy trình quản lý chống lãng phí nhằm giảm chi. Một số mặt bằng của Pizza Home đã được thương thuyết để có thể giảm giá thuê nhằm có thể duy trì dòng tiền. Ngoài ra, siết chặt việc quản lý để tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước và các chi phí khác nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Ví dụ, tăng cường tung ra những sản phẩm mới như burger Corona, tăng thêm những kênh marketing truyền thông mới hay mở rộng kênh bán hàng từ offline sang online nhiều hơn.

Tóm lại, hai biện pháp CẮT và GIẢM tập trung vào việc phòng thủ, còn TĂNG tập trung vào mũi tấn công. Ba hoạt động ngày lúc nào cũng cần làm nhưng trong đại dịch đòi hỏi phải làm rất quyết liệt và nhanh chóng.

Lưu ý, marketing cũng nằm trong hạng mục TĂNG và được xem là hoạt động trọng yếu của doanh nghiệp. Trong thời điểm khủng hoảng, cần làm marketing nhưng làm một cách thông minh hơn thay vì cắt giảm. Giống như cha đẻ quản trị học hiện đại Peter Drucker đã nói: “Hai hoạt động chính của doanh nghiệp cần tập trung vào là innovation-cải tiến sản phẩm và marketing-tiếp thị”, vì đây là hai hoạt động tạo ra luồng tiền chảy vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể tồn tại được nếu thiếu luồng tiền này.

Đâu là chìa khoá để có thể xây dựng thương hiệu hiệu quả vào thời điểm này, thưa ông?

Ông Hoàng Tùng: Quay trở lại với câu nói của Peter Drucker, mấu chốt trong hoạt động marketing và branding nên được đi song hành cùng hoạt động cải tiến sản phẩm. Theo tôi trong thời điểm này, nếu chỉ làm marketing theo cách cũ với những sản phẩm cũ thì rất khó có hiệu quả do thị trường đã xấu đi và sức mua xuống thấp.

Thế nên, hoạt động branding và marketing nên đi song hành cùng hoạt động cải tiến sản phẩm, khi có sản phẩm có tính cải tiến hoặc tính mới thì hoạt động marketing tập trung cho sản phẩm đó sẽ hiệu quả hơn.

Chúng tôi cố gắng tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm có tính đột biến trước khi làm các hoạt động marketing đi theo. Chẳng hạn, Pizza Home là đơn vị chuỗi nhà hàng đầu tiên phát khẩu trang miễn phí cho mọi người (làm từ mùng 3 Tết) ngay khi đại dịch mới bắt đầu. Pizza Home cũng là đơn vị đầu tiên tạo ra sản phẩm pizza thanh long trong thời điểm mọi người chung tay giải cứu nông sản là quả thanh long ruột đỏ.

Hay gần đây là sản phẩm burger Corona đã được truyền thông quốc tế để ý tới và đã xuất hiện trên hầu hết kênh truyền thông lớn nhất thế giới như BBC, CNN, NBC, Le Figaro, Reuteur, AP… và khi kiểm tra lại thì báo chí của cả 5 châu lục đều đã đưa tin về sản phẩm này. Quan trọng hơn, các bài báo cũng chuyển tải được tinh thần lạc quan của người Việt và đề cao công tác phòng chống dịch của chính phủ Việt Nam.

Với việc lên các kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng, ông có nghĩ rằng mọi người sẽ chỉ nhớ đến burger Corona mà không phải Hoàng Tùng hay Pizza Home, và rồi khi dịch qua đi, burger Corona sẽ không còn “sức nóng” (hết trend)?

Ông Hoàng Tùng: Thực ra, mọi người hay nói đến trend (xu hướng) theo một tư duy ngắn hạn trong khi tôi luôn quan tâm đến những xu hướng dài hơi hơn.

Ví dụ như nhiều người cho rằng sản phẩm pizza thanh long của Pizza Home là sản phẩm theo trend, điều này không sai, bởi sau khi giải cứu nông sản xong, thanh long về lại giá cũ thì sản phẩm pizza thanh long cũng sẽ ngưng bán. Tuy nhiên, chiến lược kết hợp sản phẩm của mình với các nguyên liệu là các loại nông sản Việt là chiến lược dài hơi của Pizza Home.

Hay suy nghĩ cho rằng khi dịch Covid qua đi, sản phẩm burger Corona sẽ ngưng “hot”, điều đó đúng. Tuy nhiên, chiến lược từ trước đến nay rất nhất quán của Pizza Home là luôn tạo ra các sản phẩm mang tinh thần vui vẻ, trẻ trung, chuyển tải thông điệp tích cực đến cho mọi người. Đó cũng là chiến lược dài hơi của Pizza Home.

Chiến lược CẮT-GIẢM-TĂNG đưa chuỗi Pizza Home lên BBC, CNN ngay mùa dịch Covid-19 1
Sản phẩm burger Corona của Pizza Home

Thế nên, những sản phẩm mang tính chiến dịch có thể không dài hơi nhưng chiến lược đi kèm của Pizza Home luôn luôn nhất quán. Tôi tự hào vì chiến dịch burger Corona lần này và tự coi đó là một trong những kỳ tích hiếm có. Tuy nhiên ngay trong lúc này thì chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm những ý tưởng mới và luôn tập trung cho cá tính lâu dài của thương hiệu, đó là trẻ trung, vui vẻ và tích cực.

Khi các chuỗi F&B khác đang đối mặt với nguy cơ phá sản rất lớn, cùng vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm vào mùa dịch Covid-19, ông có nghĩ những thành quả mình đạt được là nhờ vào may mắn? Hay còn có yếu tố nào khác?

Ông Hoàng Tùng: Thực ra trong quá trình triển khai các sản phẩm và ý tưởng mới, chúng tôi tập trung vào nguyên lý của lean startup – khởi nghiệp tinh gọn. Ý tưởng lõi là không ngại thử nghiệm, tung ra sản phẩm mới thật nhanh và nhờ chính khách hàng đóng góp để hoàn thiện sản phẩm. Quan điểm là “fail fast and fail cheap”, nghĩa là nếu có thất bại hãy thất bại thật nhanh (cho đỡ tốn thời gian) và thất bại sao cho thật ít tiền để tối ưu nguồn lực.

Trong chiến dịch burger Corona có yếu tố may mắn. Tuy nhiên chúng tôi đã thử nghiệm rất nhiều ý tưởng, rất nhiều ý tưởng đã thất bại và chúng tôi coi việc thất bại là điều cần thiết để có được thành quả sau này. Chúng tôi đã từng làm bánh mỳ sầu riêng, bánh gối dưa hấu (trong đợt giải cứu nông sản) hay cookie Corona (cùng đợt với burger Corona), tuy nhiên đều thất bại. Nhưng đó là những thất bại cần thiết để có được những sản phẩm thành công như burger Corona.

Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp F&B khác trong giai đoạn này?

Ông Hoàng Tùng: Tôi nghĩ lời khuyên của cha đẻ ngành quản trị học Peter Drucker là rất hiệu quả, chúng ta sau khi tối ưu doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, cắt giảm dư thừa và tối đa hóa công nghệ thì việc vô cùng cần thiết là tập trung vào hoạt động cải tiến và marketing để có dòng tiền chảy vào doanh nghiệp càng sớm càng tốt…

Vậy kế hoạch của Pizza Home trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Tùng: Chiến dịch burger Corona thành công giúp chúng tôi có thêm dòng doanh thu và có được tiếng vang lớn. Tuy nhiên trở lại với thực tế, tình hình vẫn đang có nhiều khó khăn, thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực và chúng ta vẫn cần phải đấu tranh vất vả để có thể vượt qua những sóng gió trước mắt.

Với Pizza Home, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào ba hoạt động cốt lõi CẮT – GIẢM – TĂNG và thực thi chúng thật quyết liệt để có thể tập trung nguồn lực nhằm chờ đợi những cơ hội sẽ đến khi đại dịch đi qua.

Xin cảm ơn ông!