Ban lãnh đạo Techcombank sắp nhận 'món quà trăm tỷ'

Trần Anh - 10:00, 29/03/2019

TheLEADERTechcombank lên kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phần cho nhân viên, chủ yếu là ban lãnh đạo ngân hàng theo chương trình ESOP.

Ban lãnh đạo Techcombank sắp nhận 'món quà trăm tỷ'
Logo Techcombank bên ngoài một điểm giao dịch

Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, ngân hàng muốn thực hiện hiện chương trình phát hành, bán cổ phần cho người lao động (ESOP) trong năm nay.

Ngân hàng dự kiến phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu phổ thông (tương đương 0,29% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.

Hiện tại, giá cổ phiếu Techcombank đang ở quanh mức 26.000 đồng/cp. Với việc không hạn chế chuyển nhượng, người lao động mua cổ phiếu ESOP có thể bán ra và thu về khoản chênh lệch xấp xỉ 160 tỷ đồng. Đây có như là phần thưởng của Techcombank cho ban lãnh đạo và nhân viên sau một năm kinh doanh thành công.

Để được mua cổ phiếu giá rẻ này, nhân viên Techcombank cần có ít nhất một năm làm việc tại ngân hàng, không vi phạm kỷ luật hoặc chờ kỷ luật xử lý… Cấp lãnh đạo phải đạt một số tiêu chí sâu hơn để được quyền mua cổ phiếu.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Techcombank thực hiện ESOP. Thời điểm trước khi lên sàn vào năm ngoái, Techcombank chi rất đậm cho hoạt động này. 

Ngân hàng đã triển khai bán 14,7 triệu cổ phiếu quỹ với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, chỉ bằng 1/10 mức giá cổ phiếu Techcombank trên sàn OTC. Giá niêm yết của Techcombank sau đó là 128.000 đồng/cp, tương đương với việc ngân hàng đã chi ra trên 1.000 tỷ đồng cho hoạt động tưởng thưởng nội bộ.

Những lãnh đạo cao cấp của Techcombank là những người hưởng lợi nhiều nhất từ ESOP. Chỉ 2 ngày kể từ khi Techcombank cho đăng ký mua vào, những thành viên ban lãnh đạo ngân hàng đã tới hơn 4,3 triệu cổ phần, tương đương 1/3 số cổ phiếu ESOP.

Đối với doanh nghiệp, ESOP được xem công cụ hữu hiệu. Khoản thưởng nghìn tỷ tạo ra động lực làm việc cho người lao động, đồng thời giúp công ty không phải chi tiền thưởng bằng tiền mặt và cũng không phải ghi nhận chi phí lương thưởng như khi trả bằng tiền.

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, có những doanh nghiệp chấp nhận chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động này.

Công ty Thế Giới Di Động (TGDĐ) là một ví dụ điển hình. Lên sàn vào tháng 7/2014, ngay tháng 12 năm đó, công ty phát hành 5,33 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 5%) thưởng cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của công ty. Từ đó đến nay, cứ vào tháng 12 hàng năm, thị trường đều thấy Thế Giới Di Động phát hành ESOP.

Cổ phiếu ESOP của Thế Giới Di Động thường bị hạn chế chuyển nhượng trong vài năm thay vì không hạn chế như Techcombank, mục tiêu là để nhân viên trung thành hơn với công ty và tránh việc cổ phiếu bị bán ào ạt ra thị trường.

Ý nghĩa thực sự của ESOP đó là tạo động lực cho lãnh đạo, nhân viên công ty, từ đó mang về nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại biến ESOP thành công cụ để tăng thu nhập cho ban lãnh đạo, gián tiếp khiến cổ đông thiệt hại. 

Thực tế, đại hội cổ đông của nhiều công ty đại chúng đã phủ quyết gói ESOP mà ban lãnh đạo công ty đề xuất. 

Năm 2017, CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) chỉ phát hành ESOP cho 7 lãnh đạo công ty. Bản thân Techcombank khi ESOP vào đầu năm 2018, có những lãnh đạo của công ty đã mua vào tới 2 triệu cổ phần.

Mặt khác, để có thể phát hành ESOP, lợi nhuận trên báo cáo tài chính phải đạt được mức phê duyệt của đại hội cổ đông. Đó cũng là một động cơ rất lớn khiến lãnh đạo công ty đẩy lợi nhuận trên báo cáo.

Bản thân một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng như Thế Giới Di Động trước áp lực của cổ đông cũng đã giảm tỷ lệ ESOP xuống 3% thay vì 5% như các năm trước, đồng thời bị hạn chế chuyển nhượng tới 4 năm.