Bán lẻ trực tuyến thăng hoa nhờ Covid-19

Hoài An - 17:06, 26/04/2021

TheLEADERNhững doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30 - 60% giữa bối cảnh bán lẻ trực tuyến sôi động.

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất với 46%, tiếp sau là gọi xe và đồ ăn công nghệ (tăng 34%), tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến (tăng 18%).

Liên quan đến bán lẻ trực tuyến, kết quả khảo sát từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm ngoái tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30 – 60%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.

Khảo sát của VECOM năm 2020 đối với những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho bán lẻ hàng hóa trực tuyến cho thấy, tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi của toàn thị trường.

Tỷ lệ bưu gửi của năm địa phương đứng đầu tiếp theo là 12%, đồng nghĩa với việc 56 địa phương còn lại chỉ chiếm 28% bưu gửi.

Cùng với đó, VECOM cho biết có sự chênh lệch rất lớn, thông thường từ 10 – 20 lần giữa tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội hoặc TP.HCM với địa phương đứng thứ ba.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã năng động, thích ứng và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Cùng với đó, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh.

Sự kết hợp của hai yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, trong đó có bán lẻ hàng hóa trực tuyến.

Cụ thể, theo báo cáo Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19, trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4/2020, mua sắm trực tuyến trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hóa và dịch vụ.

Điểm nổi bật là trong khủng hoảng, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.

Giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ ba bùng phát vào cuối tháng 1/2021, cận kề với ngày lễ lớn nhất năm là Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp một lần nữa thể hiện sự năng động và tích cực triển khai kinh doanh trực tuyến. Chẳng hạn, nhiều nhà vườn đã nhạy bén cung cấp dịch vụ cho thuê hoa đào, quất, mai vàng trực tuyến.

Sự gia tăng của bán lẻ hàng hóa trực tuyến giữa Covid-19 là một trong những yếu tố giúp xu hướng quay trở lại của các sàn thương mại điện tử thời gian gần đây ngày càng rõ hơn. Theo đó, năm 2020 có tới 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VECOM có tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng 5% so với năm 2019.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử thì có tới 23% cho biết họ tham gia sau khi dịch Covid-19 khởi phát.

Tổng kết thương mại điện tử Việt Nam 2020, hướng đến 2021 của iPrice đánh giá, doanh nghiệp nội địa Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển lớn trong khu vực khi có đến năm doanh nghiệp góp mặt trong bảng xếp hạng tốp 10 khu vực Đông Nam Á theo lượng truy cập website.

Các doanh nghiệp lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Điện Máy Xanh, Sendo và FPT Shop.

Đồng thời, bản đồ thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á còn cho thấy rằng Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia tính theo lưu lượng truy cập. Theo đó, lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.

Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử nước nhà.