Liên kết giữa doanh nghiệp với bà con nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trở nên lỏng lẻo bởi lối tư duy đẩy khó khăn cho bên còn lại.
Quãng thời gian hợp tác cung ứng, tiêu thụ nông sản cho nhiều hợp tác xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để lại bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, những ký ức buồn.
Bà buồn vì một bộ phận bà con nông dân không tôn trọng chữ tín. Công ty từng ký kết bao tiêu sản phẩm cho một số hợp tác xã với mức giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường nhưng kỳ thu hoạch chỉ nhận được hàng loại 2. Những nông sản ngon nhất, đẹp nhất đã được hợp tác xã gom lại bán cho các siêu thị.
Chuyện buồn nữa là công ty ký kết với hợp tác xã để cung ứng cá sạch làm thực phẩm tại các trường học. Hợp tác xã cam kết rằng cá không có dư lượng kháng sinh nhưng qua kiểm tra các mẫu nhập về, công ty phát hiện sản phẩm không đúng cam kết nên phải kết thúc hợp tác.
“Chỉ vài vụ đầu là bà con nông dân thực hiện đúng cam kết nên rất khó để doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nông sản cho bà con một cách lâu dài”, bà Hằng thẳng thắn nhận xét.
Chung mong muốn trở thành cầu nối giúp nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ nhưng ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc điều hành Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm, thấy rất khó bởi ít đơn vị đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP.
Thậm chí có trường hợp, nhà sản xuất cam kết với Bác Tôm đã đạt được chứng nhận VietGAP, nhưng qua kiểm tra mới thấy còn chưa đạt rất nhiều điều kiện. Thời gian qua, chuỗi cửa hàng Bác Tôm mất nhiều công sức vừa tìm kiếm nguồn hàng, vừa kiểm tra chất lượng nông sản, vừai cố gắng chứng minh cho khách hàng về độ tin cậy của các loại nông sản đó.
Ông Chiến cho biết, là một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, Bác Tôm luôn ưu tiên phân phối nông sản sạch, có thương hiệu và sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân cũng như các hợp tác xã để canh tác đạt chuẩn và được cấp chứng nhận.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân trong chuyển đổi canh tác bền vững và đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ.
Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người nông dân cũng như hợp tác xã đang phải “tự bơi” để đáp ứng các tiêu chuẩn, chính là thực trạng được ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh Ba Vì, nêu lên tại Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương, khi nói về thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và hợp tác xã nông nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ phân phối, bán lẻ và xuất khẩu nông sản cần lắng nghe thị trường, sau đó quay lại “đặt hàng” cho người nông dân rằng phải canh tác, chế biến làm sao đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì.
Không nhiều doanh nghiệp làm tốt vai trò này, thay vào đó vẫn để người nông dân và các hợp tác xã tự tìm hiểu, tự tổ chức sản xuất, canh tác. Điều này gây khó khăn lớn bởi thị trường đang biến chuyển từng ngày, các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như tiêu chuẩn phát triển bền vững ngày càng trở nên nghiêm ngặt.
“Doanh nghiệp muốn bán sản phẩm hữu cơ nhưng bà con nông dân, nhà sản xuất chưa hiểu hữu cơ là gì, mức độ ra sao, yêu cầu thế nào”, ông Hùng nói.
TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương, nhìn nhận, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thời đại, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết và liên kết vùng là hướng đi đúng đắn.
Trước những bức bối đặt ra trong mối liên kết doanh nghiệp với người nông dân và hợp tác xã nông nghiệp, theo ông Hùng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải nâng cao nhận thức về liên kết kinh tế, từ đó chủ động lựa chọn và thiết lập các mối liên kết về thị trường cũng như chuỗi giá trị nông sản.
Ông Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng của liên kết là phải đảm bảo sự minh bạch trên tinh thần chia sẻ cả rủi ro và lợi nhuận của tất cả các chủ thể, từ đó, mối liên kết với bền vững và phát huy giá trị.
Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến những trái cây nhập khẩu cao cấp của nước ngoài với giá đắt đỏ, thì hiện nay, ngay tại trong nước cũng có nhiều loại nông sản giá trị cao, đạt tiêu chuẩn về chất lượng không thua kém nhiều nước trên thế giới.
Chỉ có khoảng hơn 50 nghìn doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một con số hết sức khiêm tốn so với tổng số hơn 900 nghìn doanh nghiệp trên cả nước.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.