Bán vé tàu kèm suất ăn: Luật Cạnh tranh cấm áp đặt

Cát Anh - 11:55, 03/11/2017

TheLEADERE ngại trước khả năng giá vé tàu tăng vì bị kèm thêm suất ăn “cưỡng bức”, nhiều ý kiến phản đối kịch liệt.

Bán vé tàu kèm suất ăn: Luật Cạnh tranh cấm áp đặt
Nếu ngành đường sắt cũng cung cấp suất ăn theo kiểu để cho hành khách tự chọn lựa thì không có gì sai.

Phương án gộp chi phí suất ăn vào giá vé từng được ngành đường sắt thực hiện trên tàu từ năm 2007 trở về trước. Sau đó kế hoạch này đã bị “khai tử”. Thế nhưng mấy ngày qua, chuyện này lại được xới lên vì ngành đường sắt lại tiếp tục đưa ra thí điểm từ 1/1/2018. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giải thích là suất ăn được cung cấp sẽ có chất lượng như trên máy bay.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trên máy bay thì hành khách khi mua vé có quyền lựa chọn đăng ký suất ăn kèm vé hay không. Còn đi tàu lửa, nếu hành khách bị áp đặt, không có quyền chọn lựa thì có nhiều điều liên quan đến Luật Cạnh tranh.

Hàng không còn không ép được

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh, phân tích rằng, ngành hàng không hiện nay cũng không bán vé “ép” thêm suất ăn.

“Khi mua vé, tôi thường được hỏi là có mua thêm suất ăn hay không? Tôi thường không chọn mua suất ăn. Trên máy bay, tiếp viên hàng không thường đến hỏi một số khách là thưa ông/bà, ông/bà có đặt suất ăn phải không, rồi họ phục vụ suất ăn cho khách đã đặt trước. Đương nhiên, khi đang bay, ai muốn mua thêm suất ăn, nước uống thì cứ mua, nhưng cũng có lúc có món hết rồi thì không có mà mua được nữa. Việc phục vụ suất ăn hàng không như vậy không mang tính cưỡng ép. Nếu ngành đường sắt cũng cung cấp suất ăn theo kiểu để cho hành khách tự chọn lựa như trên thì không có gì sai”, luật sư Chánh cho biết.

Mặc dù tính chất của ngành hàng không có khác biệt so với đường sắt, mà hàng không cũng không ép khách mua suất ăn, thì ngành đường sắt càng không thể ép! Để đảm bảo an toàn bay, hành khách bị giới hạn về trọng lượng hành lý xách tay, thêm các khoản quy định về chất lỏng, nên cũng không thuận tiện mang đồ ăn, nước uống lên máy bay. Tuy nhiên, nếu khách mang theo thức ăn thì vẫn được. Đường sắt thì không đòi hỏi nghiêm ngặt như vậy, cho nên không có lý do gì để ép khách ăn suất ăn trên tàu.

“Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng”

Dịch vụ đường sắt hiện nay do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận. Không có công ty nào khác khai thác dịch vụ đường sắt.

Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị cấm nhiều hành vi, trong đó có hành vi “áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng” (Điều 14). Đây bị xem là hành vi lạm dụng vị trí độc quyền.

Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng được giải thích rõ trong Nghị định 116/2005: “Là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng”.

Nếu có việc buộc hành khách mua vé tàu phải mua kèm luôn suất ăn thì việc này sẽ gây khó khăn cho khách hàng vì khách sẽ phải trả thêm tiền khi mua vé. Giá vé sẽ tăng do có thêm suất ăn, trong khi hành khách không được quyền chọn dùng suất ăn hay không, chọn ăn món gì.

Doanh nghiệp ngoài việc bị phạt tiền, có thể đến 10% tổng doanh thu, còn bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được. Theo Nghị định 71/2014, doanh nghiệp còn bị buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng. 

Nếu ngành này không “ép” khách mua vé kèm suất ăn, mà để khách tự chọn đặt thêm suất ăn khi mua vé và trả tiền suất ăn khi mua vé, hoặc khách tự mua thêm khi đang đi trên tàu (còn suất ăn thì mua, hết thì phải chịu, do khách không đặt trước) thì là chuyện kinh doanh bình thường, khách thích thì mua, không thích thì thôi.

Cần cơ quan bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng có thể áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết mối quan hệ ngành đường sắt – hành khách đi tàu.

Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Khách mua vé đi tàu phải được quyền chọn lựa mua hoặc không mua kèm suất ăn, không để ngành đường sắt bắt buộc khách mua kèm suất ăn theo vé tàu!