‘Bánh Trung Thu’ cho phát triển kinh tế Việt Nam

Phạm Sơn - 12:34, 29/09/2020

TheLEADERCủng cố vai trò của khu vực tư nhân, thay đổi thể chế theo hướng tinh gọn thủ tục, minh bạch thông tin cùng với ưu tiên đầu tư có hiệu quả vào giáo dục là công thức làm “bánh Trung Thu” cho phát triển kinh tế Việt Nam sao cho đảm bảo mỗi người dân đều được hưởng miếng bánh ấy.

‘Bánh Trung Thu’ cho phát triển kinh tế Việt Nam
Việt Nam cần phải xem xét tiền trình phục hồi thông qua việc tận dụng những cơ hội đặt ra.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, với các tác động trong ngắn hạn và dài hạn từ đại dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2020, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ thái độ tương đối lạc quan về tương lai của nền kinh tế, đến từ những “cơ hội luôn đi kèm cùng thách thức”.

Cụ thể, cơ hội này đến từ hai xu hướng lớn được định hình rõ rệt từ đại dịch Covid-19, bao gồm sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự lên ngôi của nền kinh tế ít chạm.

Đồng quan điểm với bà Turk, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam cần phải xem xét tiến trình phục hồi thông qua việc tận dụng những cơ hội đặt ra, để làm sao không chỉ đạt được mức tăng trưởng trên những con số mà còn hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.

Suốt 3 thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế, tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ WB cho biết, tỷ lệ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam vẫn còn chưa cao. Cụ thể, năm 2018, sự đóng góp vào chuỗi giá trị của Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 20,4 tỷ USD, chỉ bằng chưa tới ¼ con số 84,8 tỷ USD của Philippines.

Báo cáo mới đây của WB cũng chỉ ra rằng, đóng góp trong chuỗi giá trị ở lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn tương đối hạn chế chứ chưa nói đến những lĩnh vực trình độ cao và tinh xảo hơn.

Bánh Trung Thu cho phát triển kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn thường niên Cải cách và phát triển Việt Nam 2020.

Bà Kwakwa cho biết, theo ước tính, 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu có thể giúp tăng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1%, cao gấp đôi so với việc đầu tư vào kinh tế nội địa. Vì vậy, đây sẽ là trọng tâm quan trọng của tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2020, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết, có 5 nhân tố quan trọng cần được thúc đẩy để kiện toàn nền kinh tế.

Đầu tiên, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua thúc đẩy giáo dục và đào tạo. Đây sẽ là động lực vô cùng quan trọng không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu của các công đoạn tạo ra giá trị cao mà còn tạo cơ sở xây dựng hệ thống cung ứng nội địa.

Theo ông Morisset, vấn đề trình độ nhân lực được hầu hết các nhà đầu tư đánh giá đang là một điểm nghẽn then chốt cản trở hoạt động của dòng vốn chất lượng cao tại Việt Nam.

Thứ hai, thúc đẩy công nghệ mới thông qua quá trình nghiên cứu phát triển (R&D), trước hết là bắt kịp với trình độ công nghệ toàn cầu. Doanh nghiệp nội địa tụt hậu về trình độ công nghệ sẽ khó lòng mà cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, tăng cường đầu tư vào hạ tầng kết nối, bao gồm cả kết nối trực tuyến và vật lý, kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường toàn cầu những như kết nối các doanh nghiệp nội địa với nhau.

Thứ tư, mở cửa dịch vụ thông qua việc xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, giảm thiểu đặc quyền của các công ty nhà nước. Dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy thương mại hàng hóa.

Ông Morisset nhấn mạnh, chuyển đổi sang nền kinh tế tập trung vào dịch vụ là mô hình tối ưu đang được nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Singapore áp dụng. Tăng cường dịch vụ không phải là xem nhẹ công nghiệp, nông nghiệp mà còn có thể tạo ra giá trị ngược, giúp nâng cao năng suất của các lĩnh vực này.

Cuối cùng, tập trung đầu tư vào phát triển sạch và nâng cao sức chống chịu để hạn chế và quản lý rủi ro đến từ những nguy cơ có thể xảy đến trong tương lai như biến đổi khí hậu.

Cùng chung ý kiến với ông Morisset, bà Kwakwa đưa ra các đề xuất trong ngắn, trung và dài hạn đối với Việt Nam.

Khu vực tư nhân năng động, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, cùng với cải cách thể chế chính sách và đầu tư có hiệu quả vào giáo dục là công thức hoàn hảo cho chiếc bánh Trung Thu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục mở cửa thị trường, thu hút manh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm động lực thúc đẩy nền kinh tế.

Về trung hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI nhằm giúp khu vực kinh tế tư nhân nội địa nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần chủ động thu hút đầu tư chất lượng cao và xem xét lại chiến lược đổi mới khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về dài hạn, tiến hành các chương trình cải cách thể chế, tinh gọn thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý theo hướng mở cửa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đầu tư có hiệu quả vào giáo dục để nâng cao trình độ cho người lao động.

Bà Kwakwa khẳng định, thực hiện tốt 3 đề xuất trên sẽ là “công thức hoàn hảo cho chiếc bánh Trung Thu về sự phát triển ở Việt Nam và đảm bảo rằng mọi người dân sẽ được hưởng một phần chiếc bánh ấy”.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia WB cũng gửi lời chúc mừng tới chính phủ Việt Nam về những thành công trong công tác phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.