Bất chấp rủi ro, Việt Nam sẽ vẫn là điểm hút FDI hàng đầu

Phương Anh - 16:34, 22/05/2023

TheLEADERChuyên gia của VinaCapital nhận định mặc dù dòng FDI vào Việt Nam sắp tới đối diện với rủi ro từ việc giảm khả năng cạnh tranh với Ấn Độ, Malaysia, hay từ chính sách thuế toàn cầu mới, Việt Nam vẫn là tiếp tục là điểm đến hàng đầu của dòng vốn này.

Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh đáng gờm?

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam, và Việt Nam được đánh giá đã được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, rủi ro với tương lai của dòng vốn này đã xuất hiện gần đây, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định trong phân tích mới nhất về tình hình FDI tại Việt Nam.

Trước hết là nguy cơ Việt Nam có thể giảm khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI so với Ấn Độ, Malaysia và/hoặc Indonesia.

Cụ thể, những động thái của Apple về kế hoạch mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã thu hút nhiều đánh giá tích cực về dòng FDI vào quốc gia này.

Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, điều cần lưu ý là những chuyển động này nhất quán với những doanh nghiệp đa quốc gia khác đang đầu tư vào Ấn Độ, với mục tiêu chủ yếu là sản xuất các sản phẩm bán cho người tiêu dùng nội địa.

Xu hướng này rất khác so với động cơ của các doanh nghiệp đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam đang theo đuổi "mô hình phát triển Đông Á", cách tiếp cận của những nền kinh tế tăng trưởng vượt trội - những "con hổ châu Á" đã từng áp dụng để tăng trưởng vượt trội.

Chiến lược này tập trung vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác, và các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam đóng góp một phần đáng kể trong nỗ lực này, khi gần như các sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu.

Trong khi đó, Ấn Độ theo đuổi chiến lược tăng trưởng định hướng trong nước hơn, do đó, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Ấn Độ tìm cách thu lợi từ tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng của quốc gia này, thay vì coi đây là cơ sở sản xuất để xuất khẩu.

Không nên coi làn sóng công bố FDI mới ở Ấn Độ hiện nay sẽ lấy đi đầu tư khỏi Việt Nam.

Theo phân tích, hai vấn đề chính đang ngăn cản các công ty đa quốc gia đầu tư mạnh vào Ấn Độ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu bao gồm các vấn đề liên quan đến lực lượng lao động (như trình độ đọc viết), và luật lao động nghiêm ngặt của nước này.

Ví dụ, các nhà máy tại Ấn Độ có hơn 100 nhân viên sẽ cần có sự chấp thuận từ chính phủ trước khi muốn sa thải bất cứ nhân viên nào. Chương trình "Make in India" - Sản xuất tại Ấn Độ được triển khai năm 2015 nhằm thu hút FDI, cùng với một phần ưu đãi thuế, một phần thất bại vì những lý do này.

Trong khi đó, xếp hạng của Việt Nam về mức độ thuận lợi trong kinh doanh theo Economist Intelligence Unit (EIU) đã tăng 12 bậc, ghi nhận mức cải thiện lớn nhất trong số các thị trường mà đơn vị này xếp hạng.

"Chúng tôi không thấy rằng Ấn Độ sẽ đe dọa dòng FDI của Việt Nam, và tin rằng FDI sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Không nên coi làn sóng công bố FDI mới ở Ấn Độ hiện nay sẽ lấy đi đầu tư khỏi Việt Nam", ông Michael Kokalari nhấn mạnh trong báo cáo.

Ngoài Ấn Độ, một số ý kiến cũng lưu ý rằng vốn FDI đăng ký rót vào Malaysia và Indonesia đã tăng mạnh trong hai năm qua, trong khi con số này ở Việt Nam về cơ bản không thay đổi, và thậm chí, suy giảm trong bốn tháng đầu năm.

Điều này cho thấy rằng các công ty đa quốc gia có thể thành lập nhà máy ở Malaysia và Indonesia thay vì ở Việt Nam. Tuy nhiên, hai quốc gia này lại hưởng lợi từ gia tăng đầu tư vào sản xuất pin xe điện, và Malaysia còn hút thêm đầu tư vào các trung tâm dữ liệu.

Trong khi đó, FDI công nghệ cao vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lắp ráp hàng tiêu dùng và các thiết bị điện tử khác, chưa có nhiều "đất diễn" với các doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như trung tâm dữ liệu hay điện toán đám mây.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là quá trình leo lên chuỗi giá trị công nghệ cao của Malaysia cũng bắt đầu từ việc lắp ráp các sản phẩm điện tử. Vì vậy, thành công của Malaysia có thể được xem là một hướng tương lai cho Việt Nam. 

Vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu

Bên cạnh sự cạnh tranh từ các thị trường khác, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cũng đặt ra nhiều nghi ngại với tương lai dòng FDI vào Việt Nam, khi dự kiến nhiều công ty sẽ phải chịu mức thuế suất tăng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của VinaCapital nhận định mức thuế thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới quyết định thành lập một nhà máy mới của một doanh nghiệp, theo khảo sát từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.

Những điều kiện khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (bao gồm chất lượng và mức tiền lương), cơ sở hạ tầng đều là những yếu tố được đánh giá cao hơn.

Do đó, ông Michael Kokalari nhận định thuế tối thiểu toàn cầu ít khả năng cản trở FDI vào Việt Nam.

“Vì những lý do trên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu, và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế và/hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần”, ông nhấn mạnh.