Bất lực trước cơ hội, ngành gạo lộ điểm yếu

Nhật Hạ - 22:31, 25/08/2023

TheLEADERThiếu vắng Ấn Độ trong cuộc đua xuất khẩu gạo ra thế giới, 40% ‘miếng bánh’ để lại cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác. Cơ hội là quá rõ. Tuy nhiên, việc Việt Nam tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu lại không hề dễ dàng.

Ngày 20/7, Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati) khiến nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh tới hơn 140 quốc gia đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Hằng năm, quốc gia này xuất khẩu ra thế giới trên 20 triệu tấn gạo.

Trước đó ba ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Cộng hưởng với tình trạng hạn hán khiến nhiều nước tăng nhu cầu dự trữ gạo.

Sự thiếu hụt lớn về nguồn cung đã khiến giá gạo xuất khẩu vượt đỉnh 15 năm. Trong đó, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cách đây một tuần, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới và hiệp hội này dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Đây là thời điểm hiếm có để gạo Việt mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, những vấn đề nội tại trong nước từ trước tới nay đang khiến gạo Việt tận dụng thời cơ này một cách hạn chế.

Cụ thể, sản xuất lúa gạo có quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu, Bộ Công thương đánh giá trong cuộc họp đầu tháng này.

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. 

Mặc dù năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt khá, nhưng dễ dàng nhận thấy sản lượng cũng khó có thể tăng đột biến so với năm trước khi diện tích trồng lúa trên cả nước ngày càng bị thu hẹp qua các năm. Do đó, dư địa để gia tăng nguồn cung cho xuất khẩu một cách nhanh chóng không nhiều.

Việc giảm diện tích gieo cấy lúa được Tổng cục Thống kê lý giải là nhằm chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Lộ sự thiếu bền vững trong ngành gạo

Lợi thế đang nghiêng về số ít doanh nghiệp có tiềm lực, có lượng gạo dự trữ từ trước. 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bất cập đã xảy ra như mua vào giá cao bán giá thấp, tức vụ hè thu lúa gạo giá thấp nên các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán giá thấp từ trước, nhưng do giá lúa gạo bất ngờ tăng chóng mặt gần đây khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn, thậm chí hủy giao hàng vì không mua được hàng giá cũ ở thời điểm hiện tại. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện Cục Trồng trọt cho biết việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực do tình hình sản xuất trong nước năm nay tích cực.

Tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 lên 700.000 ha. Mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được. Dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo năm nay, tăng gần 10% so với năm trước.

Động thái nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông năm nay nhằm tăng năng suất có phần chậm hơn so với diễn biến thị trường. 

Cách đây tầm một năm, Ấn Độ có động thái đầu tiên khi công bố cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% đối với các loại gạo khác. Ngay sau đó giá gạo xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh. 

Báo cáo triển vọng ngành gạo của VNDirect vào tháng 9/2022 đã nhận định: “Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo”. Theo Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 tăng nhẹ 5% so với năm trước đó và sản lượng tăng 14%.

Do đó, “gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường” là một trong những đề xuất đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 15/8 vừa qua. Đồng thời, ông cho rằng cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.

Ông nhấn mạnh cần tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh việc tận dụng cơ hội thị trường, ông Diên khẳng định cần bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.