‘Đẩy mạnh xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực’

Nhật Hạ - 11:51, 04/08/2023

TheLEADERĐây là khẳng định của Cục trưởng Cục Trồng trọt trong bối cảnh giá gạo đang tăng rất cao, đồng thời sản xuất trong nước năm nay dự kiến rất tốt.

‘Đẩy mạnh xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực’
Tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao.

Giá gạo Việt đang tăng nhanh trong bối cảnh nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, UAE, Nga… đã chính thức dừng xuất khẩu gạo.

Theo đó, giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg. Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.

“Đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác”, ông Nguyễn Văn Kiệt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhận định tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Do tình hình sản xuất trong nước năm nay tích cực.

Sau khi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn có thể đạt được. Dự kiến năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo.

Vì vậy, “đây là thời cơ để Việt Nam xuất khẩu gạo, không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội”, ông Cường nhận định. Tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 lên 700.000 ha.

Cuối tháng 7, Nga đã ra thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa khi sản lượng lúa gạo của Nga năm 2022 giảm 21% so với năm trước đó. Lệnh cấm này không áp dụng cho các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) hoặc Nam Ossetia và Abkhazia.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế UAE ngày 28/7 cũng thông báo dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo trong 4 tháng. UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7. Các doanh nghiệp nước này muốn xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sẽ phải xin phép Bộ Kinh tế. Nếu được thông qua, giấy phép của họ sẽ có hiệu lực trong 30 ngày.

Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – Ấn Độ (chiếm tới 40% nguồn cung gạo toàn cầu) sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati, loại gạo phổ biến tại Nam Á vào giữa năm ngoái, thì mới đây cũng dừng xuất khẩu thêm cả cám gạo đã tách dầu.

‘Đẩy mạnh xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến an ninh lương thực’

Theo báo cáo ước tính cung và cầu nông nghiệp trên thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ mới công bố ngày 12/7, độ chênh lệch giữa cung và cầu trên thế giới ngày càng mở rộng. Tổng cầu trên thế giới trong niên vụ (tháng 7/2022-6/2023) đang cao hơn nguồn cung, gần tương đương với nhu cầu tiêu thụ gạo của cả Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan này, niên vụ 2023-2024, tình trạng này sẽ được cải thiện. Nguồn cung và tiêu thụ cao hơn 1 chút, thương mại gia tăng và dự trữ lớn hơn. Cụ thể, nguồn cung thế giới tăng 0,3 triệu tấn lên 694,3 triệu tấn gạo, chủ yếu là do sản lượng của Mỹ cao hơn. Tiêu thụ gạo toàn cầu ở mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023, do mức tiêu thụ cao hơn của Kenya và Việt Nam bù đắp vào sự sụt giảm của Thái Lan.

Trong khi đó, thương mại gạo trên thế giới dự kiến đạt 56,4 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn do xuất khẩu cao hơn của Việt Nam và Mỹ.