Biến công nghệ thành nô lệ

Hường Hoàng - 09:31, 27/03/2023

TheLEADERNguyên năm 2022, cả thế giới xôn xao về chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI). Midjourney, DALL E có thể tạo ra những bức tranh hoàn hảo về mặt bố cục chỉ bằng những dòng lệnh trong vòng chưa đầy 5 phút. ChatGPT làm cả thế giới kinh ngạc vì những câu trả lời ngắn gọn, xúc tích và khả năng xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên như khi trò chuyện với con người.

Biến công nghệ thành nô lệ
"Anh Nguyễn Tiến Huy, nhà sáng lập kiêm CEO của Pencil Group"

Với hiệu quả vượt trội và tính ứng dụng rộng rãi, AI đã vượt ra khỏi giới của lĩnh vực công nghệ và trở thành một hiện tượng được quan tâm hơn bao giờ hết trong công chúng.

Có người hào hứng, có người ngạc nhiên và có người lại lo sợ về tiềm năng của nó. Trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, không ít nhân sự lo lắng bị thay thế bởi AI. Vậy con người nên chuẩn bị tâm thế và kĩ năng như thế nào để đối mặt với những thay đổi, biến động và tiềm năng mà công nghệ đem đến?

Hoạt động gần 20 năm trong lĩnh vực sáng tạo, đồng thời là chủ một doanh nghiệp sáng tạo kết hợp những hiểu biết sâu sắc về công nghệ với những ý tưởng truyền thông sáng tạo, anh Nguyễn Tiến Huy, nhà sáng lập kiêm CEO của Pencil Group, đã chia sẻ những nhận định của mình về chủ đề này.

Công nghệ có thực sự đáng sợ?

Con người thường sợ những điều mà họ không hiểu rõ. Vậy, để đương đầu với sự sợ hãi về công nghệ, chúng ta cần phải hiểu rõ về bản chất và những quy luật phát triển của nó.

Được mệnh danh là Da Vinci của thời đại kỹ thuật số, ông John Maeda (Phó Chủ tịch Thiết kế và Trí tuệ Nhân tạo tại Microsoft) là nhà khoa học máy tính, nghệ sĩ, nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng thế giới với sự nghiệp phản ánh triết lý về công nghệ nhân bản.

Trong hơn một thập kỷ, John Maeda đã làm việc để tích hợp công nghệ, giáo dục và nghệ thuật tạo nên sự sáng tạo và đổi mới ở thế kỷ 21. Trong quá trình đó, ông đã khái quát hóa ứng dụng của công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật. Và trí tuệ thông minh nhân tạo cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Biến công nghệ thành nô lệ
John Maeda khái quát quy luật phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật theo vòng lặp: chữ viết, hình ảnh, âm thanh và video (Ảnh: WIRED)

Theo John Maeda, sự phát triển của khoa học công nghệ trong ngành nghệ thuật là một vòng lặp theo cấp độ tăng dần: chữ viết, hình ảnh, âm thanh và video.

Khi những chiếc máy tính cá nhân ra đời vào khoảng thập niên 80, tất cả những việc mà nó có thể làm là gõ chữ. Sau đó, năm 1983, máy tính bắt đầu hiển thị được hình ảnh. Và đến năm 1987-1988, máy tính có thể phát ra âm thanh và những năm đầu của thập kỷ 90 thì bắt đầu chạy được video và phim.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi máy tính bắt đầu có trình duyệt, Mosaic là một trong những trình duyệt đầu tiên. Tương tự với máy tính, trong giai đoạn đầu tiên, các trình duyệt chỉ cho ra các tác phẩm chữ viết, tiếp đến là giai đoạn có hình. Sau đó, âm thanh, hình động, clip lần lượt xuất hiện trong các trình duyệt máy tính.

Và điều tương tự cũng xảy ra đối với những chiếc điện thoại di động sơ khai nhất cho đến những chiếc điện thoại thông minh mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Theo John Maeda, khi xã hội có một công nghệ đột phá nào đó xuất hiện thì công nghệ đó sẽ luôn xoay vần xung quanh vòng lặp của con chữ, hình ảnh, âm thanh và phim. Như vậy, công nghệ sẽ luôn đi theo một vòng lặp nhất định, nhưng con người thì không. Và đó chính là lí do con người có khả năng biến công nghệ thành nô lệ.

Nhìn vào lịch sử của công nghệ, chúng ta có thể thấy rằng từ khi công nghệ còn rất sơ khai, những người lãnh đạo sáng tạo đã biết cách vận dụng chúng nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phục vụ những ý tưởng đi trước thời đại của mình.

Vào những năm 1940, nhà toán học Benjamin Francis Laposky đã tìm cách chụp lại hình ảnh của dòng điện bằng những chiếc máy tính cổ xưa nhất. Sau này, họa sĩ Georg Nees cũng được mệnh danh là một trong những digital artist đầu tiên trên thế giới khi sử dụng hình ảnh của các dòng điện để hình ảnh hóa và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng.

Biến công nghệ thành nô lệ 1
Nhà toán học Benjamin Francis Laposky đã tìm cách chụp lại hình ảnh của dòng điện từ những năm 1940 (Ảnh: cmuems)

Vào thời kỳ sau này, ông Andy Warhol, họa sĩ huyền thoại của thế giới đồng thời là một người rất đam mê công nghệ đã tiên phong trong việc sử dụng các phần mềm máy tính để tạo ra các tác phẩm digital art. Ông đã từng bán một tác phẩm digital trên một chiếc đĩa phần mềm với giá rất cao. Như vậy, ông đã nhìn được tương lai của việc kinh doanh những tác phẩm kỹ thuật số tương tự như NFT từ rất sớm.

Có thể thấy hình thức biểu hiện nghệ thuật thì bất biến, nhưng tư duy và trí tưởng tượng của con người thì luôn luôn thay đổi. Mặc dù công nghệ phát triển rất nhanh, nhưng trong bất cứ thời điểm nào vẫn có những con người, những bộ óc vượt thời đại, đi trước công nghệ rất xa.

Theo anh Nguyễn Tiến Huy, điểm khác biệt giữa họ với phần còn lại chính là tư duy lãnh đạo sáng tạo (creative leadership), luôn đặt ra câu hỏi rằng công nghệ có những tiềm năng như thế nào để có thể hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của mình.

Vì vậy, những nghệ sĩ, những người hành nghề sáng tạo nên rèn giũa tư duy này, để thay vì chạy theo những bản cập nhật phần mềm hay lo lắng bị thay thế bởi AI, họ có thể “biến công nghệ thành nô lệ”.

Thực hành biến công nghệ thành nô lệ

Theo anh Nguyễn Tiến Huy, tư duy lãnh đạo sáng tạo được cấu tạo bởi hai thành phần chính: sáng tạo và quản trị. Để rèn luyện được tư duy lãnh đạo sáng tạo, con người cần luyện tập tư duy sáng tạo và tư duy quản trị.

Thứ nhất, về tư duy sáng tạo, điều gì đã khiến cho một tác phẩm được khán giả yêu thích và đón nhận? Điều gì đã khiến cho con người có những ý tưởng sáng tạo vượt trên máy móc và vượt thời gian? Đó là khi tác phẩm đó chạm được vào cảm xúc của con người.

Và để làm được điều này, chúng ta cần dựa vào sự khác biệt lớn nhất giữa máy móc và con người: sự thấu cảm.

AI có thể vận dụng được tất cả những thông tin đã có sẵn, đã được viết ra, đã được thống kê. Trong khi đó, suy nghĩ, cảm xúc, vấn đề của con người thì vô hạn. Con người có hàng nghìn vấn đề, nỗi đau và ý tưởng chưa được tiếp cận và thấu hiểu. Và đó là điều khiến cho máy móc, công nghệ không thể nào nắm bắt.

Đó chính là lí do khiến cho mặc dù công nghệ, máy móc có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp và nhanh chóng đến mức nào, chỉ có những tác phẩm khơi dậy được tình cảm của con người mới có thể có chỗ đứng trong lòng khán giả theo thời gian.

Vậy làm sao để con người có thể rèn giũa sự đồng cảm giữa con người với con người? Theo anh Nguyễn Tiến Huy, chúng ta có thể luyện tập kĩ năng này nhờ công cụ Design Thinking (Tư duy thiết kế). Đây là công cụ được giáo sư về kỹ thuật cơ khí John E. Arnold và kỹ sư cơ kiêm giáo sư nghiên cứu thiết kế L. Bruce Archer xây dựng những nển tảng đầu tiên vào những thập kỷ 60. 

Sau này, nhà sáng lập công ty tư vấn thiết kế IDEO, David Kelley, đã nghiên cứu và giảng dạy tại chương trình thiết kế của Stanford, đồng thời xây dựng Design Thinking thành phương pháp luận hoàn chỉnh. Và giờ đây, phương pháp này đã trở thành một bộ công cụ hữu hiệu được sử dụng phổ biến trong kinh doanh, giáo dục và khoa học máy tính.

Biến công nghệ thành nô lệ 2
Mô hình Design Thinking

Đồng cảm là yếu tố then chốt trong Design Thinking, nó cho phép nhà lãnh đạo đặt những nhận định chủ quan của mình sang một bên, để đạt đến sự thấu hiểu sâu sắc về khách hàng và nhu cầu của họ. Design thinking tìm kiếm giải pháp từ chính tư duy của người trực tiếp dùng sản phẩm. Điều này đòi hỏi người sáng tạo phải tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng, thông qua các số liệu nghiên cứu thị trường, việc quan sát, trải nghiệm thực tế trong tình huống của khách hàng, để có cảm nhận sâu sắc và tư duy hợp lý hơn, từ đó biết được khó khăn và động lực tiềm ẩn của khách hàng trước vấn đề.

Đây là bộ công cụ được chứng minh là rất hiệu quả trong việc luyện tập sự đồng cảm, nhằm tìm ra những giải pháp, điểm chạm đến cảm xúc và tâm lý của con người. Từ sự đồng cảm sâu sắc đó, con người hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề.

Thứ hai, tương tự như quản trị hoạt động kinh doanh, nhân sự ngành sáng tạo cần rèn luyện tư duy và kỹ năng quản trị. Đó có thể là kỹ năng quản trị các nguồn lực sáng tạo (như công nghệ, đội ngũ, chi phí, kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng…); hay kỹ năng tiêu chuẩn hóa, kiểm soát chất lượng những yếu tố đầu vào và đầu ra của tác phẩm. Đi kèm với đó, người lãnh đạo sáng tạo phải là những người có tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của cá nhân và doanh nghiệp nói riêng, và xã hội nói chung.

Trong toàn bộ quá trình đó, người làm sáng tạo hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ vào trong tất cả các khâu để tạo ra một tác phẩm thành công. Và đó là khi con người có thể thực sự biến công nghệ thành nô lệ.

Công nghệ làm gia tăng đầu ra cho hoạt động sáng tạo

Trước đây, nhiều người thường nói rằng lĩnh thuật là lĩnh vực bấp bênh và không có đầu ra. Ngoài lí do nghệ thuật là những sản phẩm không mang tính thiết yếu, việc theo đuổi nghệ thuật có thể trở thành gánh nặng đối với những người đam mê sáng tạo bởi vấn đề về dân trí, khoảng cách địa lý và phương tiện truyền thông.

Trong quá khứ, trừ những người thực sự nổi danh, không nhiều người hành nghề nghệ thuật sống được bằng nghề. Thậm chí, nhiều họa sĩ chỉ thực sự nổi tiếng và những tác phẩm của họ chỉ được trả giá cao từ sau cái chết của họ như họa sĩ Vincent van Gogh (1853-1890) hay họa sĩ Mỹ Jackson Pollock (1912-1956)… Không phải ai cũng sẽ có cơ hội và điều kiện để nổi danh trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Và trong quá trình cân bằng giữa đam mê và kiếm tiền để duy trì cuộc sống, nhiều người đã từ bỏ ước mơ.

Trong khi đó, trong thời đại hiện nay, công nghệ đã đem đến cho chúng ta một thế giới hoàn toàn khác, nơi tất cả mọi người đều có cơ hội được truyền bá sản phẩm và có thêm nhiều nền tảng tạo doanh thu từ các tác phẩm nghệ thuật.

Với văn chương, các tác giả có thể lựa chọn đăng tải, phát hành tác phẩm của mình thông qua nền tảng online, offline hay podcast và thu phí đa kênh. Tương tự, với những nền tảng âm thanh, chúng ta có YoutubeTiktok, nơi mỗi người có thể phô diễn nhiều khía cạnh trình diễn hay nghệ thuật của bản thân.

Những bức ảnh, bức tranh, những sản phẩm thiết kế 3D cũng có thể được giao dịch thành công giữa những người ở cách xa nhau hàng nghìn km.Và với tất cả các tác phẩm nghệ thuật nói trên, chúng ta cũng có thể kinh doanh chúng trên những nền tảng kỹ thuật số không thể sao chép và mang tính định danh cao như NFT.

Tất cả những điều trên thể hiện một thực tế rằng, với sự phát triển công nghệ, sân chơi của những người đang hoạt động trên lĩnh vực sáng tạo đang lớn lên, rộng ra và nâng đỡ cơ hội phát triển của tất cả mọi người. Vì vậy, thay vì lo sợ về một tương lai bị công nghệ gạt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn, con người hoàn toàn có thể chuẩn bị tâm thế, rèn luyện kĩ năng để có thể dẫn dắt và làm chủ chúng.

Tóm lại, để có thể biến công nghệ thành nô lệ, các nhà sáng tạo cần phải rèn luyện khả năng thấu cảm, tư duy lãnh đạo sáng tạo và bộ công cụ Design Thinking. Những tư duy và kĩ năng này sẽ giúp cho nhà sáng tạo có thể chạm gần hơn đến khán giả, khách hàng và luôn đối diện công nghệ với tinh thần lãnh đạo.