Biến động toàn cầu tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?

Hoàng Đông - 12:07, 26/05/2024

TheLEADERChuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 khó đạt mức 6% do xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều khó có sự đột phá.

Việt Nam có độ mở lớn nên khó tránh khỏi tác động từ những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sức khỏe của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì lý do đó, theo Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nền kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng, có thể chỉ đạt khoảng từ 5,5 – 6% trong năm 2024.

Ông Minh nhận xét, nền kinh tế Mỹ đang phải chống chịu với thách thức kép là lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế. Nền kinh tế châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

Biến động toàn cầu tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế?
Ông Đinh Tuấn Minh tại sự kiện Cà phê Quản trị chủ đề Kinh tế vĩ mô và quản trị doanh nghiệp do Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức. Ảnh: Hoàng Anh

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, lại được hưởng lợi từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Như vậy, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu, cộng với nhu cầu suy giảm ở Mỹ và châu Âu khiến xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu tác động lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang gặp phải áp lực về tỷ giá, cộng thêm dấu hiệu về lạm phát tăng trở lại. Với chủ trương kiên trì giữ ổn định vĩ mô, rất có thể Việt Nam sẽ phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất trong thời gian tới.

Tiêu dùng nội địa không có sự bứt phá, thu hút khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Đầu tư công có sự bùng nổ vào năm 2023 nhưng đến hiện tại đang “đi ngang” bởi theo ông Minh, những dự án dễ đều đã triển khai xong, còn lại nhưng dự án khó, đang gặp nhiều vướng mắc.

Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc khiến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc chậm lại. Cộng với việc các nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024, dù được nhiều kỳ vọng nhưng cũng chưa chắc có sự đột phá.

Có thể nói, các động lực tăng trưởng của Việt Nam đều đang vướng phải trở lực, khiến tăng trưởng khó đạt được mục tiêu 6 – 6,5% như Quốc hội đặt ra cho năm 2024.

Phân tích kỹ hơn về những rủi ro toàn cầu tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, ông Minh nhìn nhận, các cuộc chiến tranh như xung đột Nga – Ukraine, chiến sự tại Gaza khó có thể lan rộng và không còn tác động quá mạnh đến giá dầu, giá lương thực trên thế giới.

Chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung cũng tạo ra rủi ro tương đối thấp do Trung Quốc có những biện pháp giảm thiểu tác động tới nền kinh tế nước này. Mặt khác, việc khối BRICS tạo ra một liên minh tiền tệ cũng chưa có tính khả thi nên không tạo ra nhiều xáo trộn trong kinh tế toàn cầu.

Rủi ro ở mức trung bình đến từ nền kinh tế Mỹ, vốn đang rơi vào pha suy thoái lại vấp phải khó khăn do biến động toàn cầu. Ông Minh dự báo, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khó có thể hạ lãi suất trong quý II/2024 và tình hình kinh tế Mỹ có thể sẽ kéo dài một cách dai dẳng, khó có thể trở về trạng thái cân bằng trong ngắn hạn.

Điều đáng lưu tâm, mang tính rủi ro cao, theo vị chuyên gia kinh tế, đến từ cuộc bầu cử của Mỹ vào cuối năm nay. Nhiều dự báo đang hướng về kịch bản ông Donald Trump đắc cử tổng thống, sau đó là một loạt động thái thay đổi chính sách, tạo ra sự xáo trộn mạnh và khó lường.