Leader talk
Biệt dược cho những 'căn bệnh trầm kha' của kinh tế Việt Nam
Bằng trái tim đầy nhiệt huyết và nhân văn, những cuốn sách và nghiên cứu khoa học của GS. Phan Văn Trường như một lời tâm tình tri kỷ về những quý nhân, người đã dạy ông phẩm chất cần có của nhà lãnh đạo, làm thế nào để xây dựng văn hoá doanh nghiệp, tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài, khám và chữa bệnh doanh nghiệp, xây dựng chiến lược đa dạng hoá, quốc tế hoá, sáp nhập, sáng tạo.
Cuốn sách Một đời quản trị của giáo sư Phan Văn Trường đã thu hút hàng triệu người làm kinh doanh và cả độc giả bình thường như một tiểu thuyết chương hồi với những câu chuyện thực hấp dẫn từ chính cuộc đời làm lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng của ông, được phân tích thẳng thắn, không khoan nhượng, kể cả những góc khuất nhạy cảm ít ai dám thú nhận.
Ông cho rằng quản lý tốt không có nghĩa là quản trị tốt. Tách bạch giữa quản lý và quản trị theo ông là việc làm vô cùng quan trọng, hữu ích cho những nhà lãnh đạo, để tạo ra doanh nghiệp trường tồn.
Trong căn nhà yên tĩnh của ông nằm trên đường Trương Định, nơi ông thường dành cho những cuộc tao ngộ với các bạn trẻ khắp đất nước để gieo cấy một hệ sinh thái khởi nghiệp, vào một buổi chiều mưa giông gió của TP. HCM, ông đã dành cho TheLEADER một buổi trò chuyện thấu đáo về những vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản trị đất nước…
Nhìn thẳng vào nội bộ doanh nghiệp, theo ông, vì sao doanh nghiệp Việt trong quản trị thường bị đứt gãy giữa các thế hệ, thiếu những giá trị căn cốt để tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển trường tồn?
GS. Phan Văn Trường: Từng làm lãnh đạo các doanh nghiệp đa quốc gia, tôi thấy nhiều kinh nghiệm quản trị ở xứ Tây, xứ Mỹ … khó lòng áp dụng được ở Việt Nam. Bởi có những vấn đề chỉ có ở xứ ta mà không có ở xứ họ, những vấn đề này lại ảnh hưởng lớn đến việc quản trị.
Ví dụ như độ cảm tính rất cao trong các mối quan hệ giữa nhân viên và doanh nghiệp, tham nhũng nội bộ, kế toán trong môi trường kinh tế không ổn định và quà lót tay, hoặc như mối liên hệ chủ tớ quá quan liêu với một hình sắc không giống nơi nào khác, ảnh hưởng của mê tín dị đoan trong tầm nhìn của lãnh đạo, cũng như khi họ phải lựa chọn lấy hay không rủi ro vào mình…
Nghệ thuật quản trị là một cái gì thật lạ, vừa khó, vừa dễ. Quản trị ngắn gọn là nghệ thuật chọn việc, chọn mục tiêu rồi chọn người, lộ trình, thời điểm để đi tới và sắp xếp để đạt được mục tiêu chung. Dùng người ở đây có nghĩa rõ ràng là tận dụng được cá tính, khả năng, nghị lực của nhân sự làm việc với mình, phóng thích được óc sáng tạo hữu dụng của họ, động viên tối đa được động lực và tâm trí của họ và cuối cùng đạt được mục tiêu được chọn ngay từ thủa ban đầu. Nhưng hơn thế nữa, làm xong việc mà nhân sự cảm nhận được hạnh phúc chân chính trong việc làm thì mới gọi là quản trị.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, sự biến đổi theo thời gian sẽ nhanh hơn, đột phá hơn. Doanh trường sẽ đi từ môi trường quan hệ sang cá tính chuyên môn, từ tình huống cạnh tranh (hay thiếu cạnh tranh) đơn thuần trong nước sang sự lan tràn của hệ kinh tài quốc tế, qua các hiệp định mở toang thị trường, giảm thiểu thuế vụ.
Các lãnh đạo và nhân viên ở mọi cấp từ nay sẽ phải sánh đo với những mục tiêu khách quan gay gắt, những thế hệ lỗi thời quen ỷ lại vào những kẻ chống lưng khi gặp khó khăn sẽ phải nhường chỗ cho lớp trẻ được đào tạo bài bản và vững chắc hơn.
Những “quan toà” khó tính như thị trường chứng khoán sẽ xét xử và đánh giá doanh nghiệp một cách tỉ mỉ và khoa học. Thời thế sẽ dành cho phong cách làm việc chuyên nghiệp, loại dần mô thức qua quýt, tư duy tạm bợ, lý luận chủ quan…
Việt Nam đã chăm chỉ học và hấp thu được hầu hết các phương pháp quản lý, các mô hình điện toán nhưng liệu các lãnh đạo doanh nghiệp có hấp thu kịp những kỹ năng quản trị giúp doanh nghiệp của họ lên hàng đầu khu vực, kết nạp tính trường tồn như một người bạn tri kỷ?
Đây là câu hỏi đã đến lúc chúng ta phải đặt ra, phải soi sáng. Tất cả nguyên lý của quản trị nằm ở chỗ đó. Doanh nghiệp Việt Nam sắp sửa gặp những vấn đề lớn ghê lắm.
Muốn sống mãi qua nhiều giai đoạn của lịch sử, tất nhiên doanh nghiệp không thể vịn vào sức mạnh nhất thời mà phải có khả năng đi theo dòng kinh doanh hoàn vũ. Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp gia đình đi lên từ con số không, đã phát triển đến một tầm mức nào đó và tự hào vì đã gầy dựng được cơ đồ lớn. Nhưng đến thời điểm này, rất khó khăn để tìm người kế nghiệp có khả năng phát triển cơ đồ đó. Ý nghĩ rằng con, cháu, rồi chắt sẽ kế nhiệm một cách cừ khôi hẳn là một ý niệm thiếu thực tế.
Rất nhiều bậc cha mẹ doanh nhân quá chiều chuộng con, rút cục, số lớn con cái họ không có hoài bão thay thế cha mẹ. Hoặc có người hoài bão thì không đủ kiên nhẫn, sự quyết tâm, nỗ lực, tự tạo cho mình bàn tay chuyên môn sắc bén về quản lý, quản trị doanh nghiệp. Đó là chưa nói đến quản trị hiện đại!
Vấn đề kế nghiệp còn có góc độ khó nữa là có doanh nhân tuổi từ 60 đến 90, mắc nợ mông mênh, chỉ chính họ mới gỡ được thôi. Vì mắc nợ theo uy tín của họ, số nợ gấp đôi, gấp ba vốn điều lệ. Trên giấy trắng mực đen đáng lẽ phải phá sản rồi, cha mẹ để lại gia tài có góc cạnh âm khủng khiếp…
Ở Việt Nam, một vấn đề khó nữa là nhân sự cho nghề quản trị. Đất nước có rất nhiều thanh thiếu niên tráng kiện, sắc sảo, tuy nhiên các em chưa đủ cọ xát với những hiện tượng quốc tế, chỉ xoay quanh trong nội bộ, chưa đủ thời gian để có kinh nghiệm. Cho dù các em sắc sảo đến đâu, khi kế nghiệp tức là đang ở chức vụ cao hơn tuổi các em. Nếu ở nước ngoài phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm lãnh đạo, chuyên môn không cần nhiều, mà cần sự nhuần nhuyễn quản trị dưới góc độ tài chính, nhân sự, khả năng cân nhắc chín chắn hơn.
Doanh nghiệp chúng ta bị “khoá” trong những bài toán đó. Liên quan đến những công ty FDI đầu tư tại Việt Nam để tận dụng lao động rẻ, tận dụng sự chểnh mảng về kiểm soát môi trường và họ đã tìm thấy. Nhưng đến khi lao động, môi trường của chúng ta đắt hơn một tý, họ sẽ nghĩ tới di chuyển sang đất nước khác. Thay vì tìm lao động Việt Nam rẻ tiền, có thể dùng robot để sản xuất. Chúng ta chỉ có vài năm trước mặt để phản ứng, tạo giá trị gia tăng cho đất nước.
Khó nhất với nhà quản trị là gắn kết người với người và gây động lực cùng với sự sáng tạo tối đa?
GS. Phan Văn Trường: Ngày xưa, khi đang ở chức giám đốc cấp trung, tôi có một thói rất “ác” là khi các đội làm việc với tôi than thiếu người, tôi hay lấy quyết định ngược đời là giảm số nhân viên thay vì tăng cường. Bạn ạ, tất nhiên quản lý nhân sự kiểu đó không phải lúc nào cũng đúng nhưng lại là một quyết định mang tính quản trị.
Kinh nghiệm cho thấy đội càng đông người càng mất tính đoàn kết. Nếu đông quá mức cần thiết thì xích mích giữa đồng đội không thể tránh, họ sẽ tranh nhau vị trí mà lại không có việc để tranh nhau, hiệu năng tập thể sẽ kém, khó lòng có sự gắn kết. Kinh nghiệm cho thấy làm việc mà cố tình giảm nhân viên dưới số cần thiết một chút thì dễ đem tới gắn kết, tương tác và động lực tập thể.
Văn hoá doanh nghiệp quan trọng hơn sơ đồ tổ chức, trên văn hoá là tầng cao của triết lý doanh nghiệp. Hễ triết lý đúng, văn hoá tốt, thì việc lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn. Thiếu văn hoá doanh nghiệp thì sơ đồ và mô hình chỉ còn là những cái cớ rỗng tuếch để giả dạng làm việc, để tự che dấu sự thiếu động lực, thiếu lộ trình, thiếu ổn định
Trong khi đó, bước ra bên ngoài, doanh nghiệp chúng ta có quá nhiều khó khăn khác phải đối mặt?
GS. Phan Văn Trường: Hầu như tất cả doanh nghiệp lớn Việt Nam hiện thời cảm nhận thị trường trong nước bắt đầu eo hẹp và nghĩ đến quốc tế hoá. Nhưng số đông sẽ lỗi lầm, không phải vì không đủ khả năng, họ tưởng là quốc tế hoá là đi nước ngoài kiếm lợi nhuận không lấy được trong nước. Đó là ảo tưởng!
Nghĩ quốc tế hoá là chuyện hão huyền vì các bạn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tập thể hoá, chưa bao giờ điều động cả chục ngàn người ở nước ngoài, chưa nhìn thấy hết các vấn đề luật pháp, luân lý… Những quy trình pháp lý chưa quen, doanh nghiệp sẽ rất dễ mắc lỗi lầm của người chưa kinh nghiệm ra nước ngoài.
Thêm một vấn đề nữa, thật sự thị trường trong nước vẫn còn mênh mông mà chúng ta chưa khai thác hết. Trong khi đó quốc tế bước vào ồ ạt, mua thị trường mình tích cực, với giá rất rẻ, khi mua họ cũng không đem sang công nghệ hàng đầu, thành thử chúng ta phải đối mặt với sự không hoàn hảo.
Ngoài ra họ đem vào cái đang sai, ví dụ dịch sụ sản xuất nếu làm ở đất nước họ đòi hỏi phải có thêm những tiêu chuẩn khác, vô hình chung biến chúng ta thành bãi rác của họ, lại chịu thêm gánh nặng về hạ tầng như xây thêm nhà máy, cầu đường, bến bãi…
Là người tích cực gầy dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông vừa đưa ra cảnh báo cho cả nông dân, nhà sản xuất và nhà quản lý về làn sóng FDI thuê đất làm nông nghiệp tại Việt Nam?
GS. Phan Văn Trường: Đừng quên đất nước mình là nước nông nghiệp. Đã có nhiều quốc gia cử người sang thám thính để mướn đất của mình. Họ đang thí nghiệm đất mình có nuôi trồng được những thứ mà họ không trồng được, cho đất của họ nghỉ. Chúng ta phải biết rằng đất vô cơ mười năm cải tạo quyết liệt mới hữu cơ trở lại, trong khi đất của họ có khả năng trở thành hữu cơ, thì việc cho thuê đất này sẽ khiến cho đất hữu cơ của ta mất hết, trở thành vô cơ.
Tôi có bổn phận phải cảnh báo cho các thành viên có ý tưởng cho người nước ngoài mướn đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp là một cơ thể sống, cơ thể có thể nhiễm bệnh và thời gian khôi phục khi đã nhiễm bệnh rồi thì rất dài, thậm chí hàng chục năm. Quỹ đất là một tài sản có giới hạn cố định, muốn có thêm cũng không có. Do đó mỗi công dân có bổn phận gìn giữ và bảo vệ, thậm chí trân quý.
Khi ai đó sử dụng sai quỹ đất rất khó để cho chuyên gia và pháp luật phân định và chứng minh sai phạm. Sự đền bù chỉ là giả thuyết, mà cho dù có đền bù thì đất cũng vẫn nguyên trạng thái không thể khôi phục nhanh chóng. Do đó phần kiểm soát mới là phần quan trọng nhất.
Hiện tình của thế giới đã đi tới mốc đất thiếu, do dân số đã lên tới bảy, tám tỷ người với tất cả những nhu cầu dịch vụ do đất cung cấp, trong đó có rác, thậm chí rác độc. Xin nhắc là ô nhiễm từ uranium hay plutonium cần nhiều ngàn năm để ảnh hưởng độc hại thuyết giảm.
Kinh tế toàn cầu ngày nay hướng tới việc sử dụng quỹ đất một cách ồ ạt, quy mô, tận dụng cho mục tiêu tài chính ngắn hạn của những tập thể vô trách nhiệm (khi không có kiểm soát và đền bù).
Từ nhiều năm về đây có khá nhiều người nước ngoài tới thăm dò hiện tình về đất nông nghiệp tại nước ta. Họ tới với chiêu bài dạy chúng ta về những kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Một số có thực hiện việc đó thực sự. Nhưng ẩn ý của họ vẫn là để thí nghiệm trước để xem chương trình mướn hay mua đất quy mô sẽ mang lợi ích cho họ đến đâu, với hậu quả và rủi ro nào, cũng như với kết quả kinh tế nào. Giai đoạn thử nghiệm đối với họ có lẽ đã xong. Họ đang xoay qua giai đoạn đi hẳn vào quy mô lớn.
Tôi xin có những lời khuyên tới những bạn nào có ý muốn cho mướn đất như sau: hợp đồng phải nói rõ thật chi tiết họ sẽ dùng đất để làm gì. Không bao giờ cho mướn với thời hạn lâu dài mà chỉ một vài năm với khả năng duyệt lại hợp đồng.
Mình phải giữ quyền kiểm soát toàn diện, và nếu như có sai phạm thì ngay trong điều khoản của hợp đồng, phía mướn đất nhìn nhận quyền của người chủ hữu chấm dứt hợp đồng tức khắc và nhìn nhận luôn nguyên tắc đền bù (do chuyên gia quốc tế thẩm định). Người mướn đất phải nộp một Guarantee, là số tiền được đặt cọc. Số tiền này sẽ được dùng để đền bù một phần của các sai phạm, hoặc sẽ bị tước nếu hợp đồng chấm dứt do sai phạm, chưa kể tới những bồi thường khác nữa. Guarantee sẽ tương đương với giá trị của hai năm nông sản được sản xuất.
Đất không bao giờ được dùng để thải rác, gây ô nhiễm, hoặc trồng các loại cây hoặc rau củ đã biến đổi gen. Đây là điều cấm ngặt! Giá cho mướn đất không cố định mà còn tuỳ thuộc vào việc sử dụng đất như thế nào. Giá mướn đất sẽ được điều chỉnh lại sau mỗi thời hạn.
Người chủ đất nên đòi quyền lấy hoa hồng trên giá của sản phẩm xuất phát từ việc sử dụng đất. Tốt hơn hết là bắt buộc người nước ngoài thành lập một công ty mà người chủ hữu đất giữ ít nhất 51% vốn. Riêng về đất hữu cơ thì sẽ không bao giờ cho canh tác ngoài các tiêu chuẩn hữu cơ thuần tuý. Việc phun thuốc sâu cần được duyệt trước. Không cho người nước ngoài cướp giống. Người nước ngoài không được cạnh tranh với nông dân Việt trong thị trường Việt Nam. Toàn bộ phải xuất khẩu hoặc nếu không thì phải trả phí để bảo vệ nông nghiệp trong nước.
Người nước ngoài phải trả phí dùng nước tưới hoặc nước thải cho dù đó chỉ đơn thuần là nước mưa. Phí dùng điện cũng sẽ được tính kể cả mục khấu hao xây dựng nhà máy điện, nếu như nhà máy này được chính phủ Việt Nam xây để một phần phục vụ dự án nước ngoài.
Công ty nước ngoài không được nhập nông dân hoặc nhân sự từ nước ngoài mà chỉ được mướn lao động Việt Nam, trừ việc mang tới một số chuyên gia dưới mức quy định. Công ty nước ngoài nhìn nhận quyền kiểm soát ít nhất 4 lần mỗi năm trên mọi sinh hoạt của họ. Trong các cơ quan được quyền kiểm soát có: các bộ ngành của chính quyền địa phương, các tổ chức nông nghiệp, các tổ chức phi chính phủ để bảo vệ môi trường, kể cả các cơ quan quốc tế về nông nghiệp hoặc bảo về môi trường.
Nền nông nghiệp của chúng ta đã nuôi dân tộc từ chục nghìn năm qua. Chúng ta không cần người nước ngoài tới dạy chúng ta nuôi dân tộc. Họa may, nếu họ tới với ý tốt lòng ngay thì chúng ta không có lý do để từ chối trao đổi và học hỏi.
Xin nhắc lại là mục tiêu tối hậu là giúp mỗi nông dân của chúng ta có được an sinh chứ không phải nhất cứ là nông nghiệp để làm giàu cho một số ít. Nếu ai đó có làm giàu thì càng tốt, nhưng quan trọng là số đông, thậm chí toàn thể nông dân lên được xã hội trung bình.
Mong các bạn hãy dành cho đất nước và đồng bào những ý nghĩ và hành động tích cực nhất, đoàn kết nhất, nhân ái nhất và nhất là tình yêu đối với các thế hệ sau chúng ta. Thế hệ theo sau có quyền được nhận một nền nông nghiệp tốt lành và trù phú như tất cả nhũng thế hệ đi trước.
Ông nhìn nhận thế nào về mặt trái của làn sóng FDI mà chúng ta vẫn đang hô hào, hy vọng?
GS. Phan Văn Trường: Chúng ta mắc phải hệ thống lý luận rất nặng về làn sóng FDI, lấy rất nhiều đất để tạo nên sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài, điều này tạo ra hệ luỵ kinh khủng lắm. Cách đây 30 năm, Indonesia cho rằng với 230 triệu dân, họ tạo nên cuộc cạnh tranh rất mạnh giữa mấy chục công ty của thế giới, Ý, Mỹ, Nhật, Hàn, để chọn lựa công nghệ tốt nhất cho ngành sản xuất ô tô. Trong sự cạnh tranh này, các công ty thế giới đã đề xuất bao sự hy sinh, ưu đãi để Indonesia chấp nhận họ như công nghệ chính thức để sản xuất ô tô nhưng cuối cùng Indonesia chọn 4 công ty.
Chúng ta lại làm ngược lại, tạo sự cạnh tranh giữa các tỉnh của Việt Nam, mỗi tỉnh ganh đua mọi cách, tặng 50 - 100 ha đất, hy sinh đủ thứ để kéo Samsung vào, trong khi Samsung chỉ cần 10 ha là đủ. Chính điều đó tạo ra vấn đề xã hội và ảnh hưởng quy hoạch vùng, đôi khi tạo công xưởng ở những làng nghề, những làng du lịch đã rất chuẩn rồi, gây tổn hại cho khai thác làng nghề và du lịch.
Về quy hoạch, chúng ta đang tạo ra vấn đề lớn, biến khu du lịch thành KCN, ấy là chưa nói đến những vùng đặc biệt như dùng miền duyên hải rất tích cực, trong khi hai trăm nước thế giới chỉ mơ vùng duyên hải của ta.
Cùng lúc, chúng ta đang sa mạc hoá các đô thị trung bình, để tạo hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM. Tôi đã nói điều này từ khi những đô thị này mới có 5 triệu dân thôi, không ai nghe cả.
Ô nhiễm, giao thông chúng ta đều biết nhưng vấn đề ít ai biết, khi tôi đi Vĩnh Long, Trà Vinh... những đô thị không có đủ dân, lại tạo ra hai loại vấn đề:
Thứ nhất là không đủ hệ sinh thái về mặt kinh tế nữa. Hưng Yên, Thái Nguyên rất muốn làm sân bay nhưng không đủ dân. Chúng ta đang sa mạc hoá vùng có tiềm năng kinh tế, nên không đủ tạo nên kinh tế tự lập cho mỗi tỉnh. Phải làm cho các địa phương đủ khả năng tự sống chứ, nhưng thực tế ngược lại, chúng ta giúp dân ra khỏi đô thị trung bình, thu về hai đô thị lớn...
Thứ hai, nhìn toàn cảnh, dưới góc độ quy hoạch, kinh tế, chúng ta đang tự tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết nó, đằng sau có vấn để xã hội rất lớn. Sa mạc hoá nông thôn vấp phải phá vỡ cơ cấu gia đình. Đất nước không còn gia đình, mất giáo dục làng mạc, không còn câu ca dao miền quê nữa, mất văn hoá dồng quê phá vỡ sự cân bằng giữa các thế hệ. Người cao tuổi gặp vấn đề, lương hưu không đủ sống, bắt buộc phải sống với con, tạo ra áp lực cho chính mình và con cái. Vấn đề người già sẽ còn gay go hơn nhiều 30 năm nữa.
Nền kinh tế của ta đang hy sinh tương lai dài hạn để làm giàu cho ngắn hạn, đang nửa đầy nửa vơi. Số đông dân chúng ngày nào cũng ngồi cà phê, tuần nào cũng đi ăn quán, xã hội trung bình chưa đủ hùng hậu đã chớm nở, ô tô tràn ngập đường phố đó là nửa đầy.
Nhưng nửa vơi thì kinh khủng lắm! Chúng ta đang tích cực phản chuyên môn hoá lao động. Người nông dân biết trồng trọt chăn nuôi, lại đưa họ lên Bình Dương, Củ Chi, trở thành lao động không chuyên môn với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng, bắt họ cắt rễ với làng mạc, sống ở nhà trọ chật hẹ thiếu tiện nghi. Cái đó thực sự khó chấp nhận!
Nền kinh tế hiện thời đang bóc lột sự nghèo khó để tạo sự trù phú cho số ít. Nền kinh tế hiện thời là địa ốc và ngân hàng, địa ốc thì lấy đất của người dân, bơm giá lên, rồi bắt họ mua lại, mướn lại với giá cắt cổ.
Vậy theo ông chúng ta phải làm gì?
GS. Phan Văn Trường: Phải tạo nên xã hội trung bình với dân số càng cao càng tốt, bắt đầu từ nông dân, cho dù trung bình thấp cũng có thể chấp nhận. Tôi là chủ tịch danh dự CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam với hơn 80 ngàn thành viên, số đông nông dân trẻ tuổi, rất ít vốn, từ 50 đến 200 triệu đồng, chỉ có mồ hôi nước mắt và bàn tay. Khổ nhất không phải thiếu vốn, mà không biết đi đâu.
Mấy trăm bức thư các em gửi tôi hỏi đi đâu bây giờ? Trong khi đó số đại gia về nông nghiệp mơ tạo nông trại rất to, gieo mạ bằng máy bay... Giấc mơ không tưởng, vì hiện thời đất nước chỉ có nông trại vừa và nhỏ. Cho dù cả nước quyết định tạo lại nông trại to cũng mất cả ba chục năm. Làm thế nào bảo nông dân nhỏ lẻ bỏ đất vào nông trại, công nghệ 4.0, khi nông dân không có 1,5 triệu đồng để sống?
Hiện thời Vingroup và các công ty lớn đang cố gắng đầu tư nông trại, hệ thống phân phối, đó là nỗ lực tốt. Nước chúng ta rất dài, có khó khăn khách quan, nông dân không biết sản xuất bưởi, mít đem đi đâu, bán trong làng chỉ vài kg, thối, xuống giá, cán cân cung cầu luôn chênh lệch, tạo nê tình huống rất cổ điển “được mùa mất giá”.
Thảm cảnh nữa, gạo mình nổi tiếng thế, nhưng gạo Miên, gạo Thái bán bài bản hơn. Trung Quốc bắt đầu chảnh hơn, họ cũng cải tạo nền nông nghiệp, cần những thứ có chất lượng hơn. Nền nông nghiệp của chúng ta đang sắp đi vào cơn khủng hoảng rất lớn.
Tôi đã gặp một số doanh nghiệp trong nước, vận động các đại gia và nông dân tiểu nhỏ để liên kết với nhau, làm thế nào phấn đấu 80% sản phẩm toàn quốc, 20% sản phẩm địa phương mới cứu được nền nông nghiệp. Từ 20 năm vừa qua, những vấn đề này chúng ta từng biết, nhưng chưa giải quyết được gì, mà làm khó thêm
Trong toàn cảnh đó, chúng ta vẫn sống trong nửa đầy nửa vơi, nửa đầy mới thấy, nhưng nửa vơi tới sau mới chết, vậy theo ông đâu là cứu cánh?
GS. Phan Văn Trường: Mình trông mong vào sức phản kháng của dân tộc. Với sự góp sức của tất cả mọi người, chúng ta có khả năng giải quyết những gì đang trông thấy nó tới. Đất nước chúng ta phải tạo phong trào khởi nghiệp vĩ đại và chỉ thực sự hùng mạnh khi có những công ty tư nhân nhỏ và vừa.
Công nghiệp của chúng ta rất yếu, chúng ta phải quay về nông nghiệp, giúp nông dân khởi nghiệp. Vingroup, Viettel, Đạm Cà Mau…mỗi năm lợi nhuận cao lắm, nếu trích ra cho quỹ khởi nghiệp 100 tỷ đồng thì chúng ta sẽ có 100 ngàn công ty khởi nghiệp, từ đó hy vọng một ngàn công ty thành công.
Với nền kinh tế cả nước, 100 ngàn tỷ không lớn, chúng ta từng có gói 30 ngàn tỷ cho địa ốc mà. Hơn nữa những công ty thành công cũng đóng góp tiếp vào đó nữa chứ. Thành thử Nhà nước không chỉ kêu gọi, hô hào, phải có biện pháp rất cụ thể, nhanh chóng cho khởi nghiệp
Đất nước có thể đơn giải hoá hành chính của khởi nghiệp, chỉ lúc nào họ thành công mới kiểm tra. Những sinh viên đại học, văn phòng sân trường ngày chủ nhật đầy ra, sao không giúp sinh viên có trụ sở để khởi nghiệp, có nước, điện, mặt bằng.
Các công ty nước ngoài khởi nghiệp thành công là có sự đồng hành của Chính phủ. Từng đấy người của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi người chỉ cần dẫn dắt vài em khởi nghiệp cũng làm các em lên tinh thần. Ngân hàng dốc hết tiền vào địa ốc thì lấy đâu ra cho khởi nghiệp? Cần có quỹ quốc gia cho nông nghiệp, người quản lý quỹ phải thật rộng rãi, thà mất tiền nhưng vài ba năm có được vài công ty thành công.
Quan trọng nhất phải có bản đồ đầu ra. Các nước những cái này có hết trên mạng, nông dân chỉ cần bấm vào mạng là biết ngay Đồng Tháp, Nha Trang cần gì. Phải tạo điều kiện nền phân phối toàn quốc phát triển, đó là hạ tầng kinh tế, nhưng đừng đánh thuế vào những sản phẩm trong 1 ngày như con tôm, mớ rau, con cá …. Đất nước tạo hệ thống lạnh để bảo quản, còn tư nhân thì không đủ sức. Khi mỗi nông dân trong nước biết bản đồ nông sản ở đâu, chỗ nào, chính đó đánh bạt nông sản hoá chất, tự nó sẽ chết.
Giáo sư đang chuẩn bị ra cuốn sách thứ ba?
GS. Phan Văn Trường: Cuốn sách thứ ba nói nhiều về hạnh phúc thật, thành công thật. Tôi ngạc nhiên là ít có dân tộc nào có nụ cười giống người Việt. Thử tưởng tượng đất nước nào có nhiều nước mặn, nhiều núi sông, nhiều rừng như chúng ta? Mình khổ là do mình tự tạo ra thôi.
Hạnh phúc lúc nào cũng ở bên cạnh mình, nhưng người Việt ngay cả trẻ em lúc nào cũng vội vàng, hớt hơ hớt hải, chạy suốt ngày mà tới muộn, 9 giờ tối vẫn đang ở nhà trường, 5 giờ sáng đã dậy rồi…
Chúng ta đang "tự bắn vào chân mình": Không chủ động, chờ người khác, vọng ngoại. Có bí mật cá nhân phải chia sẻ ngay cho nhẹ người, trong khi người nước ngoài chẳng bao giờ công khai, tự giữ và tự tiêu hoá thôi. Ngay những người có nhiều tiền cũng tự tạo cuộc sống vô cùng khó khăn, vì không biết dùng đồng tiền đó, trốn chạy, lo âu.
Chúng ta có dùng sự học trong sự làm của mình không? Chúng ta đang làm gì? Sống lúc nhúc trong đô thị, cạnh tranh mắng mỏ nhau, cho nhau ăn uống không tốt lành, tạo ra cuộc sống rất khó khăn, để rút cục chúng ta không có gì cả! Rõ ràng chúng ta điên!!!
Tôi sung sướng vì không chạy, không ham. Rút cục cuộc sống sung sướng với tôi chỉ là được sống giữa đồng quê, ăn quán nhỏ cá kho tộ 15 ngàn đồng là xong... Mùa hè về Pháp, ra công viên tôi thấy hàng ngàn sinh viên nằm dài trên bãi cỏ đọc sách, âu yếm cuốn sách của họ, chứ không cầm máy điện thoại bấm như điên. Chúng ta đang sống phản hạnh phúc.
Về doanh nghiệp, quản trị là quản nhân sự, tạo điều kiện hạnh phúc nghề nghiệp cho mỗi người, chứ không biến họ thành kẻ nhìn sếp như kẻ thù. Tạo sự khổ đau trong 10 tiếng ở công sở làm gì? Khi tạo động lực cho hạnh phúc thì không cần kiểm soát. Quản trị trước tiên là học làm người.
Vậy bước ngoặt nào lớn nhất biến ông từ nhà quản lý sang nhà quản trị và dành thời gian cho viết sách?
GS. Phan Văn Trường: Công ty đầu tiên, tôi phải mất 9 tháng để cải tổ lại, khiến cho nhân viên hạnh phúc, công ty sau mất hai tháng. Mình từ bi nhuần nhuyễn, êm đềm, trọng người khác, từ người rót trà trở đi. Việc của tôi là quản trị, việc của anh ấy là pha trà, mỗi người một việc trong công ty này, đều có một chức năng. Tôi chỉ huy theo chức năng, không chỉ huy theo vị trí. Khi người ngồi với người, đừng ai nghĩ mình ngồi trên đầu người ta. Phong cách lãnh đạo của tôi rất bình dân, không ai trên ai dưới cả...
Chuyên ngành tôi học là cầu đường, nhưng chưa ba giờ áp dụng cả, còn làm toàn môn không học. Trở thành kinh tế gia sắc sảo, lãnh đạo một công ty điện lực, nhưng chưa bao giờ học về điện, làm công ty cấp nước mang tính xã hội, hoá chất, phân phối, rồi sang công ty dầu khí... dạy quy hoạch vùng, kinh tế đô thị Việt Nam, tôi vừa mãn nhiệm HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình với tư cách độc lập, viết sách năm 69 tuổi, năm nay tôi 73, hoàn thiện cuốn Một đời những kẻ tìm đường đang sửa soạn cuốn sách thứ tư.
Mình làm vì hạnh phúc. Nếu tìm sự nổi tiếng đâu cần viết sách. Làm vì yêu, yêu tuổi trẻ Việt Nam, yêu đất nước, tôi muốn tạo sự tự trọng cho một tập thể, tạo niềm tin cho nông dân. Dù đó không phải phận sự của mình, nhưng mình vẫn làm, rất khiêm tốn... có sức đến đâu làm đến đó thôi, không dám nghĩ xa. Tôi viết với từng tế bào của mình, với tấm lòng của mình, rất hồn nhiên, không có gì phải dấu vì con người mình rất sạch sẽ, không phải hoá trang.
Ông làm tất cả một cách vô vị lợi, vậy ông sống bằng gì?
GS. Phan Văn Trường: Tôi rất may mắn, vào những năm tôi có quyền lực, tôi đã bắt đầu bỏ tình yêu với đồng tiền. Khi tiền đi với quyền lực thì lôi thôi lắm.
Khi có quyền lực, tôi lại coi thường tiền lắm, có lẽ lúc đó lương tôi khá lớn. Thôi tự do hoá mình đi, không lệ thuộc gì, kể cả tự do với tiền. Làm kinh doanh mà thoát khỏi chi phối đồng tiền kể cũng lạ. Khi đồng tiền trở thành trừu tượng thì tự do. Mình nô lệ hoá được đồng tiền
Từ đó tôi dạy 7 năm kiến trúc hoàn toàn miễn phí, đến nỗi có công ty bắt buộc trả tiền, tôi nói cứ đưa tôi làm từ thiện. Tôi sống bằng lương hưu của một cựu chủ tịch, sống vừa đủ thôi, không có xe ô tô, dù thừa tiền mua xe ô tô. Ở Việt Nam cứ xuống đường kêu xe là có liền à.
Làm thế nào để ông luôn giữ được nguồn năng lượng tươi mới mỗi ngày?
GS. Phan Văn Trường: Tôi coi ai cũng là anh em, sống chất phác lắm. Đạo Phật giúp tôi giữ tính từ bi, làm gì cũng chánh niệm, ý thức mỗi cử chỉ của mình, còn Đạo Thiên Chúa lại giúp tôi tính tích cực, chủ động trong việc làm...
Ngày nào không tạo ra được điều gì thì ngày đó với tôi không có ý nghĩa, buồn lắm. Đó là cách để tôi nuôi dưỡng nội lực bền bỉ, có động lực bên trong. Mà hình như có sự thúc đẩy nào từ bên trên truyền xuống. Một hôm tôi tới nói chuyện với nông dân, có một em nói không biết làm sao cảm ơn thầy, và tặng tôi cuốn sách “Quả táo của ông Kimora”, ông nông dân điên bên Nhật tạo vườn táo đầy rắn rết, đầy cỏ, chim sâu, quả táo ngon nhất thế giới, cắt ra không thâm, để trong tủ 1 năm không thối.
Tôi đọc cuốn sách, thấy tuyệt vời quá, chắc đấng bên trên truyền thông điệp về tầm quan trọng tạo hệ sinh thái để thế giới này chạy tròn. Tôi đang thực hiện việc cấy nền cho hệ sinh thái ở các tỉnh thành, với điều kiện các em từ 28 đến 45 tuổi, phải thẳng thắn, chỉ nói thật, thích nó thích, không nói không, không nói dối, không chính trị, không tình cảm, thật hồn nhiên, cho con người mình cho công chúng. Sau khoá cấy nền, có em muốn trở thành đồ đệ của thầy.
Con đường tìm sự tinh hoa khác con đường tìm hệ sinh thái, hệ sinh thái dung nạp đầy đủ hết, chính nhờ thế mới đoàn kết được dân tộc. Nói không quá lời, mình có ít nhất mười ngàn đứa trẻ vô danh cần thầy.
Trong những khoá cấy nền ấy, chúng ta tự hỏi chức năng của Việt Nam là gì trong hoàn vũ. Cái nghiệp chướng của Việt Nam là gì, chúng ta làm gì để phá nghiệp chướng?
Làm sao điều chỉnh các giá trị của Việt Nam, để cho thế giới thấy hình ảnh đẹp hơn, tốt hơn của dân tộc. Đem yêu thương, đem lành mạnh đến cho nhau, đem lòng tốt, lòng thẳng thắn, không bao giờ nói dối. Chỉ cần lời thẳng thắn, óc trong sáng, sẽ tìm ra câu trả lời.
Xin cám ơn ông!
GS. Phan Văn Trường: Chúng ta đang thiếu hệ sinh thái trong mọi ngành, nghề
Chiến lược quản trị nhân tài của Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản quý giá của tổ chức nhưng không phải là sở hữu của tổ chức, do đó phải có chính sách, chế độ thì con người mới đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.
Lơ là quản trị tốt, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao
Nhiều doanh nghiệp lớn đang đối mặt với những bất ổn tiềm ẩn trong nội bộ, khi lợi ích của các cổ đông không được hài hòa. Thực tế này đang phát đi cảnh báo đỏ về chất lượng quản trị trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
‘Quản trị phải bằng trái tim, đừng quản trị vì pháp luật’
Vượt trên sự tuân thủ luật pháp, nhấn mạnh hiệu quả thực chất của quản trị công ty là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh.
GS Phan Văn Trường: Cần tái tạo hệ sinh thái trong mọi lĩnh vực để sinh tồn
Qua câu chuyện “Quả táo của ông Kimura”, GS Phan Văn Trường đã chia sẻ cách nhìn của mình về vấn đề nông nghiệp sạch như một nỗ lực tối cần thiết để tái tạo tính hệ thống, hệ sinh thái cho mọi lĩnh vực của Việt Nam.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.