Bộ KH&ĐT đề xuất hướng mở lại các hoạt động

Phạm Sơn - 13:57, 27/09/2021

TheLEADERDựa trên phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Chính phủ cần xem xét mở cửa trở lại theo hướng an toàn, tránh cực đoan, trao quyền chủ động cho địa phương và doanh nghiệp.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đẩy người dân và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nguy nan chưa từng có. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì an sinh xã hội, cứu nguy cho doanh nghiệp và người dân.

Các giải pháp tập trung vào việc ngăn ngừa lây lan, kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ người lao động mất việc, mất thu nhập; duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, những giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn áp lực nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng cứng nhắc, thiếu thống nhất giữa các địa phương trong việc thực thi chính sách, gây khó khăn cho một số hoạt động cũng như tiếp cận chính sách của người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù dịch bệnh đã đi qua “đỉnh”, nhiều địa phương đang xây dựng và thực hiện kế hoạch từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, tuy nhiên doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào.

Quan điểm của Chính phủ cũng như đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đều nhất trí về việc “không thể đóng cửa mãi”, cần khẩn trương có kế hoạch tổ chức lại các hoạt động kinh tế, xã hội theo hướng an toàn trong tình hình mới.

Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện những công tác nhằm thảo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; cộng đồng doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, phân tích, dự báo rủi ro và đẩy nhanh các phương án thích ứng như chuyển đổi số, tái cấu trúc lao động, đầu tư vào công nghệ…

Dựa trên kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến y tế để thiết lập trạng thái bình thường mới cho sản xuất, kinh doanh.

Đầu tiên, cho phép các hoạt động xã hội, trừ hoạt động tập trung đông người. Người dân khi tham gia các hoạt động xã hội cần có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm đẩy đủ vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh; 5 ngày đối với người tiêm 1 mũi vaccine và 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

Thứ hai, cho phép các tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm và khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia và phải tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với thông tin khai báo.

Thứ ba, ban hành hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm cũng như các điều kiện để người lao động được đi làm trở lại.

Thứ tư, xem xét và đánh giá lại về giải pháp “3 tại chỗ” vốn đang được nhiều doanh nghiệp phản ánh là khó thực hiện lâu dài do tốn kém về chi phí và không hiệu quả. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, cần có quy định, hướng dẫn liên quan cụ thể, nhất quán để doanh nghiệp thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng các trạm y tế lưu động, cố định tại các khu công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động để phán ứng nhanh khi có diễn biến bất thường xảy ra. Bên cạnh đó tăng cường trang thiết bị cũng như nâng cao năng lực y tế cho cán bộ y tế cấp cơ sở.

Cuối cùng, hướng dẫn và trao quyền chủ động cho các địa phương và doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và phòng chống dịch, không hành xử cực đoan, đóng cửa doanh nghiệp nếu có ca lây nhiễm trong phạm vi hẹp.

.