Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Trần Anh - 19:04, 20/11/2019

TheLEADERBộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.

Cơ quan này đã chỉ ra một số rủi ro nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp phải như doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...

Do đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.

Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin liên quan. 

Gồm trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Thông lệ thị trường tài chính cho thấy trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.

Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.

Vì vậy, để tránh những rủi ro trong đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư cần chú ý 3 quy định sau:

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật khi huy động vốn trái phiếu, công bố công khai thông tin về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.

Thứ hai, nhà đầu tư khi tham gia thị trường cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải khi mua trái phiếu.

Thứ ba, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ là cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, tư vấn cho doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi phát hành trái phiếu.

Bộ Tài chính cũng cho biết là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. 

Mặc dù bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 có xu hướng chậm lại nhưng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng qua vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu gần đây có hiện tượng chênh lệch lãi suất lớn giữa trái phiếu do các ngân hàng phát hành (dao động quanh 7-8%/năm) và do các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. 

Như theo thống kê của HNX, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong tháng 10/2019 ở mức 10,69%, cá biệt có doanh nghiệp chào bán với lãi suất 20%/năm.

Trong đó, hàng loạt các công ty bất động sản đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu doanh nghiệp đều cho thấy kết quả kinh doanh rất kém.