Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường giám sát trái phiếu doanh nghiệp

Trần Anh - 12:50, 02/09/2021

TheLEADERTheo người đứng đầu Bộ Tài chính, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký công văn số 10059 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã ký công yêu cầu: Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153 năm 2020 của Chính phủ.

Bộ trưởng giao các đơn vị này nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp. Việc hoàn thiện quy định quản lý, giám sát nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

Các đơn vị quản lý thị trường cần tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Kể từ năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng vượt trội về quy mô thị trường, số lượng phát hành và số doanh nghiệp tham gia.

Năm 2021, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có chững lại sau Nghị định 81 nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ. Trong 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 364 trái phiếu phát hành riêng lẻ (giá trị là 225.509 tỷ đồng), và 13 lô trái phiếu được phát hành ra công chúng (giá trị 9.584 tỷ đồng) và 3 đợt trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế với tổng số tiền huy động được là 1 tỷ USD.

Nhóm phân tích SSI Research dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục sôi động từ cả phía cung và phía cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn vẫn được duy trì. Tuy vậy, rủi ro thị trường sẽ gia tăng vì hầu hết các doanh nghiệp đều tổn thương do dịch bệnh dai dẳng nên nhà đầu tư cần thận trọng hơn.

Động lực tăng trưởng đến nhờ lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm, lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dự báo sẽ kém thuận lợi hơn so với nửa đầu năm nên các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn.

Ngoài ra, hạn mức tín dụng dù được NHNN nới cho các ngân hàng thêm 2-6% nhưng vẫn thấp hơn đề xuất của các ngân hàng và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ, các gói giảm lãi suất từ 0,5-1,5% không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp không nằm trong các nhóm ngành được ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu vẫn cao nên lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.

Mặc dù nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao nhưng rủi ro cũng tăng lên. Dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm bất động sản bớt thuận lợi; thanh khoản xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.