Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ kỷ luật những đơn vị chậm trễ giải ngân vốn đầu tư

Thu Phương - 14:29, 11/01/2019

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ có chế tài mạnh, thậm chí là kỷ luật đối với các đơn vị chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ kỷ luật những đơn vị chậm trễ giải ngân vốn đầu tư
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Theo Báo cáo kiểm điểm công tác giải ngân kế hoạch năm 2018, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải, dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch. 

Trong đó, nguồn vốn ngoài ngoài ngân sách sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch, tương đương 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ dự kiến giải ngân 23.785 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch.

Cụ thể đối với từng nguồn vốn, kế hoạch 2018 giải ngân 20.404/22.644 tỷ đồng, đạt 90,1%. Trong đó, vốn ngoài nhà nước giải ngân được 12.312/12.147 đạt 87%, phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2018 để ghi lại vào năm sau 1.835 tỷ đồng.

Vốn ngân sách trong nước giải ngân 100% kế hoạch được giao 5.858 tỷ đồng.

Vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được 2.234/2.639 đạt 84,7%, phải kéo dài thực hiện sang năm 2019, không kể số 419 tỷ đồng kế hoạch mới được giao trong tháng 12/2018 được phép giải ngân năm 2019.

So với kế hoạch thực hiện các năm tính tới thời điểm chỉnh lý quyết toán giải ngân nhà nước, năm 2016 Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt 84,5%, năm 2017 bộ giải ngân đạt 82,5%, năm 2018 bộ giải ngân đạt 91,5%. Như vậy trong ba năm thực hiện theo Luật Đầu tư công, công tác xây dựng kế hoạch và theo dõi giải ngân kế hoạch mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả giải ngân vẫn chưa dạt 100%, kế hoạch cần kéo dài giải ngân sang năm sau hoặc phải giảm trừ kế hoạch năm.

Lý giải nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư chậm, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho rằng, các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn khả năng thực tế do lạc quan vào công tác thực hiện của dự án, không lường trước được hết nhũng khó khăn vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đầu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, sự cố, điều kiện thời tiết bất lợi.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, thời gian giải ngân có kế hoạch hàng năm và được kéo dài sang năm sau. Do đó, các đơn vị có tâm lý xây dựng kế hoạch giải ngân ở mức kỳ vọng cao, số vốn không được giải ngân hết sẽ được kéo dài thực hiện sang các năm tiếp theo.

Trong quá trình điều hành triển khai dự án, một số đơn vị còn chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đấu thầu, chưa chủ động kịp thời rà soát nhu cầu vốn thực hiện, xác định vốn dự án để kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc, đề xuất kế hoạch điều chỉnh giải ngân phù hợp.

Hơn nữa, việc xử lý các thủ tục phát sinh, nhiệm thu, quyết toán cho các dự án còn mất nhiều thời gian dẫn đến giải ngân vốn chậm.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công có nhiều thủ tục hơn so với các quy định trước đây nên tốn nhiều thời gian, gây ảnh hưởng chung tới tiến độ triển khai các dự án.

Đối với việc giải ngân vốn nước ngoài còn nhiều khác biệt về quy định thủ tục đấu thầu theo quy định trong nước và của nhà tài trợ. Chênh lệch về niên độ tài khoá, quy định về mức vốn tối thiểu được làm thủ tục thanh toán, thủ tục ghi thu, ghi chi vốn đã thực hiện

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án rất phức tạp, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến dộ thi công xây dựng và giải ngân vốn.

Về vấn đề này, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, xây dựng cơ bản và giải ngân là trách nghiệm hết sức quan trọng của ngành giao thông vận tải, nếu không có những công trình mới, không thể tổ chức vận tải được. 

Trước những chậm trễ của ngành giao thông trong việc giải ngân vốn đầu tư trong năm vừa qua, ông Thể đặt câu hỏi: "Vì sao chúng ta tổ chức họp giao ban, nhắc nhở thường xuyên đối với các chủ đầu tư về công tác thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, trong đó có việc giải ngân mà công tác giải ngân vốn vẫn chậm. Trong năm 2018 nhiều dự án triển khai chậm, giải ngân chưa đạt kế hoạch, một số dự án vốn dư không phát hiện kịp thời để báo cáo điều chỉnh vốn".

"Hơn nữa, các đồng chí không phải lần đầu tiên triển khai các dự án đầu tư mà đã có kinh nghiệm, làm công việc này nhiều năm", ông Thể nhấn mạnh.

Cũng theo bộ trưởng, ngay từ đầu năm Bộ Giao thông vận tải đã xác định rằng đây là công việc rất quan trọng và giao trách nghiệm cho thủ trưởng các cơ quan đơn vị. Việc điều hành vốn là trách nghiệm của các cơ quan trực thuộc bộ, việc họp hành vẫn diễn ra thường xuyên nhưng tại sao không có giải pháp để điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn và có chế tài đối với các đơn vị làm chậm.

Ông Thể cũng cho rằng, qua công tác giải ngân kế hoạch năm 2018, Bộ Giao thông vận tải phải rút ra bài học cho 2019. Bên cạnh đó, công tác kiểm điểm cuối năm cũng sẽ có giải pháp để đảm bảo công khai minh bạch. 

Đơn vị làm tốt sẽ được khen thưởng, bố trí công việc, tạo điều kiện làm việc, ngược lại, các đơn vị làm kém dứt khoát sẽ có chế tài, không giao thêm công việc nữa, thậm chí là kỷ luật, Bộ trưởng Thể khẳng định.