Bộ Xây dựng: Giá thép tăng bất thường

Hoài An - 16:10, 13/05/2021

TheLEADERBộ Xây dựng cho rằng giá thép trong nước đã tăng đột biến và không theo quy luật tăng giá thông thường.

Bộ Xây dựng: Giá thép tăng bất thường
Giá nhiều vật liệu xây dựng cơ bản tăng giá mạnh thời gian qua.

Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và giá một số vật liệu chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Nhận định trên được Bộ Xây dựng đưa ra trong văn bản mới đây về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Nhiều vật liệu xây dựng cơ bản tăng giá mạnh thời gian qua, đặc biệt là giá thép khi tăng tới 45% so với cuối năm 2020. Điều này đã khiến các nhà thầu xây dựng trong cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản liên tiếp, theo phản ánh của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC).

Bộ Xây dựng cho rằng, việc công bố giá vật liệu xây dựng ở một số địa phương còn chậm, dù đã có quy định thông tin định kỳ hàng quý, hoặc sớm hơn nếu cần thiết. Điều đó dẫn đến biến động giá thép, các vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời, chưa bám sát diễn biến trên thị trường.

Do đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đồng thời với những vật liệu quan trọng, có biến động giá lớn, khi cần thiết có thể công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng.

Bộ này cũng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vị quản lý.

Trong đó, các đơn vị cần tập trung vào số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng và giá trị bị tác động của từng dự án, hợp đồng. Từ đó dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng đầu tư, khả năng đáp ứng của nguồn vốn; đưa ra các biện pháp tháo gỡ.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam sẽ là đầu mối tổng hợp, cung cấp thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng.

Theo thông tin trước đó từ Bộ Xây dựng, ngoài giá phôi tăng, nguyên nhân mất cân đối về cung cầu, nguồn cung về vật liệu thép xây dựng khan hiếm cũng làm tăng giá thép.

Cụ thể, qua khảo sát các đại lý bán lẻ mặt hàng sắt, thép xây dựng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, năm nay giá thép có yếu tố bất thường do lượng thép thành phẩm nhập khẩu giảm, thép trong nước sản xuất không đủ cung. Trong khi đó sản lượng xuất khẩu thép tăng mạnh cũng làm tăng sức ép từ tổng cầu thép trong nước, đặc biệt là thép thành phẩm.

Về cơ cấu, loại thép thanh trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu giảm, dễ mất cân bằng cung cầu thép xây dựng trong nước.

Trước đó, vào đầu tháng 5, Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ ra nguyên nhân của việc giá thép tăng mạnh là do nguyên liệu đầu vào của ngành thép trong nước đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch Covid-19, thời gian giao hàng kéo dài. Cơ quan này cũng phủ nhận việc các doanh nghiệp bắt tay đẩy giá thép.

Trước tình hình này, nhằm ổn địng cung - cầu và giá thép trong năm 2021, Bộ Công thương cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng để cân đối nhu cầu.

Về dài hạn, đối với thép xây dựng, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Để tăng nguồn cung loại thép cuộn cán nóng, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng.

Đồng thời, Bộ Tài chính nên nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.

Tại cuộc họp điều hành về giá gần đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ Công thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Đồng thời đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Bộ Xây dựng được giao chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Theo văn bản phản ánh về tình hình giá thép tăng đột biến phi mã kể từ đầu năm đến nay của VACC, như dự báo trước đây, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa hết quý II/2021 nhưng hiện tại mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh thời gian thép có thể tăng đến hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu và nhiều thị trường lớn khác. Trong nước, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép quý I/2021 tăng khá cao so với những nhận định trước đó.