Bức tranh quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

An Chi - 09:12, 30/08/2021

TheLEADERViệc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Bức tranh quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Nhiều diện tích đất đai được sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích

Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2020. Theo đó, đơn vị này đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. 

Nhiều đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai. Qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn; doanh thu, chi phí và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.031 tỉ đồng.

Nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả; quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; thực hiện bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc tài sản đảm bảo gây nợ tồn đọng kéo dài hoặc vượt giá trị bảo lãnh; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định. 

Không ít doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng, một số dự án dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả.

Đơn cử như Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn với khu đất số 481 Bến Ba Đình (P.9, Q.8, TP.HCM) xây dựng hoàn thành chung cư từ năm 2010, đến nay 242/350 căn hộ còn để trống. Khu đất số 339/34A Tô Hiến Thành (P.12, Q.10, TP.HCM) đến nay còn 119 căn hộ để trống từ năm 2013.

Một số dự án đã dừng triển khai từ nhiều năm, chậm tiến độ, chưa hiệu quả như nhà máy gạch bê tông khí chưng áp của Hancorp; dự án 174 Hà Huy Tập (Yên Viên, Hà Nội) và hơn 51ha tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn của Handico.

Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã quá hạn trên 16 năm, nhưng đến nay chưa được UBND TP. Hà Nội gia hạn thực hiện dự án. 

Dự án khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B và dự án N01 - T8 của Hancorp lần lượt chậm 10 năm và 6 năm; chung cư Khuông Việt của Resco chậm 2 năm.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ lớn như Công ty mẹ - PVPower với cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 đạt 0,2% tổng vốn đầu tư; Công ty mẹ - Hancorp với 8/33 đơn vị có vốn góp lỗ năm 2019 là 289,05 tỷ đồng. Công ty mẹ - Handico đầu tư vào Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà số 68 lỗ 60,99 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn với 1/5 công ty con năm 2019 lỗ 38,19 tỷ đồng.

Một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn như Công ty mẹ - Tổng công Địa ốc Sài Gòn với 7 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 32,91 tỷ đồng; Công ty mẹ - Samco với 5 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 194,96 tỷ đồng; Công ty mẹ - UDIC với 5 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 288,7 tỷ đồng, 2 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 32,1 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp cũng chưa bảo toàn được vốn như Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ.

Về quản lý sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, hoặc chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước.

Các đơn vị sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả có thể kể đến như Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 6,3ha; Sawaco 1,14ha; Hancorp 0,52ha. Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung sử dụng đất không đúng mục đích 0,14 ha.

Một số trường hợp giao và thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đất không đúng quy định. Đơn cử như UBND TP. Hà Nội thu hồi đất của Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội thuộc Handico giao cho Công ty CP Tập đoàn Tecco để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ, công chức, viên chức liên cơ quan huyện Thanh Trì.

UBND TP.HCM thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất tại dự án Rạch Ụ Cây thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2003 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013.

Qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm: Sawaco 145 tỷ đồng; UDIC 47 tỷ đồng; Samco 23 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 4 tỷ đồng; EVN HCM 5 tỷ đồng; EVNCPC 1 tỷ đồng; PVOIL 0,55 tỷ đồng. 

Nhiều sai phạm trong cổ phần hoá doanh nghiệp

Kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cho thấy, một số đơn vị chưa mở sổ theo dõi, định giá tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, lập hồ sơ kiểm kê chưa đầy đủ các khoản công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; lập báo cáo tài chính và xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp chưa đúng quy định. Đơn vị tư vấn định giá giá trị một số tài sản cố định, giá trị lợi thế kinh doanh chưa chính xác. 

Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế doanh nghiệp 1.166 tỷ đồng, tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 523 tỷ đồng (xác định theo phương pháp tài sản) và kiến nghị tăng thu ngân sách 806 tỷ đồng.

Đối với giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, đa số các đơn vị đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ, chưa nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp về cổ phần hóa; lập báo cáo quyết toán cổ phần hóa chậm; chưa tuân thủ quy định trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; sử dụng đất không đúng mục đích...

Một số doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích sau cổ phần hoá được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia với khu đất 635A Nguyễn Trãi (P.11, Q.5, TP.HCM; Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Phú Thọ với khu đất số 79 Hòa Bình (P.3, Q.11, TP.HCM); một phần diện tích số 03 Hòa Bình (Q.11), diện tích 582,7 m2; Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và đầu tư TP.HCM với khu đất số 3-5 Mễ Cốc (P.15, Q.8) và khu đất số 301, 301A, 301B, 301C Bến Bình Đông (Q.8).

Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sài Gòn có 4 lô đất được nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm với tổng diện tích 5.019m2 (khu đất số 63 (số cũ 1/8) đường Quốc lộ 13, khu phố 3 (P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức), diện tích 609m2; khu đất số 3/1 đường Nguyễn Thị Định (phường An Phú, Q.2) diện tích 988 m2; khu đất số 652A (số cũ 17/4 khu phố 3) đường Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp, Q.12), diện tích 2.741m2 ; khu đất số 127-129 Nơ Trang Long, (P.12, quận Bình Thạnh, diện tích 680m2 ) để hợp tác kinh doanh với Công ty CP Thương mại và dịch vụ Cần Giờ chưa tuân thủ theo đúng hợp đồng thuê đất.

Kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại các doanh nghiệp 334,92 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu ngân sách 505,97 tỷ đồng.