Bùng nổ 'chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế'

Hòa Vỹ - 14:06, 07/07/2018

TheLEADERTrung Quốc mới đây đã cáo buộc Mỹ vì khởi động "chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế" khi các mức thuế cao hơn được áp dụng lên hàng chục tỷ USD tại cuộc đối đầu không khoan nhượng.

Bùng nổ 'chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế'
Cuộc đối đầu thương mại ngày càng nóng hơn bao giờ. Ảnh: CCN Money

Chính quyền Mỹ đã chính thức áp mức thuế 25% lên hơn 800 sản phẩm từ Trung Quốc như máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô với tổng giá trị nhập khẩu 34 tỷ USD. Loạt thuế này được khởi động sau khi Mỹ bước qua ngày 6/7 không lâu, tương đương với thời điểm buổi chiều cùng ngày tại Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn nhấn mạnh rằng, thuế quan là điều cần thiết để buộc Trung Quốc phải từ bỏ hành động không công bằng trong thương mại như lấy cắp tài sản trí tuệ và buộc công ty Mỹ bàn giao công nghệ có giá trị.

Phía Trung Quốc cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi áp thuế lên các sản phẩm từ Mỹ và có hiệu lực ngay sau đó. Trung Quốc khẳng định quốc gia này mới là bên “bị thương”.

Trong tuyên bố mới đây, Bộ Thương mại nước này cho biết: “Trung Quốc buộc phải tấn công lại để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cáo buộc hành động của Mỹ là “bắt nạt thương mại”.

Bắc Kinh sau đó đã tuyên bố áp thuế suất tương tự đối với 545 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe và hải sản với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ hàng năm khoảng 34 tỷ USD.

Ngay cả trước khi những hành động trên xảy ra, căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới đã làm rung chuyển thị trường và tạo ra những cảnh báo sụt giảm lợi nhuận cho doanh nghiệp và mức giá cao hơn cho người tiêu dùng.

Reuters đánh giá những diễn biến trên sẽ gây tổn thất cho chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu cũng như những bất ổn kéo dài. Trong khi Mỹ nâng cao chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc lại càng cho thấy sự sẵn sàng tiếp tục cải cách và mở cửa nền kinh tế.

Hiệu ứng lan tỏa từ bất ổn thương mại sẽ có khả năng tạo ra con sóng đối với luồng đầu tư nước ngoài (FDI), CNBC nhận định. Thực tế đã chứng minh FDI từ Mỹ vào Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng như ở chiều ngược lại đã có xu hướng giảm do nỗi sợ chiến tranh thương mại cũng như sự không chắc chắn trong chính sách của bản thân nước Mỹ.

Báo cáo được phát hành hồi tháng Sáu tại Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc cho thấy sự tăng trưởng trong FDI toàn cầu đang đi xuống. Trong năm 2017, dòng vốn này giảm tới 23% so với năm trước đó.

Theo công bố của Rhodium Group, công ty nghiên cứu theo dõi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, số đầu tư từ quốc gia này chỉ đạt 1,8 tỷ USD trong 5 tháng vừa qua, giảm tới 92% so với cùng kì năm ngoái và chạm đáy 7 năm qua.