Các chợ nổi đang chìm

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 17:50, 08/10/2020

TheLEADERMấy năm trước, đi chợ nổi phải dậy sớm, tham quan xong mới về ăn sáng. Hình ảnh, âm thanh và màu sắc của hàng trăm chiếc thuyền náo nức gọi bình minh, khuấy động cả vùng sông nước, là điểm nhấn đặc trưng của du lịch miền Tây. Những thứ giờ đây chỉ còn là ký ức đẹp và buồn.

Bạn M.N, giám đốc một công ty du lịch ở Cần Thơ vừa gọi điện than thở: “Đã nghèo còn gặp eo. Vừa vuột mất hai đoàn khách phía Bắc đi miền Tây sau khi em thật lòng tư vấn về chợ nổi. Họ bảo - Tour miền Tây mà không có chợ nổi thì chán lắm. Em đã giải thích là chợ nổi vẫn còn nhưng chỉ bằng 1/5 trước đây. Thế là họ cương quyết chuyển vùng”. Tôi nghe mà buồn hụt hẫng, chẳng nói được lời nào.

Mấy năm trước, đi chợ nổi phải dậy sớm, tham quan xong mới về ăn sáng. Hình ảnh, âm thanh và màu sắc của hàng trăm chiếc thuyền náo nức gọi bình minh, khuấy động cả vùng sông nước, là điểm nhấn đặc trưng của du lịch miền Tây. 

Giờ chỉ còn là ký ức đẹp và buồn. Chợ nổi bây giờ dậy trễ, ăn sáng xong mới đi và vắng như cảnh “chợ chiều” trên cạn. Chỉ gần tết, các chợ nổi mới có sinh khí, chẳng bù cho “hồi xưa”.

Báo động đỏ - Các chợ nổi đang chìm
Chợ nổi Cái Bè xưa

Đã có nhiều tiếng kêu thảng thốt “Các chợ nổi Tây Nam Bộ đang chìm dần” nhưng vô vọng. Hình như chẳng mấy ai quan tâm. Những người làm du lịch tâm huyết xót xa vì “Lực bất tòng tâm”. Tự dưng nhớ cảnh nuôi mẹ trọng bệnh. Nhìn mẹ vật vã đớn đau rồi đuối dần mà không làm gì được để cứu chữa hay san sẻ nỗi đau. Phận làm con, giận mình bất lực, bất hiếu.

Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang) - họp ngay vùng hợp lưu 7 con sông nhỏ (Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và Kênh Xáng) nên còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy. Nằm cạnh quốc lộ 1, hình thành từ năm 1915, là trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất ASEAN. 

Thời hoàng kim, có ngày gần ngàn ghe thuyền họp chợ, như một trung tâm bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, đa dạng; từ hàng hóa, màu sắc, âm thanh đến không gian đều đậm đặc chất Nam Bộ.

Năm 1992, Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso dùng thủy phi cơ và 4 ca nô cao tốc chuyên dụng, làm phim ấn tượng về chợ nổi Phụng Hiệp, phát sóng trên 100 đài truyền hình các nước. 

Ông kết luận: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, phải được giữ gìn và phát huy. Đó là thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên mang đậm sắc thái Việt”.

Báo động đỏ - Các chợ nổi đang chìm 1
Chợ nổi Cái Bè nay.

Nhà văn hóa Australia nhận xét: “Thật kỳ ảo. Giữa mênh mông trời nước, hàng trăm chiếc thuyền nhấp nhô, tụ về một mối. Chợ này đẹp và sôi động, sung túc hơn nhiều so với các chợ nổi Thái Lan”. 

Năm 2002, vì lý do “An toàn giao thông đường thủy”, chợ nổi Phụng Hiệp, buộc phải di dời, dù rất hiếm khi xảy ra tai nạn. Chợ nổi chìm dần. Gần hai chục năm nay, tốn bạc tỉ, tìm cách trả “Châu về hợp phố” vẫn chưa được. Cái giá quá đắt cho cách làm chủ quan, cục bộ.

Dù không phải di dời như Phụng Hiệp, các chợ nổi Tây Nam Bộ đang chết dần bởi hai nguyên nhân. Một, vì cuộc sống không ngừng phát triển. Cũng như nhà lá được thay bằng nhà xây, xe đạp lên gắn máy, ô tô. 

Đường cũ mở rộng, thêm nhiều cầu cảng mới, đi lại thuận tiện, giá thành rẻ hơn; đường thủy lép vế là đương nhiên. Thế giới cũng vậy. Khác nhau ở chỗ, các nước tiên tiến chỉ thay chất liệu bên trong, thêm tiện nghi nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa.

Hai, do quản lý máy móc bằng các quy định nhiêu khê về bằng lái, chứng chỉ, đăng kiểm… An toàn giao thông là mục tiêu hàng đầu nhưng cần có lộ trình và đặc trưng vùng miền. Sông rạch miền Tây Nam Bộ không giống các nơi khác. 

Người dân sống ven kênh rạch hầu hết phải di chuyển bằng thuyền, buôn bán trên thuyền, đi học qua thuyền, xem hát trên thuyền, đám cưới, đám ma chở bằng thuyền,…

Quy định phải tạo mọi điều kiện để người dân, nhất là dân nghèo, dân thương hồ mua đây bán đó, buôn bán ven sông thực hiện. Vài chục triệu là số tiền quá lớn so với tài sản và thời gian quá dài để có được bằng cấp theo quy định nên họ nản chí, bỏ sông, rời rạch. Hiếm có người giàu đi buôn bán bằng thuyền, bám sông nước.

Cặp phạm trù “Bảo tồn – Phát triển” không hề mâu thuẫn. Nếu biết cách làm, còn hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau, tránh được mâu thuẫn cục bộ, quản lý khiên cưỡng với cộng đồng. Giao thông đường bộ ngày càng phát triển nhưng chợ nổi vẫn có thể giữ được, nếu có các chính sách cụ thể, khuyến khích người dân bám nghề, bám chợ.

Không thể cào bằng quy định đường thủy như đường bộ. Luật cụ thể hóa theo ngành nghề. Thuận cho quản lý và lợi cho người dân mới bền vững. Không thể chăm bẳm vế đầu, người dân bị triệt buộc, phải bỏ nghề, rời chợ. Điều quan trọng và cấp bách hơn là môi trường ven sông và vấn nạn rác thải, chưa được thu gom xử lý đúng.

Cần kíp phải giữ các chợ nổi. Chìm rồi thì không tài nào cứu được. Tây Nam Bộ nếu vắng chợ nổi, cũng như mấy thôn nữ tuổi đôi mươi, áo bà ba, nón lá mà để tóc tém, húi cua con trai. Thái Lan làm du lịch giỏi như thế mà khi các chợ nổi chìm, đành chào thua; phải thay bằng chợ nổi giả, chỉ phục vụ du khách. Kiểu chợ như thế, đâu cũng làm được, không phải là văn hóa đặc trưng.

Các chợ nổi Tây Nam Bộ là tài sản quốc gia, chứ không riêng ai. Nghe đâu, có khu du lịch ở Cần Thơ đang tính bỏ mấy chục tỷ làm chợ nổi riêng. Không chừng thành chợ nổi kiểu Thái Lan. Sao không dùng tiền đó, chỉ cần một phần, để bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Cộng đồng du lịch cả nước và doanh nghiệp này đều được lợi, vì đó là kết quả chung của tiếp thị điểm đến.

Báo động đỏ - Các chợ nổi đang chìm 2
Các doanh nghiệp Sài Gòn dự khai trương thuyền Văn hóa chợ nổi Cái Bè.

Để cứu chợ nổi Cái Bè khỏi chìm xuồng, có doanh nghiệp ở Sài Gòn bỏ bạc tỷ, sắm Thuyền Văn hóa và mấy chục thuyền chèo tay, ghe bầu, cho bà con mượn. Thuyền chèo chở khách. Ghe bầu bán buôn. Coi như một dạng vay ưu đãi, không tính lãi lẫn khấu hao, để người dân bám chợ. Có chợ là có thêm điểm đến, giữ chân khách ghé Tiền Giang lâu hơn.

Báo động đỏ - Các chợ nổi đang chìm 3
Múa lân khai hội thuyền Văn hóa chợ nổi Cái Bè.

Thuyền Văn hóa là sân khấu phục vụ du khách đi chợ nổi, có đờn ca tài tử, hát bội, giao lưu và các loại hình khác. Cảnh quan sinh động chợ nổi, thay đổi liên tục, không gian khoáng đạt chốn thương thuyền.

Dù được tăng cường tối đa, cũng chỉ mới cứu được chợ nổi Cái Bè bớt chìm từ cổ xuống ngực. Rất cần thêm nhiều doanh nghiệp tiếp sức, nhất là các doanh nghiệp tại chỗ. Quan trọng hơn là những chính sách “Khoan thư sức dân”, tạo mọi điều kiện cho người dân bám nghề, cùng sự chung tay bảo tồn chợ nổi của các ngành, các cấp quản lý.

Các chợ nổi được hình thành và phát triển cả trăm năm nay là do con người. Việc các chợ nổi tiếp tục nổi hay chìm cũng đều do con người. Không thể mãi đổ thừa tại và bị, hải BÁO ĐỘNG ĐỎ - tìm mọi cách cứu các chợ nổi trước khi chìm.