Leader talk
Các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu cùng hiến kế thúc đẩy kinh tế
Tại hội nghị với Chính phủ, lãnh đạo Vingroup, Thaco Group, Sun Group, Masan, Sovico... cùng hiến kế phát triển kinh tế với nhiều đề xuất quan trọng.
Tại hội nghị của thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đất nước hôm nay, lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Thaco Group, KN Group, Sun Group, Geleximco, Ree Group, Masan Group và Sovico Group đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Đầu tư vào giáo dục và công nghệ cao
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo.
Ông đề xuất Chính phủ đẩy mạnh việc phổ cập tiếng Anh cho toàn dân, không chỉ trong các trường công lập, nhằm hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tài trợ cho giáo viên tăng cường đến vùng sâu, vùng xa để thực hiện mục tiêu này.
Bên cạnh đó, ông Vượng đề nghị mở rộng hạn ngạch đầu tư đào tạo sinh viên trong các lĩnh vực công nghệ cao như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn... Việc này sẽ tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp tương lai.
"Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác", lãnh đạo Vingroup nhận định.
Về vấn đề nhà ở xã hội, ông đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, đồng thời cho phép thực hiện đồng thời các loại quy hoạch để tiết kiệm thời gian từ 6-9 tháng.
Ông cũng kiến nghị xem xét lại mức lợi nhuận 10% hiện tại, vì với mức lợi nhuận này, doanh nghiệp khó có thể thực hiện dự án nhà ở xã hội một cách hiệu quả.
Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Ngoài ra, ông Vượng đề nghị nâng cao tiêu chuẩn nhà ở xã hội với các tiện ích như hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích khác, đồng thời dành riêng khu vực cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và quân đội.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ hơn.
Phát triển công nghiệp ô tô xanh và công nghiệp hỗ trợ
Với lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn là sản xuất và lắp ráp ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Group, cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.
Thaco đang hướng tới trở thành trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và khu vực ASEAN, đặc biệt là trong việc phát triển các dòng xe xanh, sạch và tiết kiệm nhiên liệu.
Ông Dương nhận định việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện đòi hỏi một lộ trình và thời gian đầu tư hạ tầng, đảm bảo an toàn.
Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.
Ông kiến nghị tổ chức các hội thảo để các bên đóng góp ý kiến, đề xuất nhằm thay đổi xu hướng thị trường cho các loại xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu và xe điện.
Về công nghiệp hỗ trợ, Thaco đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, xây dựng khu công nghiệp sản xuất cơ khí và cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước.
Hiện Thaco đã sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng ô tô. Năm 2024, Trường Hải đã bán linh kiện cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.
Ông kiến nghị Chính phủ quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cho lĩnh vực này, bởi đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam và góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đề xuất mô hình kết hợp giữa rừng và chăn nuôi tại khu vực Tây Nguyên. Việc phát triển các khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ giúp khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Xây dựng hạ tầng hiện đại và phát triển năng lượng tái tạo
Là tập đoàn đa ngành trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Group, cho biết về chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn thời gian tới, sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hiện đại và năng lượng tái tạo.
KN Group đang hướng tới xây dựng các trung tâm công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, đầy đủ tiện nghi cho công nhân viên và chuyên gia làm việc.
Ông Kiểm mong muốn Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Về năng lượng tái tạo, ông Kiểm đề nghị Chính phủ xem xét cho phép triển khai nhanh các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Ông cũng kiến nghị tăng thêm công suất trong điều chỉnh quy hoạch điện lưới quốc gia, thu hút các tập đoàn lớn mong muốn sử dụng năng lượng sạch, để được chứng nhận xanh cho sản phẩm của họ.
Thúc đẩy du lịch và cơ chế đặc thù
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch - "ngành công nghiệp không khói" trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group đề xuất thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực, đi kèm với các cơ chế đặc thù, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm.
"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.
Chủ tịch Sun Group cũng kiến nghị áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn du lịch tiềm năng như Phú Quốc. Điều này sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, ông đề nghị mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ các thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao, và cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho khách từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu...
Nâng cao hiệu quả đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, kiến nghị Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án, giúp địa phương chủ động hơn và đẩy nhanh tiến độ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE Group, đề xuất Chính phủ giao quyền cho tỉnh trong việc cấp chủ trương đầu tư, vì địa phương hiểu rõ năng lực và uy tín của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà cho rằng cần có chính sách miễn giảm thuế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đại diện Tập đoàn Masan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng giá trị xuất khẩu bằng cách tập trung vào chất lượng, không chỉ số lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
Ông đề nghị xây dựng chiến lược đưa ẩm thực Việt Nam ra toàn cầu, xây dựng hình ảnh thương hiệu ẩm thực quốc gia, tạo nên những "đại sứ ẩm thực" của Việt Nam.
Điều này không chỉ lan tỏa văn hóa ẩm thực mà còn tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Trên bình diện quốc tế, thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là ưa chuộng thứ 5 trong Top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài ra, Masan kiến nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước, giúp doanh nghiệp dễ dàng tham khảo và tiếp cận thị trường quốc tế.
Xây dựng hệ thống hangar cho ngành hàng không
Trong những ngày qua là cơn siêu bão Yagi – cơn bão lịch sử với những hậu quả mang tính thảm họa. Thế nhưng, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn mạnh mẽ tiến lên, lập những kỳ tích mới, niềm tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ được tăng cao, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sovico Group cho biết.
Bà bày tỏ niềm tin vào sự kiên cường của nền kinh tế Việt Nam trước những thách thức. Bà kêu gọi Chính phủ tin tưởng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, Chính phủ cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam.
Bà Thảo đề xuất có thêm cơ chể để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay quốc tịch Việt Nam hùng mạnh.
"Hãy biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…", theo bà Thảo.
Về đào tạo và công nghệ, bà nhấn mạnh Việt Nam có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống hangar là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay quy mô khu vực tại các sân bay Việt Nam.
Học viện Hàng không Vietjet hiện đại, tiện nghi hàng đầu trong khu vực, hợp tác với Airbus hàng năm đào tạo 50.000 lượt học viên.
Vietjet hiện vận hành hơn 100 tàu bay nhưng không có được hangar ở Việt Nam.
Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của Vietjet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay ở sân bay Viêng chăn trong liên doanh với Lào Airline, chi phí khá tốn kém.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay như Trung Quốc đang sản xuất linh kiện tàu bay Boeing và lắp ráp tàu bay Airbus.
"Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho kinh tế Việt Nam với tinh thần tiên phong của hàng không, du lịch và các doanh nhân dân tộc chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn", lãnh đạo Sovico bày tỏ.
Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 200.000 tỷ đồng
Lợi nhuận Vietjet tăng đột biến nửa đầu năm 2024
Vietjet công bố báo cáo kiểm toán sáu tháng đầu năm 2024 với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
'Dầu bôi trơn' cho thực hành ESG trong doanh nghiệp
Người lao động thực hành ESG căn cứ vào cam kết của lãnh đạo và các giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thiệt hại nặng sau bão Yagi
Siêu bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại miền Bắc, làm tê liệt sản xuất và hư hỏng hạ tầng nghiêm trọng.
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.