Cái ‘bắt tay’ giúp nông sản Việt sang Nhật Bản

Tú Uyên - 15:15, 08/08/2018

TheLEADERĐại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đối tác Nhật Bản sẽ là những người giúp nông sản Việt Nam mở cánh cửa bước vào thị trường này.

Cái ‘bắt tay’ giúp nông sản Việt sang Nhật Bản
Nông sản là mặt hàng vô cùng nhạy cảm và được bảo hộ cao tại Nhật Bản. Ảnh: VOV

Chia sẻ tại “Hội thảo xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm sang các thị trường EU và Nhật Bản”, ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định, “chúng ta không thể đi một mình trong tiếp cận thị trường Nhật Bản”. Theo ông, “nếu không có đối tác Nhật Bản, chúng ta không bao giờ tiếp cận được quốc gia này bởi việc xây dựng được một thương hiệu Việt có uy tín thật sự rất khó”.

Việc có được một đối tác Nhật Bản sẽ “giúp chúng ta định hướng sản phẩm nào, khu vực nào phù hợp” cũng như “có hỗ trợ về thủ tục và giấy tờ”.

Ông Hải cho biết Nhật Bản có 4 hòn đảo lớn chiếm khoảng 97% diện tích và mỗi vùng miền lại có một văn hóa và cấu trúc kinh tế khác nhau. “Đưa hàng sang Nhật Bản cần xác định là đưa hàng vào đâu, xuất khẩu sang Nhật Bản là Nhật nào, Nhật Tokyo hay Nhật Osaka” và do đó, doanh nghiệp cần tính toán đến yếu tố này khi nghiên cứu thị trường.

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có sự bảo hộ rất lớn đối với nông nghiệp. Mặc dù chỉ có khoảng 0,4% dân số tham gia vào nông nghiệp và đóng góp chỉ khoảng hơn 1% GDP, lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong chính trị Nhật Bản, ảnh hưởng lên số phiếu trong cuộc bầu cử.

Không chủ vậy, Nhật Bản có thể xem là thị trường đặt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng sản phẩm vì quốc gia này đề cao các yếu tố liên quan đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Hệ thống tiêu chuẩn nông sản của đất nước mặt trời mọc rất cao và rất khắt khe, thậm chí hơn cả thị trường Mỹ và EU, ông Hải nhấn mạnh.

Những vấn đề trên gây ra khó khăn cho nông sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam xuất phát điểm tương đối thấp hơn so với Nhật Bản.

Ông Hải cho rằng khi doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản, cần lưu ý tới bài toán kênh phân phối, phải tính toán xem hàng hóa đi vào đâu hay đi qua chuỗi siêu thị nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào giống, công nghệ sản xuất cùng nhiều yếu tố bên ngoài sản xuất, những yếu tố tác động trực tiếp đến tính cạnh tranh của hàng hóa.

“Nhật Bản cũng giống như nhiều nước khác, có nhu cầu nhập khẩu tất cả sản phẩm nông sản, thực phẩm tiêu dùng cho người dân nhưng có điều kiện, tiêu chuẩn, văn hóa tiêu dùng rất khốc liệt”, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đánh giá.

Về chiến lược dài hạn, xuất khẩu sang Nhật Bản không chỉ dừng lại ở Nhật Bản mà đây còn là vấn đề uy tín và thương hiệu, từ đó tiếp tục có cơ hội sang các thị trường khác. “Đây là mục tiêu chúng tôi rất mong các doanh nghiệp quan tâm”, ông Hải chia sẻ trước báo giới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần làm tốt công tác về sản phẩm, phải nghiên cứu thị trường, nắm được văn hóa, tập quán và kể cả xu hướng tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản.

Ông Hải cho biết: “Trong quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ, chúng tôi đã đưa ra nhiều khuyến nghị Nhật Bản mở cửa thị trường rau củ quả, đặc biệt là rau củ quả tươi sống nhằm mở rộng diện sản phẩm có thể xuất khẩu được. Bên cạnh đó, đạt được cơ chế nhập khẩu tốt, minh bạch, hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nhập khẩu tại Nhật Bản theo quy mô lớn và mang tính hệ thống”.

Phía các cơ quan có liên quan đã tiến hành thảo luận với Nhật Bản để đạt được cơ chế chính sách thông thoáng và hành lang tốt nhất, tạo ra chuỗi giá trị chung giữa hai nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường nông sản Nhật Bản và khai thác tốt thị trường này, vị Phó vụ trưởng khẳng định.