Cam kết về khí hậu: Từ nỗ lực 'tự thân' tới hỗ trợ quốc tế

Phạm Sơn - 09:31, 22/02/2022

TheLEADERGần đây, Việt Nam liên tục được tiếp đón 2 nhà lãnh đạo cấp cao đến từ châu Âu, là Chủ tịch hội nghị COP26 và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).

Cam kết về khí hậu: Từ nỗ lực 'tự thân' tới hỗ trợ quốc tế
Năng lượng sạch là một trong những trọng tâm nhận được hỗ trợ từ quốc tế.

Cả 2 nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự ghi nhận đối với cam kết của Việt Nam tại COP26, khi một quốc gia “đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua” lại “dám” đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050.

Ấn tượng của Chủ tịch COP26 và Phó chủ tịch EC không chỉ dừng lại ở lời cam kết. Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trở về từ chuyến công du tham dự hội nghị COP26, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban.

Tiếp theo đó, một loạt văn bản chính sách được ban hành những ngày đầu năm 2022, về việc sửa đổi Luật Điện lực, kế hoạch chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường với nội dung đột phá về kinh tế tuần hoàn, vai trò quản lý về môi trường…

Cam kết về khí hậu: Từ nỗ lực 'tự thân' tới hỗ trợ từ quốc tế
Ông Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26. Ảnh: VOV

Có thể nói, chúng ta đã tạo cho những nhà lãnh đạo toàn cầu cái nhìn về một “Việt Nam hành động”, với cách tiếp cận toàn diện, tổng thể và mang tính toàn dân, đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” được Thủ tướng nhắc tới trong bài phát biểu tại COP26.

Cơ hội từ quốc tế

Chuyến thăm của 2 nhà lãnh đạo đến từ châu Âu không chỉ thể hiện sự ghi nhận từ quốc tế mà còn mở ra những cơ hội hợp tác đầu tiên, đúng như lời kêu gọi của Việt Nam về một cuộc chiến chống biến đổi khí hậu “công bằng”, các nước phát triển thể hiện vị thế và hỗ trợ các nước đang phát triển về kinh nghiệm và tài chính.

Nổi bật trong đó là cam kết viện trợ không hoàn lại trị giá 210 triệu euro, được cấp trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2024 nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2027 của EU, nhằm giúp Việt Nam cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong những lĩnh vực ưu tiên.

Gói viện trợ này được ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch EC thông tin trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về phía ông Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26, vị lãnh đạo này cũng tuyên bố Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ hết lòng thông qua các gói tài chính hoặc trao đổi kinh nghiệm, quy trình, công nghệ, giúp Việt Nam thực hiện hóa các cam kết.

Các hỗ trợ từ quốc tế sẽ đặt trọng tâm vào tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch. Ông Timmermans cho biết, động thái tiên quyết để tiến tới trung hòa carbon là dừng việc triển khai các nhà máy nhiệt điện than không có công nghệ lưu trữ carbon, đồng thời giảm dần nhiệt điện than đúng như cam kết chung của gần 200 quốc gia tham dự COP26.

Trước đó, ông Sharma cũng nhấn mạnh, chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ là “chìa khóa cho các cam kết về khí hậu của Việt Nam”, bởi 70% khí thải của Việt Nam phát sinh từ lĩnh vực năng lượng.

Cam kết về khí hậu: Từ nỗ lực 'tự thân' tới hỗ trợ từ quốc tế 2
Ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch điều hành EC. Ảnh: MONRE.

Nhận xét của 2 nhà lãnh đạo nói trên trùng với nội dung bài phát biểu của Thủ tướng tại COP26 khi cho rằng tiềm năng về năng lượng tái tạo là một trong những lý do Việt Nam đưa ra cam kết tham vọng.

Bên cạnh chuyển đổi năng lượng sạch, một lĩnh vực khác cũng được đề cập trong các buổi làm việc với 2 nhà lãnh đạo quốc tế là kinh tế tuần hoàn, một lĩnh vực mới đã được Việt Nam luật hóa với Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như đưa vào văn kiện Đại hội Đảng.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam liệt kê kinh tế tuần hoàn là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp ứng dụng, triển khai ở nhiều cấp độ. Song song với sự hỗ trợ từ chính sách, những mô hình, bài học kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ là những yếu tố cần thiết cho quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp.

Đây cũng là lĩnh vực hợp tác có tiềm năng giữa Việt Nam với EU và Vương quốc Anh, được Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ đề cập với 2 nhà lãnh đạo quốc tế, đồng thời nằm trong nội dung gói hỗ trợ trị giá 210 triệu euro nói trên.