Cần đặc biệt lưu tâm đến rủi ro lạm phát

Phương Anh - 17:28, 12/03/2022

TheLEADERXung đột Nga – Ukraine gia tăng căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó kéo theo áp lực lạm phát đối với Việt Nam.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong cập nhật kinh tế vĩ mô mới đây đánh giá mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, rủi ro tiêu cực đã tăng cao do các ca nhiễm omicron đang quét.

Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát.

Không chỉ vậy, World Bank đánh giá giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

HSBC Việt Nam mới đây cũng lưu ý: “Các nhà hoạch định chính sách vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát, vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu”.

Ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, xuất phát từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, kéo theo sự tăng giá của các hàng hóa trong nước do Việt Nam vẫn là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ phục hồi của Chính phủ cũng sẽ là yếu tố có thể khiến lạm phát cao hơn.

Tại tọa đàm gần đây, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lưu ý ngoài các yếu tố trên, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi nhiều quốc gia đang điều chỉnh giữa bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tại một số khu vực gia tăng đáng kể, như châu Âu, Mỹ.

Trước những rủi ro trên, World Bank khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục triển khai tiêm liều vaccine tăng cường và ban hành hướng dẫn y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát làn sóng Omicron.

Điều quan trọng là do tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – có thể bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới, và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do hiện có, để tăng cường khả năng chống chịu của xuất khẩu.

“Mặc dù cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước, nhưng giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu”, World Bank lưu ý.

Theo dự báo của Dragon Capital dựa trên các kịch bản giá dầu theo diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát Việt Nam 2022 sẽ tiến sát đến ngưỡng mục tiêu 4%, và thậm chí có khả năng tăng cao hơn.

Thời gian qua, lạm phát vẫn được kiềm chế dù giá nhiên liệu tăng. CPI tháng 2 tăng 1,4% so với cùng kỳ, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.

Giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước, làm tăng chi phí giao thông, và do đó, làm tăng giá tiêu dùng.

Ngược lại, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định so với một năm trước nhờ chuỗi cung ứng trong nước được duy trì tốt.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, chỉ tăng 0,7% (so với cùng kỳ năm trước), tương đương tỷ lệ ghi nhận trong hai tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trong nước phục hồi yếu.