Cần gần 7 tỷ USD đầu tư giúp ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu

Phương Anh - 17:35, 27/08/2020

TheLEADERTại ĐBSCL, các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thích ứng thông minh với khí hậu cần khuyến khích sử dụng nguồn lực tài chính công hiện có cho nhiều đầu tư thông minh với khí hậu hơn và huy động các nguồn tài chính bổ sung.

Ngân hàng thế giới (WB) ước tính có thể cần khoảng 4,7 – 6,7 tỷ USD cho các đầu tư thích ứng thông minh với khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 5 năm tới (2021 - 2025).

Sự thiếu hụt nguồn lực tài chính cho cả phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và phát triển thông minh, thích ứng với khí hậu của ĐBSCL nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa cả hai nghị sự này nếu có thể (ví dụ đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, du lịch, giao thông, đô thị hóa, và nước sạch cần thông minh và thích ứng hơn với khí hậu) và huy động thêm nguồn lực tài chính.

ĐBSCL được xác định là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo dự báo về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và môi trường công bố vào năm 2016, ĐBSCL phải đối mặt với rủi ro ngập lụt cao và trong điều kiện hiện nay, rủi ro ngập đáng kể sẽ xảy ra đối với khoảng 40% diện tích của ĐBSCL. Đến năm 2050, 60 – 75% diện tích của một số tỉnh trong vùng có thể bị ngập lụt.

Lượng mưa thất thường và xâm nhập mặn đi sâu xuống các tầng nước ngầm cũng sẽ khiến việc cấp nước ngọt cho sinh hoạt trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị ảnh hưởng trước cường độ gia tăng của bão lũ, mực nước biển dâng trong dài hạn và ngập lụt diễn tiến nhanh từ ngoài sông và biển.

“Duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại ĐBSCL đòi hỏi phải có suy nghĩ lại về con đường phát triển trong tương lai của vùng đất này”, WB nhấn mạnh trong báo cáo “Huy động tài chính cho đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL: Các lựa chọn”.

Hiện nay, sự phát triển của khu vực này đang được điều phối một cách kém hiệu quả với nhiều chính sách ngành phân tán và thiếu thống nhất, ví dụ như trong nông nghiệp, biến đổi khí hậu, sử dụng đất, nước sạch, giao thông, đô thị hóa và các quyết định đầu tư tỏ ra kém hiệu quả và chưa tính hết được các chi phí, bao gồm cả những chi phí ngoại biên do các ảnh hưởng tiêu cực về môi trường.

WB cho rằng để bước tiếp, các chính sách và đầu tư cần phải được chuẩn bị tốt hơn trong việc ghi nhận và vận dụng tối ưu các điều kiện tự nhiên vốn làm nên vùng đất này để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực ngoài ý muốn và nắm bắt được các cơ hội do hoàn cảnh bên ngoài đem lại, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Tại ĐBSCL, các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thích ứng thông minh với khí hậu cần khuyến khích sử dụng nguồn lực tài chính công hiện có cho nhiều đầu tư thông minh với khí hậu hơn và huy động các nguồn tài chính bổ sung.

Nhu cầu tài chính có thể bao gồm cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các tiểu vùng của đồng bằng, cơ sở hạ tầng chống ngập, hạ tầng lưu trữ, giữ nước ngọt cũng như cơ sở hạ tầng xanh và cơ sở hạ tầng xám/cứng để bảo vệ chống sạt lở cho các vùng ven sông và ven biển, năng lượng tái tạo và kết nối giao thông.

WB khuyến nghị Chính phủ có thể xem xét triển khai một số công cụ đã được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia khác, trong một số trường hợp, như là thí điểm tại Việt Nam, để giải quyết mục tiêu về tài chính trong Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu ban hành ngày 17/11/2017.

Theo đó, Việt Nam có thể xem xét những công cụ sáng tạo để khuyến khích sử dụng nguồn lực tài chính hiện có cho các dự án đầu tư thích ứng hơn với khí hậu. Cụ thể như đầu tư cho khí hậu dựa trên kết quả, theo đó có thể trao thưởng cho những kết quả đầu ra cụ thể có tính thích ứng với khí hậu và các đầu tư mà giải ngân cũng dựa trên kết quả.

Phân bổ tài khóa có thể dựa trên sinh thái là những phân bổ tài khóa giữa các cấp từ trung ương xuống địa phương dựa trên kết quả, trong đó các chỉ số về sinh thái hoặc khí hậu được đưa vào trong cơ chế phân bổ.

Việt Nam cũng có thể sử dụng các công cụ định giá các-bon như thuế các-bon, có thể giúp nội hóa chi phí xã hội của khí thải nhà kính và tạo sân chơi bình đẳng giữa người gây ô nhiễm và người không gây ô nhiễm.

Các công cụ sáng tạo khác có thể giúp huy động thêm vốn bao gồm các công cụ chia sẻ rủi ro như bảo lãnh, trong đó vốn của Nhà nước và tư nhân được kết hợp thông qua một cơ chế chia sẻ rủi ro; ngân hàng xanh và tín dụng xanh, trong đó cung cấp vốn cho các dự án được coi là có đóng góp cho sự phát triển các-bon thấp và thích ứng với khí hậu; và trái phiếu xanh, là một loại trái phiếu để tài trợ hoặc tái cấp vốn riêng cho các dự án đủ điều kiện góp phần giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các công cụ tổng hợp có thể được sử dụng để huy động vốn tùy thuộc vào số vốn cần huy động và mục tiêu đầu tư cần đáp ứng, như quỹ đầu tư công tập trung vào phát triển bền vững hoặc khí hậu, và các quỹ đầu tư xanh chiến lược.

Mức độ khả thi của việc vận hành các công cụ này trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn không giống nhau và mỗi công cụ yêu cầu Chính phủ có những giải pháp khác nhau, WB cho hay.