Cao tốc đầu tiên khu vực Miền Nam áp dụng thu phí tự động ETC

Lam Giang - 10:51, 26/07/2022

TheLEADERViệc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng trên Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian qua trạm xuống 6-12 giây, tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6-7 lần, góp phần quan trọng giải toả tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm.

Cao tốc đầu tiên khu vực Miền Nam áp dụng thu phí tự động ETC
Trong những ngày đầu vận hành, các phương tiện lưu thông qua làn ETC trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đều thuận lợi, nhanh chóng.

Sau 45 ngày lắp đặt, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 26/7 đã chính thức vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng ETC, vượt tiến độ 5 ngày so với cam kết với Chính phủ và hợp đồng được ký kết giữa Tổng công ty phát triển cao tốc Việt nam (VEC) và Công ty CP Tasco (Tasco).

Đây là là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có chiều dài 55 km, lưu lượng trong 3 tháng gần đây đạt khoảng 55.000 lượt phương tiện/ngày, được ghi nhận là cao tốc có lưu lượng lớn nhất Việt Nam.

Hệ thống ETC cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có quy mô lắp đặt 25 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Long Phước, Quốc Lộ 51, Dầu Giây sử dụng công nghệ RFID được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.

Đây cũng là cao tốc khu vực phía Nam đầu tiên đưa ETC vào sử dụng. Tuy nhiên, những ngày đầu vận hành ETC tuyến TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, phát sinh hiện tượng ùn tắc cục bộ gây ra do như tỷ lệ dán thẻ ETC khu vực TP. Hồ Chí Minh và lân cận hiện nay rất thấp (ước tính dưới 60%), lỗi thẻ chưa nạp tiền, không đủ số dư qua trạm, phương tiện di chuyển nhầm làn. Để giải quyết thách thức này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị khai thác vận hành, nhà cung cấp dịch vụ trong công tác tuyên truyền vận động người dân về chủ trương chính sách của Nhà nước và lợi ích của ETC.

Cao tốc đầu tiên khu vực Miền Nam áp dụng thu phí tự động ETC
Công tác dán thẻ e-tag được VETC tổ chức quy củ, thuận tiện

Việc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian qua trạm, từ 36-72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6-12 giây (bằng phương pháp thu phí không dừng ETC), tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6-7 lần, góp phần quan trọng giải toả tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm.

Đại diện Tasco, ông Hồ Việt Hà, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết: “Tasco và VETC hi vọng việc đưa hệ thống ETC cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác sẽ góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước, giảm ùn ứ lưu thông qua trạm và mang lại sự thuận tiện, văn minh cho người dân và phương tiện lưu thông”.

Theo kế hoạch, Tasco và VETC tiếp tục triển khai lắp đặt ETC 2/4 tuyến còn lại, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 28/7/2022.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tasco) cũng vừa chính thức trở thành đối tác cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) của Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo đó, các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ đảm bảo sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức tự động không dừng trên toàn tuyến dự kiến từ 1/8/2022.

Cao tốc đầu tiên khu vực Miền Nam áp dụng thu phí tự động ETC 1
Sự kiện áp dụng ETC trên tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong mạng lưới giao thông Quốc gia

Kể từ khi được đưa vào vận hành cho đến nay, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với tổng lưu lượng xe lưu thông ghi nhận trên tuyến lên tới gần 800 ngàn lượt, trung bình khoảng 23 ngàn lượt xe/ngày đêm và được dự báo sẽ ngày càng tăng cao.

Do đó, nhu cầu sử dụng thu phí tự động không dừng là cấp thiết nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm thu phí. Đây cũng là lý do VETC đã có mặt tại các trạm trên tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận từ ngày 30/4/2022 triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ.

Kể từ 14h ngày 23/6/2022, các phương tiện lưu thông qua tuyến đã áp dụng đồng thời hình thức thử nghiệm thu phí tự động không dừng. Trong giai đoạn thử nghiệm, các xe đã dán thẻ, tài khoản đủ điều kiện thanh toán sẽ đi vào tất cả các làn thu phí, hệ thống ghi nhận và barier sẽ tự động mở cho xe đi qua, tài khoản của khách hàng sẽ không bị trừ tiền. Trong trường hợp thẻ gắn trên xe không giao tiếp với hệ thống tại trạm, nhân viên thu phí sẽ phát thẻ IC (IC card) để xe vào cao tốc.

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy các hiệu ứng rất tích cực: lưu lượng lưu thông qua làn ETC nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều với thời gian chỉ từ 5 giây/lượt.

Cao tốc đầu tiên khu vực Miền Nam áp dụng thu phí tự động ETC 2
Cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và đất nước nói chung.

Ông Nguyễn Danh Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết: “Hệ thống thu phí ETC do VETC triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID”.

Với việc chính thức áp dụng dịch vụ ETC tại cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tổng số làn thu phí không dừng kết nối với nhà cung cấp dịch vụ VETC sẽ lên tới 627 làn trên tổng số 806 làn thu phí không dừng trên cả nước (tính đến ngày 31/08/2022).  

Sử dụng hệ thống thu phí không dừng sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên gồm người dân, chủ đầu tư và xã hội. Sử dụng ETC sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển, nhiên liệu, tăng tuổi thọ của xe, lái xe thoải mái do không phải xếp hàng chờ đợi, thanh toán tiện lợi, nhanh chóng. 

Đối với chủ đầu tư, lợi ích dễ dàng nhận thấy là tài chính minh bạch, tránh thất thoát, tiết kiệm chi phí nhân sự, chi phí giấy in vé, góp phần bảo vệ môi trường. 

Đối với xã hội, đây là hình thức giúp xây dựng hệ thống dữ liệu giao thông quốc gia, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông. Từ đó, việc quản lý chi phí, hoạt động của phương tiện và các trạm BOT đối với Nhà nước cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.