Câu chuyện khởi nghiệp phi thường của những người đặc biệt

Phạm Sơn - 07:19, 16/10/2020

TheLEADERCó những người sinh ra với một cơ thể đặc biệt, vươn lên với một ý chí đặc biệt nhằm lan tỏa những giá trị tích cực, có ích cho xã hội và giúp đỡ những hoàn cảnh cũng đặc biệt như họ.

Câu chuyện khởi nghiệp phi thường của những người đặc biệt
4 tấm gương người khuyết tật chia sẻ câu chuyện tại Tọa đàm thuộc khuôn khổ Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.

“Vì chính mình cũng là một người đặc biệt”

Khi biết đến câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Thương, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh không thể ngồi, không thể đứng, nhiều người đặt ra câu hỏi, cố gắng tự nuôi sống bản thân mình đã là điều khó khăn rồi, vậy lấy đâu ra động lực để mở và điều hành cả một doanh nghiệp?

“Vì mình muốn tạo ra công việc cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt, bởi chính mình cũng là một người đặc biệt”, chị Thu Thương tự hào lý giải.

Với khung xương yếu ớt, chị Thương từ nhỏ đã không được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, bởi chỉ cần một va chạm nhỏ cũng sẽ khiến chị phải chịu đau đớn trong nhiều ngày, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Vì mình muốn tạo ra công việc cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt, bởi chính mình cũng là một người đặc biệt.
Nguyễn Thị Thu Thương, Nhà sáng lập Thương Thương Handmade.

Cô bé Thương cứ thế lớn lên trong vòng tay bao bọc của cha, mẹ và 3 người chị em ruột. Chị đòi mẹ dạy cho con chữ để biết đọc, biết viết, rồi tự học thêm qua những anh chị tình nguyện viên, qua sách báo, ti vi. Cuộc sống khó khăn, bất tiện nhưng suy nghĩ tự lập, tự nuôi sống bản thân mình lúc nào cũng đau đáu trong tâm trí của chị.

Vì vậy, chị Thương lựa chọn nghề thủ công, lưu niệm như một công việc phù hợp với điều kiện thể chất của mình. Dần dần, chị nhận ra có nhiều người có chung hoàn cảnh, đều đang từng ngày khao khát được vươn lên, được tự lập và hòa nhập trong cuộc sống.

Từ đó, chị Thương nỗ lực, cố gắng hơn gấp nhiều lần, bởi không chỉ để giúp bản thân mình, chị còn nuôi hy vọng tạo ra cơ hội cho những người có cùng cảnh ngộ. Cuối cùng, sau 10 năm phấn đấu, Thương Thương Handmade đã ra đời, với mục đích đào tạo, dạy nghề cho những người khuyết tật.

Tính đến nay, công ty đã tạo ra việc làm cho 16 người. “Dù yếu thế nhưng các bạn ấy không phụ thuộc vào gia đình, không phải xin tiền nuôi mình. Các bạn ấy luôn cố gắng từng ngày, từng giờ để làm ra những sản phẩm đẹp nhất”, nhà sáng lập Thương Thương Handmade kể về những nhân viên đặc biệt của mình với niềm tự hào lộ rõ trên gương mặt.

Thông qua tọa đàm thuộc khuôn khổ Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020, chị Thu Thương cũng gửi lời cảm ơn tới bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cùng các nữ doanh nhân đã hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Thương Thương Handmade với bạn bè quốc tế.

Sống là để tạo ra giá trị

Sở hữu 2 tấm bằng đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, tự thành lập doanh nghiệp và là chủ nhiệm của một câu lạc bộ thiện nguyện, nghe những lời chia sẻ của Nguyễn Thị Thu Hiền, ít ai nghĩ rằng chị là một người khuyết tật, từng bị từ chối cho nhập học lớp 1 do những trở ngại về thể chất.

Có lẽ bởi vì chính bản thân chị chưa bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống. “Mình không thích sự thương hại, mình thích được ghi nhận và công nhận”, Thu Hiền tự hào khẳng định.

Mình không quan trọng là chức vụ, địa vị mà chỉ muốn trở thành người có giá trị.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên và sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hoá

Nuôi dưỡng “khao khát làm giàu chính đáng” kể từ khi còn bé, bỏ qua bao lời can ngăn, khuyên bảo của gia đình, họ hàng và bạn bè, chị Hiền quyết định từ bỏ việc làm công ăn lương để tự xây dựng sự nghiệp riêng.

Dành dụm số tiền ít ỏi, cô gái chỉ cao có 88cm đặt những bước chân đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ, bắt đầu với một công ty sản xuất ghế đá, sau đó là câu lạc bộ billiard, công ty vận tải và kho bãi.

“Mình chỉ có một tư duy là phải khởi nghiệp, khởi nghiệp mới khiến mình được sống là chính mình, mới tự chịu trách nhiệm một cách cao nhất cho điều mình làm”, chị Hiền chia sẻ.

Câu chuyện khởi nghiệp phi thường của những người đặc biệt 2
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên và sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hoá.

Không chỉ tự kinh doanh, Thu Hiền còn tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện để chia sẻ cơ hội và truyền cảm hứng cho những bạn cùng cảnh ngộ.

Trách nhiệm điều hành doanh nghiệp cũng như các hoạt động thiện nguyện dường như là quá sức với cô gái cao chưa đầy 1m, nhưng lúc nào Thu Hiền cũng nở một nụ cười tươi rói và tràn đầy sức sống.

Theo chị Hiền, năng lượng tích cực luôn được chị nuôi dưỡng từng ngày, thông qua việc đầu tư làm giàu vốn tri thức, kỹ năng cá nhân, giữ gìn sức khỏe tâm, thân, trí và duy trì thói quen lành mạnh, có ích.

Thày giáo tí hon với trái tim đồng cảm

Cũng giống như chị Hiền, thày giáo Nguyễn Văn Hùng dù đã ngoài 30 nhưng vẫn giữ nguyên hình hài của một đứa trẻ. Tuy nhiên, anh vẫn lạc quan, "cảm thấy thật may mắn vì vẫn đi lại, nói năng được bình thường”.

Hùng chia sẻ, bản thân anh đã rất thích nghề dạy học từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng khi đó chưa từng nghĩ đến việc sẽ trở thành một thày giáo, bởi “đứng không tới bảng, viết không được thì dạy ai, dạy cái gì”.

Câu chuyện khởi nghiệp phi thường của những người đặc biệt 3
Thày giáo Nguyễn Văn Hùng kể lại cơ duyên đến với nghề giáo.

Lần đầu tiên chàng trai tí hon trở thành thày giáo là thuở sinh viên, được các chị hàng xóm tin tưởng giao cho trọng trách kèm cặp mấy đứa trẻ cấp 1, cấp 2 học toán.

“Mình có một lợi thế, là cơ thể nhỏ bé nên được học sinh coi như là bạn, tâm sự trò chuyện thoải mái, không có khoảng cách thày trò. Nhờ vậy, kiến thức được truyền đạt nhanh và dễ hiểu hơn”, anh Hùng kể lại quãng thời gian được giảng những bài giảng đầu tiên.

Hùng tìm đến Trung tâm Nghị lực sống như một cơ duyên trời định. Trở thành một thành viên của Trung tâm, anh được giao nhiều công việc khác nhau, từ bán vé máy bay, hành chính văn phòng, nhưng rồi cuối cùng lại quay trở về với nghề giáo, đảm nhận việc dạy tin học văn phòng cho các bạn trẻ khuyết tật.

Đến năm 2014, được chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống động viên, Hùng đi học thiết kế đồ họa rồi làm cho doanh nghiệp nước ngoài với mức thu nhập tương đối ổn định.

Nhưng rồi lại một lần nữa anh tìm về với Trung tâm Nghị lực sống, quyết tâm gắn bó với những mảnh đời có số phận giống như mình, vì một lời tâm sự của chị Thảo Vân: “Làm ở trung tâm lương không cao như bên ngoài nhưng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn”.

“Khi lên lớp mình được các bạn yêu quý, chắc vì mình cũng là người khuyết tật, cũng từ quê ra, xa gia đình, xa bố mẹ nên mình hiểu những nỗi lo, trăn trở, suy nghĩ của các bạn”, người thày tí hon chia sẻ.

Muốn làm được thì phải dám ước mơ

Câu chuyện khởi nghiệp phi thường của những người đặc biệt 4
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC).

Mắc căn bệnh xương thủy tinh ngay từ khi mới chào đời, Nguyễn Thị Lan Anh bị liệt nửa người, lại phải chịu nhiều bất tiện và đau đớn. Tuy nhiên, những khiếm khuyết về thể chất không thể nào cản trở hoài bão và ước mơ.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, lại là người khuyết tật, gia đình chị Lan Anh luôn hướng cô con gái kém may mắn lựa chọn những công việc an toàn, thu nhập ổn định để có thể tự lập trong cuộc sống.

Thế nhưng trong quá trình làm việc, chị nhận ra rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn cùng cảnh ngộ khi có một công việc. Nỗi trăn trở làm sao để giúp đỡ họ, đưa họ vươn lên trong cuộc sống bắt đầu nhen nhóm và cứ thế lớn dần, thôi thúc chị từ bỏ công việc hiện tại để thành lập Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC).

Ban đầu, Trung tâm hoạt động rất khó khăn bởi nhiều nhà tài trợ, dù rất cảm thông và thấu hiểu cho nỗi lòng của chị Lan Anh nhưng khó có thể đặt niềm tin rằng những người khuyết tật như chị và các cộng sự có thể thành công điều hành một tổ chức cộng đồng.

“Có những thời điểm, tài khoản ngân hàng chẳng còn đồng nào, két sắt thì có hơn 300 nghìn, mình lại nghĩ hay là từ bỏ, vì có rất nhiều đơn vị, tổ chức đang muốn mời mình về làm việc với mức lương hấp dẫn”, nhà sáng lập Viện ACDC hồi tưởng lại.

Thế nhưng cuối cùng chị và các cộng sự đã không chùn bước, mà nỗ lực hơn nữa, gấp 10, gấp 20 lần người bình thường để lèo lái ACDC từng bước phát triển, chỉ bằng khao khát được cống hiến và lan tỏa nhiều hơn.

Khởi nghiệp không dễ, muốn thành công thì phải có máu liều, dám mơ ước, dám dấn thân.
Chị Nguyễn Lan Anh, Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC).

Chị Lan Anh chia sẻ, trong những giây phút tuyệt vọng nhất, chính những đồng nghiệp đã truyền thêm năng lượng, giúp chị cảm nhận tình yêu và niềm hy vọng để tiếp tục vững bước và kiên trì với lý tưởng sống của mình.

Đến giờ, ACDC đã trở thành một tổ chức hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn có mạng lưới kết nối quốc tế, quản lý những nguồn vốn lên tới hàng triệu USD.

Kể về những thành công của Viện ACDC, gương mặt chị Lan Anh ánh lên vẻ rạng rỡ và hạnh phúc. Cuối cùng, vượt qua bao gian khó, cản trở, chị cũng đã thực hiện được ước mơ của mình, mở ra con đường giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam vươn lên hòa nhập với cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.