Các giải pháp phát triển bền vững cần được xem xét, đánh giá tất cả các yếu tố, từ tác động về môi trường, xã hội cho đến hiệu quả kinh tế, trước khi được triển khai.
Nhựa được điểm tên là một trong những “thủ phạm” hàng đầu gây ô nhiễm môi trường, bất chấp nhiều bằng chứng chỉ ra rằng nhựa rất thiết yếu với đời sống và sự ô nhiễm của rác thải nhựa xuất phát từ chính hành vi tiêu dùng, xả thải vô trách nhiệm.
Chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, đã lựa chọn cắt giảm nhựa dùng trong bao bì, sản phẩm như một phần của chiến lược bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG.
Tuy nhiên, những chai nhựa mỏng đi lại vô tình tạo ra gánh nặng cho người đồng nát, ve chai – lực lượng đặc biệt quan trọng trên con đường hướng tới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Giả sử một ngày chị đồng nát nhặt 10 cái chai nhựa là đủ để đổi lấy bữa cơm trưa, nay vì chai nhựa mỏng đi một nửa, chị đồng nát ấy phải nhặt 20 cái mới đủ, tức là phải “cúi xuống” 20 lần chứ không phải 10 lần như trước”, nhà tái chế có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với lực lượng đồng nát, ve chai, nói với TheLEADER về giải pháp “chai nhựa mỏng đi” của một số doanh nghiệp.
Nói cách khác, tuy được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề về môi trường nhưng những “chai nhựa mỏng đi” lại tiềm ẩn nguy cơ tạo ra gánh nặng không đáng có về xã hội. Những giải pháp, chiến dịch tương tự như vậy không phải hiếm gặp trên toàn thế giới.
Một ví dụ điển hình được nhiều học giả đưa ra là sự việc các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào năng lượng tái tạo và “bỏ quên” các phương thức sản xuất năng lượng truyền thống. Điều này giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh hơn nhưng cũng có thể gây ra rủi ro khiến giá năng lượng tăng cao, tác động trực tiếp tới người có thu nhập thấp.
Mặt khác, không tiếp cận được tài chính cũng khiến các cơ sở sản xuất điện than hoàn toàn bất lực trong việc triển khai những giải pháp về công nghệ để hạn chế phát thải – giải pháp cần thiết trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng chưa thể thành công trong “một sớm một chiều”.
Không có giải pháp toàn diện
Trao đổi với TheLEADER, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho biết, giải pháp làm mỏng chai nhựa vẫn có mặt lợi, đó là giảm bớt sử dụng nguyên vật liệu nguyên sinh, cũng như giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp về dài hạn, dù có thể chi phí cao hơn trong ngắn hạn do phải đầu tư đổi mới công nghệ.
Theo ông Quân, một giải pháp, chiến lược phát triển bền vững cần phải được xem xét toàn diện thông qua kỹ thuật đánh giá vòng đời sản phẩm, từ đó xác định tất cả các yếu tố, bao gồm tác động môi trường, tác động xã hội và lợi ích kinh tế. Đây chính là cơ sở để đánh giá xem giải pháp ấy có thực sự hữu ích và có đáng để triển khai hay không.
Trên thực tế, không có một giải pháp nào là toàn diện. Đơn cử như hiện nay, một số nhãn hàng chuyển sang sử dụng nhựa tái sinh, là giải pháp đáng được khuyến khích bởi sẽ giúp mở đường cho thị trường vật liệu tái chế phát triển, gián tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.
Tuy nhiên, nhựa tái sinh có giá cao hơn nhiều so với nhựa nguyên sinh. Nói cách khác, xét về khía cạnh kinh tế, giải pháp này vẫn chưa phải là bền vững đối với doanh nghiệp.
Cũng có những giải pháp ban đầu được khuyến khích áp dụng, tuy nhiên sau đó lại bộc lộ những điểm yếu, ví dụ dễ thấy nhất là việc sử dụng bao bì nhựa sinh học. Tưởng chừng “cứ phân hủy là tốt cho môi trường” nhưng những sản phẩm thay thế nhựa này tiêu tốn nhiều năng lượng, tạo ra nhiều khí thải nhà kính, chưa kể nếu bị thải bỏ không đúng chỗ vẫn gây ra nhiều hiểm họa cho hệ sinh thái.
Quay trở về với những chai nhựa được thiết kế cho mỏng lại, theo ông Quân, dù có thể ảnh hưởng đến những người đồng nát, ve chai nhưng về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm.
Mặt khác, giải pháp này nếu được ứng dụng rộng rãi hơn, rất có thể sẽ mở ra thêm một không gian mới cho các thiết kế chính sách hỗ trợ cũng như sự thay đổi về mô hình kinh doanh của các nhóm, các đơn vị thu gom rác thải phi chính thức, ví dụ như mở rộng phạm vi thu gom sang cả rác thải hữu cơ, rác thải giá trị thấp…
“Quá trình sản xuất, kinh doanh luôn luôn có sự biến đổi và ai cũng phải chuẩn bị cũng như sẵn sàng về tâm thế cho những sự biến đổi này”, chuyên gia kinh tế tuần hoàn khẳng định.
Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), khẳng định, kinh tế tuần hoàn không phải là trào lưu “sớm nở tối tàn” mà sẽ trở thành định hướng đầu tư bài bản của các doanh nghiệp lớn cũng như startup.
Các giải pháp về kinh tế tuần hoàn cần chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra tác động lan tỏa lên toàn bộ chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tập trung vào khâu thải bỏ, tái chế.
Ngành năng lượng chiếm đến khoảng một nửa giá trị các khoản vay xanh, trong khi nhiều lĩnh vực tiềm năng liên quan đến kinh tế tuần hoàn như xử lý nước thải, quản lý chất thải… chỉ chiếm chưa đến 10%.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra những giá trị mà kinh tế tuần hoàn đem lại cũng như trách nhiệm cần phải ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa kinh tế tuần hoàn vào hoạt động vận hành cũng như chiến lược phát triển của mình.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.