Chân dung giám đốc tài chính trong kỷ nguyên số

Kim Yến - 08:05, 19/11/2018

TheLEADERKỹ thuật số, robot, phân tích tự động hóa sẽ giúp chúng ta thấu hiểu dữ liệu một cách sâu sắc hơn. Al và Blockchain hoàn toàn có thể thay thế vai trò của CFO trong doanh nghiệp.

Chân dung giám đốc tài chính trong kỷ nguyên số
Các diễn giả chia sẻ về vai trò của CFO trong bối cảnh công nghệ 4.0 tại hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 tại TP. HCM

Phác họa chân dung CFO kỷ nguyên số, trong sự kiện CFO quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại TP. HCM, ông Gabriele Fontanesi, Giám đốc Morri Rossetti lại có góc nhìn khác: “Trước đây, chúng ta đối mặt với việc phải dùng 80% thông tin nội bộ tại công ty và 20% thông tin bên ngoài. Máy móc chỉ làm 30% công việc, 70% công việc do bộ não của con người giải quyết. 

Nhưng bây giờ tính hiệu quả của doanh nghiệp tăng tốc gấp nhiều lần nhờ máy móc biết phân tích liên tục việc gì đang xảy ra, giúp cho CFO ra quyết định và xử lý thông số mỗi ngày. Tôi nghĩ điều cần làm là phải thay đổi cách nhìn công việc kinh doanh của mình, ngành nghề, vai trò của mình, trở thành đối tác với các cổ đông và công ty khác.

Chúng ta từng phải rót vào khoảng 20 tỷ USD để trang bị máy móc văn phòng, rồi đầu tư phân tích người tiêu dùng cần gì? Phân tích xem nên mua gì, bán gì? Nên giữ nhân viên làm tại chỗ hay thuê ngoài? 

Giờ thì bất kỳ ngành nghề, vị trí nào trong công ty đều có thể tìm sự thay thế trên toàn thế giới. Vai trò lãnh đạo mà CFO từng có thì trong tương lai sẽ là nỗ lực chung của mạng lưới nhiều người khác nhau, vì dữ liệu Big data ngày càng khổng lồ, không có cá nhân nào có thể làm riêng lẻ. Tôi tin chúng ta phải đầu tư vào giáo dục để thay đổi kỹ năng của nhân viên trong công ty, đó là đầu tư cho tương lai”.

Bà Trúc Nguyễn, Giám đốc tài chính HSBC Việt Nam cho biết thêm: “Sự phát triển công nghệ số đang cho chúng ta góc nhìn khác về kinh doanh, làm thay đổi về con người, về tư duy. Công nghệ không bắt chúng ta làm những việc máy làm được, hãy dành thời gian nhiều hơn gặp gỡ khách hàng để hiểu họ, bàn về chiến lược và cách thức triển khai chiến lược. Với công nghệ hôm nay, chỉ cần bấm nút là có ngay được số liệu, mình có thể đi ra ngoài, đóng góp nhiều hơn. Nói tóm lại, công nghệ phải giúp cho sự tốt đẹp của con người”.

Ông Naohisa Fukutani, Giám đốc PwC Nhật Bản lại đưa ra một khác biệt lớn nhất trong các công ty Nhật: “Tôi làm cố vấn tài chính, gặp nhiều CFO mỗi ngày, họ vẫn giữ phong cách làm việc cũ. Trong 100 doanh nghiệp được hỏi, hơn 50% tin vào sức mạnh công nghệ nhưng chỉ có khoảng 15% thực sự ứng dụng công nghệ mới mà thôi, trên thực tiễn họ vẫn làm theo kiểu cũ. 

Nếu so sánh CFO Nhật Bản với các nước khác, họ rất lo về an ninh mạng, vì phần lớn công ty Nhật có tài sản sở hữu trí tuệ rất lớn nên họ tập trung vào việc làm sao bảo vệ công việc kinh doanh và sở hữu trí tuệ của mình. Điều này có thể là sự khác biệt giữa các nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế đã phát triển như Nhật Bản, dẫn đến góc nhìn và mối quan tâm của CEO và CFO về công nghệ cũng tùy thị trường khác nhau”.

Làm thế nào để bắt sóng và vượt trên ngọn sóng công nghệ?

Các CFO liệu có quá vất vả khi phải nắm bắt nhiều thứ như vậy, họ nên xây dựng các lộ trình phát triển, ứng phó công nghệ khác nhau như thế nào?

“Tôi tin không phải công nghệ làm thay đổi doanh nghiệp mà là mô hình doanh nghiệp sẽ thay đổi theo công nghệ, như Grab thay đổi mô hình của ngành taxi. Từng làm CFO cho tập đoàn viễn thông có doanh thu 1 triệu USD là dịch vụ nhắn tin, chỉ vài năm sau biến mất khỏi thị trường, tôi thấy mô hình kinh doanh cần thay đổi thế nào mới là quan trọng, đó là trách nhiệm mà CFO phải đặt ra với các CEO, chứ không phải là để ký giấy tờ, làm hành chính mỗi ngày”, Giám đốc PwC Nhật Bản Naohisa Fukutani nói.

Trước mối lo ngại của 47% giám đốc tài chính (CFO) khi cho rằng làn sóng 4.0 sẽ phá vỡ, gián đoạn cả sự nghiệp, cuộc sống, cảm xúc… của CFO, TS. Conchita Manabat, Chủ tịch Hội đồng cố vấn IAFEI cho rằng: “Sự phá vỡ và gián đoạn đang trở thành từ rất hot hiện nay, nhưng hãy quay lại từ khóa bản chất, đó là sự thay đổi. Điều tôi đã trải qua là công nghệ cùng lúc giúp chúng ta có thể làm nhiều việc hơn, khiến làm việc chăm chỉ hơn. Quá trình thay đổi sẽ tạo ra sự dịch chuyển, tạo ra những công việc mới, cơ hội mới, thay đổi chức năng vai trò của CFO, hoàn toàn có thể thuê ngoài. Cái không thay đổi duy nhất là chính con người phải đưa ra quyết định của mình”.

Theo ông Gabriele Fontanesi, công nghệ không phá hoại kinh doanh mà làm cho kinh doanh trở nên hiệu quả hơn, nhưng nhiều ngành nghề sẽ mất việc trong tương lai trước làn sóng robot mới có tên tuổi, có bộ óc như con người, hoặc làn sóng robot ảo, tạo ra khoảng cách giữa những gì đã làm và tương lai. 

“Rất nhiều người mất việc, không chỉ CFO mà nhiều nghề khác trải qua thay thế và gián đoạn này khi công nghệ phát triển. Nếu chúng ta sợ thay đổi, sẽ không bắt kịp cơ hội, hoặc chuyển đổi sang công việc khác. Đó là bài toán hai bên cùng có lợi chứ không có sự mất mát nào ở đây cả, đó cũng là lý do chúng ta phải làm việc đội nhóm, để tư vấn cho khách hàng, đóng góp và trao giá trị cho phần còn lại của doanh nghiệp. 

Chúng ta đang sống trong kinh tế toàn cầu với mức độ tăng trưởng khác nhau, quan trọng là không tách biệt mình khỏi thế giới được, phải luôn cập nhật phần còn lại thế giới đang làm gì? Phải luôn tham vọng, nhìn vào top 10 công ty lớn nhất thế giới trước đây là ngân hàng và tài chính, giờ 90% là công nghệ, sáng tạo, vì cuối cùng công nghệ là con đường vừa nhanh, vừa bền vững”, ông Gabriele Fontanesi chia sẻ.

Từ góc nhìn CFO, làm thế nào để bắt sóng và vượt trên ngọn sóng công nghệ, làm cho lợi nhuận tăng lên?

Ông Joseph Alfed - Giám đốc Chính sách và chuyên môn ACCA Singapore cho rằng: “Kỹ thuật số, robot, phân tích tự động hóa sẽ giúp chúng ta thấu hiểu dữ liệu một cách sâu sắc hơn. Al và Blockchain hoàn toàn có thể thay thế vai trò CFO, vấn đề là bao giờ thôi”. 

Tuy nhiên ông Gabriele Fontanesi lại khẳng định: “Công nghệ chỉ cho ta xử lý dữ liệu khổng lồ bằng con mắt của con người, bằng những đôi mắt tươi mới, không nhìn theo lối mòn cũ, phải sáng tạo chính là chiến lược trong tương lai. Người máy không thể thay thế con người”.

Trước câu hỏi của một doanh nhân “Việt Nam liệu có quá tham vọng khi nghĩ mình bắt kịp tương lai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không?” TS. Conchita Manabat có cái nhìn tích cực: “Nếu tôi là người Việt, tin vào tầm nhìn Chính phủ, tôi sẽ ủng hộ tầm nhìn đó và nỗ lực hết mình để đóng góp cho đất nước đạt được điều đó. Còn cho rằng quá tham vọng sẽ có cái nhìn tiêu cực, tất nhiên nó mang tính chính trị nhưng nếu là công dân Việt Nam, tôi sẽ ủng hộ”.

Giám đốc tài chính HSBC Việt Nam Trúc Nguyễn truyền lửa thêm cho các CFO: “Công nghệ chính là cách giúp doanh nghiệp tăng trưởng bùng nổ theo cấp số nhân. Cách nghệ 4.0 sẽ giúp chúng ta thay đổi tư duy để chọn đi cùng con đường mới, phá vỡ và gián đoạn không bao giờ cản bước sự phát triển kinh tế”.