Chiến lược cạnh tranh của Cốc Cốc

Quỳnh Chi - 07:58, 29/12/2022

TheLEADERMột trong những chiến lược cốt lõi tại Cốc Cốc là đặt trọng tâm phát triển tại thị trường Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế địa phương và thấu hiểu tâm lý người dùng trong nước.

Chiến lược cạnh tranh của Cốc Cốc
Ông Nguyễn Vũ Anh, CEO Cốc Cốc

Quản trị linh hoạt

Kể từ lần đầu ra mắt vào năm 2013 tính đến hết tháng 9/2022, Cốc Cốc đã phát triển mạnh mẽ và đạt tới hơn 28 triệu người dùng. 

CEO Cốc Cốc Nguyễn Vũ Anh cho biết: “Vượt qua nhiều khó khăn, Cốc Cốc đã trở thành một công ty khá bền vững về mặt tài chính, năm nào cũng có lợi nhuận. Chúng tôi giờ đây không lo sống hay chết nữa mà chỉ tập trung phát triển sản phẩm tốt và thu hút người dùng”. 

Đánh giá về chiến lược phát triển của Cốc Cốc, bà Trương Lý Hoàng Phi nhận định trong TheNext Power: “Chúng ta không thể cạnh tranh về mặt tài chính so với những ‘gã khổng lồ công nghệ’, nhưng có thể cạnh tranh bởi tính thích hợp, nhanh, nghĩa là đội ngũ sẽ phải đủ mạnh, đủ khát khao để chiến thắng trên thị trường này”.

Ông Vũ Anh cho biết, đội ngũ kỹ sư Việt Nam có rất nhiều người tài năng, nhiều nhân sự nổi tiếng với các giải thưởng liên quan đến toán, lập trình. Cốc Cốc cũng xây dựng một bài kiểm tra đầu vào rất khó để tuyển được những người thực sự giỏi. Nhiều người lựa chọn làm việc cho công ty công nghệ lớn, nhưng cũng không ít trong số đó tham gia vào đội ngũ phát triển Cốc Cốc.

Một trong những yếu tố thu hút nhân tài và khơi phóng sự sáng tạo của nhân sự tại Cốc Cốc là cơ cấu tổ chức linh hoạt, nơi tất cả nhân viên ở mọi vai trò đều có cơ hội đóng góp ý kiến. 

Với đại diện Cốc Cốc, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu công cụ tìm kiếm nội địa đủ sức cạnh tranh với Google.

“Cốc Cốc có vài chục người trực tiếp đối mặt với thách thức rất lớn là xây dựng công cụ tìm kiếm cạnh tranh với Google. Tuy nhiên, họ có thể tham gia đóng góp ở bất kỳ lĩnh vực nào trong công cụ tìm kiếm, chứ không phải một phần rất nhỏ, từ đó mỗi nhân sự đều nhìn thấy được tầm ảnh hưởng của chính mình, những gì họ làm có thể tác động đến hàng chục triệu người dùng”, vị lãnh đạo chia sẻ khi nói về chiến lược quản trị nhân sự.

Nhờ lợi thế am hiểu người dùng Việt và tinh thần "việc gì cũng có thể làm được", "ai cũng có thể đóng góp", Cốc Cốc xây dựng tâm lý tự tin trong chiến lược phát triển. “Cốc Cốc là ‘trình duyệt phù hợp nhất cho người Việt’, tôi hy vọng mọi người có cái nhìn cởi mở để trải nghiệm và tin tưởng một sản phẩm Việt Nam và dành riêng cho người Việt”, ông Vũ Anh nhấn mạnh. 

Chiến lược cạnh tranh của Cốc Cốc
Cốc Cốc xây dựng cơ cấu tổ chức linh hoạt, nơi tất cả nhân viên ở mọi vai trò đều có cơ hội đóng góp ý kiến.

Thấu hiểu người dùng Việt

Không coi sự cạnh tranh là yếu tố bất lợi, người đứng đầu Cốc Cốc cho rằng, cạnh tranh là tốt vì cuối cùng người dùng sẽ có sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Một trong những chiến lược cốt lõi tại Cốc Cốc là đặt trọng tâm phát triển tại thị trường Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế địa phương và thấu hiểu tâm lý người dùng trong nước. Với dân số hơn 100 triệu người, tỷ lệ sử dụng internet cao, Việt Nam vừa là sân nhà, vừa là thị trường đầy tiềm năng để Cốc Cốc tiếp tục khai thác.

“Điểm mạnh của Cốc Cốc là gần người dùng Việt, có cơ hội làm tốt hơn so với các đối thủ toàn cầu. Chúng tôi tập trung nắm bắt được nhu cầu của người dùng, hiểu sâu hơn để làm sản phẩm phù hợp. Chỉ có như vậy mới thành công được”, vị CEO nhận định.

Cốc Cốc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 50 triệu người dùng, tương đương với 50% dân số Việt Nam. Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng Cốc Cốc vẫn có con đường riêng để phát triển sản phẩm của mình.

Tên gọi “Cốc Cốc” có ý nghĩa như tiếng gõ cửa nhưng ý nghĩa đằng sau không phải là muốn gõ cửa từng nhà và làm khách ở nhà họ. Cốc Cốc sẽ là công cụ, một cánh cửa đến thế giới số. Mục tiêu của Cốc Cốc là cung cấp cho người dùng những công cụ để họ có thể khai thác thế giới số một cách tốt nhất. Đặc biệt là người dùng Việt Nam. Cốc Cốc chỉ dành cho người Việt Nam.

Khi mới bắt đầu, Cốc Cốc chọn làm trình duyệt và công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt. Điều này là hơi “điên rồ” nhưng họ dám làm và đã làm được thật. Hiện tại, mục tiêu của Cốc Cốc là làm tốt hơn những lựa chọn đang có.

Hướng tới xây dựng một hệ sinh thái, Cốc Cốc đang từng bước cá nhân hóa trải nghiệm cho người dùng, mang tới những thông tin mà họ thực sự cần và quan tâm. Cụ thể, nhờ ứng dụng những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Cốc Cốc thấu hiểu nhu cầu thông tin của mỗi cá nhân, từ đó phát triển sản phẩm giúp giới thiệu nội dung liên quan.

Cốc Cốc đặt lợi ích và trải nghiệm duyệt web của người dùng lên đầu, sẵn sàng tích hợp các tính năng mà các ông lớn công nghệ khác không làm để phục vụ người dùng Việt.

“Về tính năng, họ không muốn chặn quảng cáo, và download (tải xuống) vì họ có cả một hệ sinh thái kiếm tiền bằng quảng cáo... Tính năng download từ Youtube, mặc dù không ai cấm, nhưng cũng không có nhiều ông lớn tích hợp tính năng này vào trình duyệt của mình. Thế mạnh của Cốc Cốc là đóng gói tất cả trong một sản phẩm trình duyệt và hoàn toàn miễn phí. Như vậy thì tiện lợi hơn nhiều cho người dùng”, đại diện Cốc Cốc nhấn mạnh.

Để thực hiện đổi mới sản phẩm một cách hiệu quả và nhanh chóng, Cốc Cốc luôn sẵn sàng thử nghiệm, nghiên cứu, từ đó chọn những gì phù hợp để cung cấp cho người dùng Việt Nam. “Trải nghiệm rất nhanh và áp dụng chọn lọc” là yếu tố được ông Vũ Anh nhấn mạnh khi nói về đổi mới sản phẩm.

“Chúng tôi có một nhóm riêng chuyên nghiên cứu khách hàng. Mỗi khi phát triển một tính năng mới, nhóm sẽ xem xét khả năng phù hợp hay trước khi áp dụng diện rộng. Quý 4 năm nay, Cốc Cốc sẽ ra mắt một tính năng về Web3, bao gồm một ví tiền điện tử để hỗ trợ người dùng giữ tài sản số”, vị CEO cho biết.