Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Nhật Hạ - 08:15, 10/09/2021

TheLEADERChính phủ đồng ý bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine như người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ tự xét nghiệm Covid-19 và được công nhận kết quả là một trong những điểm mới của Nghị quyết 105 vừa ban hành.

Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Người lao động của doanh nghiệp chế biến thủy hải sản là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 với nhiều điểm mới.

Một trong số đó là văn bản hướng dẫn về việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm sẽ được Bộ Y tế ban hành trong tháng 9.

Để người lao động sớm tham gia lưu thông vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế sẽ phải hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với với những đối tượng này.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ cũng đồng ý bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển; người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương; người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.

Đồng thời, tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác.

Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine, Bộ Y tế được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Địa phương được chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trở lại.

Các địa phương cũng phải phối hợp với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn và phù hợp với điều kiện. Đồng thời không tạo ra các loại ‘giấy phép con’, các điều kiện cản trở lưu thông, tránh tăng chi phí của doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và truyền thông được giao đẩy mạnh kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, xã; ban hành Sổ tay điện từ hướng dẫn ứng phó với Covid-19; xây dựng và ra mắt trong tháng 9/2021 cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch.

Thay vì quá nhiều ứng dụng như hiện nay, trong tháng 9, Bộ Thông tin và truyền thông cần hoàn thành việc xây dựng nền tảng công nghệ số tích hợp các hoạt động gồm tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh... Điều này nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ dân.

Để tránh hàng hoá bị tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông và vận tải hướng dẫn các địa phương thống nhất ‘luồng xanh’ vận tải với nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục; khia thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép, đặc biệt với hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Mặt khác, cơ quan này cần xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn đang bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, đồng thời yêu cầu niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển sang sản xuất và phân phối các sản phẩm nông sản theo phương thức đặt hàng tương lai để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua việc tổng hợp, dự báo sản lượng, chất lượng hàng hóa và liên kết chào bán.

Để tránh ách tắc khi thông quan, Tổng cục Hải quan sẽ cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số với các chứng từ phải nộp bản giấy dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực. Các giấy tờ này sẽ được nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

Bên cạnh đó, các cục, chi cục hải quan địa phương bố trí đủ nguồn lực để kịp thời thông quan cho doanh nghiệp sản xuất, gia công linh kiện thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ cao; đối tượng nhập khẩu hàng thiết yếu cho công tác phòng, chữa bệnh, thực phẩm dinh dưỡng y tế và sữa cho trẻ em.

Ngân hàng Nhà nước đôn đốc các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các giải pháp theo đó tập trung vào miễn, giảm, giãn đóng bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn (trong năm 2021-2022); hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từ kết dư bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn; giảm giá điện, giãn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng, giảm lãi phí với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng...

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 va giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước... sẽ được Chính phủ xem xét.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sớm cho phép doanh nghiệp, dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia sang Việt Nam làm việc, các địa phương được Chính phủ yêu cầu linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn xác nhận giấy phép, phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch.