Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021

Tùng Anh - 08:00, 01/05/2021

TheLEADERCác quy định mới liên quan đến doanh nghiệp, bảo hiểm dành cho người lao động và lĩnh vực giáo dục... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2021.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021
Nhiều chính sách mới liên quan đến người lao động có hiệu lực từ tháng 5/2021

Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013 sẽ được hưởng hỗ trợ theo các mức độ khác nhau thay vì mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng, không phân chia cụ thể theo thời gian đào tạo như quy định hiện hành.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến ba tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Lưu ý, trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tào nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống được tính là 0,5 tháng; từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.

Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc trong khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa

Theo Nghị định 22/2021/NĐ-CP, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc trong khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa,... Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/5/2021 và thay thế Nghị định 44/2009/NĐ-CP.

Cụ thể, đối với quân số thuộc biên chế của đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về đất ở để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại địa bàn khu kinh tế - quốc phòng; được đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng khu kinh tế - quốc phòng được các hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.

Người lao động, công nhân làm việc trong khu kinh tế - quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá

Nghị định 12/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Theo đó, bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá 2012.

Thứ hai, có ít nhất 3 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá.

Thứ  ba, không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 1 năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại giấy chứng nhận này.

99 biểu mẫu mới trong đăng ký doanh nghiệp

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/5/2021.

Trong đó, ban hành kèm theo 99 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, đơn cử như: thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (phụ lục II-1); thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (phụ lục II-2); thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (phụ lục II-7); giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (phụ lục II-24); giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (phụ lục III-1)...

 Quy định về chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử

Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế có hiệu lực từ ngày 3/5/2021.

Theo đó, chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử gồm hồ sơ thuế điện tử, chứng từ nộp ngân sách nhà nước điện tử và các thông báo, quyết định, văn bản khác của cơ quan thuế dưới dạng điện tử.

Hồ sơ thuế điện tử gồm: hồ sơ đăng ký thuế; hồ sơ khai thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa. 

Hồ sơ này cũng phải có hồ sơ hoàn thuế; hồ sơ miễn giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; hồ sơ khoanh tiền thuế nợ; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế;…

- Chứng từ nộp ngân sách nhà nước điện tử gồm chứng từ nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP dưới dạng điện tử,...

Các chứng từ điện tử phải được ký điện tử theo quy định, trường hợp hồ sơ thuế điện tử có các tài liệu kèm theo ở dạng chứng từ giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử theo quy định.

Ngân hàng miễn, giảm lãi vay do ảnh hưởng của Covid-19

Tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng, mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ 23/01/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận theo doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như: phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021…

Trách nhiệm, quyền hạn của giáo viên khi thực hiện dân chủ trong hoạt động giáo dục

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021 1
Nghị định 24/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập

Nghị định 24/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Nghị định này có quy định trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục. 

Một là tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Hai là tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Ba là tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Lần đầu có quy định về tổ chức giảng dạy trực tuyến

Nguyên tắc dạy học trực tuyến được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5/2021.

Theo đó, nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến. Đồng  thời, cần tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên

Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với cử nhân chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên các cấp có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.

Đối với cấp tiểu học, theo Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT, người có bằng cử nhân chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học.

Khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, trong đó, phần bắt buộc có 31 tín chỉ và phần tự chọn có bốn tín chỉ.

Đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, theo Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp trung  học cơ sở, trung học phổ thông có nguyện vọng trở thành giáo viên được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thời lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Khổi học phần chung có 17 tín chỉ và khối học phần nhánh có 17 tín chỉ nhánh trung học cơ sở, 17 tín chỉ nhánh trung học phổ thông.