Chống suy thoái kinh tế cấp bách như chống dịch

Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land - 15:13, 04/04/2020

TheLEADERCần có đánh giá đầy đủ mức độ tác động của dịch bệnh đến các lĩnh vực kinh tế, từ đó có các giải pháp đủ mạnh để vực dậy nguồn lực cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau dịch bệnh.

Dịch bệnh Covid-19 đã lan ra hơn 200 nước trên thế giới một cách không lường trước được, gây ra sự xáo trộn chưa từng có cho tình hình kinh tế và an sinh xã hội của các nước.

Biên giới các nước đóng cửa, cả xã hội áp dụng biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh lây lan và đi kèm theo đó là tác động trực diện vào nền kinh tế khiến các nước hùng mạnh cũng phải lao đao. 

Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng, các ngành nghề kinh tế gần như đóng băng, thị trường chứng khoán lao dốc, khiến mọi người liên tưởng đến suy thoái kinh tế của năm 2008.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008 xảy ro từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính các nước do bong bóng bất động sản, kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế, sự lao dốc của thị trường chứng khoán mà hệ lụy của nó còn tiếp tục kéo dài nhiều năm sau đó.

Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lần này được đánh giá là nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đây bởi ba yếu tố chính.

Thứ nhất, thời gian diễn ra quá nhanh, không được dự báo, không lường trước được nên không có trong kịch bản ứng phó năm 2020.

Thứ hai, xuất phát điểm là đại dịch bệnh đe dọa tính mạng con người nên nguồn lực các nước phải đổ ra ưu tiên chống dịch trước.

Thứ ba, suy thoái kinh tế diễn ra như một điều tất yếu không thể tránh khỏi trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, số lượng người thất nghiệp tăng nhanh, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc kỷ lục, giá dầu giảm mạnh...

Khủng hoảng lần này diễn ra theo chiều thẳng đứng, cảm giác mọi thứ tự nhiên đóng băng, ngừng hoạt động không kịp trở tay.

Và như vậy, các nước phải nỗ lực gấp đôi, chi phí, nguồn lực cũng huy động tối đa cho cả hai mặt trận chống dịch bệnh và chống suy thoái kinh tế mà tác động của nó sẽ phải rất lâu sau mới có thể hồi phục được.

Chống suy thoái kinh tế cấp bách như chống dịch
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Đại Phúc

Việt Nam hiện nay đang được đánh giá tốt về công tác phòng chống dịch so với các tâm điểm dịch khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu... Tuy nhiên, chúng ta đang phản ứng chậm với mặt trận thứ hai là chống suy thoái kinh tế.

Các gói hỗ trợ lãi suất, giãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa được chính phủ dự kiến ban hành trong tình huống doanh nghiệp đang dần kiệt sức cần phải trợ lực.

Cần phải có đánh giá mức độ tác động đến các lĩnh vực kinh tế một cách đầy đủ (kiểu bắt bệnh), từ đó có các giải pháp đủ mạnh để vực dậy nguồn lực cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau dịch bệnh.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh tế đầu tàu liên đới với rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn do khủng hoảng pháp lý kéo dài dẫn đến lệch pha cung-cầu rất lớn, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao, thời gian triển khai dự án kéo dài gây lãng phí nguồn lực và đẩy giá thành tăng cao.

Dịch bệnh khiến thị trường bất động sản một lần nữa rơi vào khó khăn chồng chất. Quý 1/2020, mức giao dịch của toàn thị trường chưa đến 20% so với mục tiêu kỳ vọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Các doanh nghiệp nhỏ không đủ nguồn lực lần lượt rời bỏ thị trường, con số này chiếm trên 50%. Số doanh nghiệp còn lại cố gắng cầm cự chờ thị trường khôi phục trở lại.

Đầu tư bất động sản mang tính dài hạn và nguồn lực đầu tư rất lớn, chỉ cần ách tắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và sự sống còn của doanh nghiệp.

Các chủ đầu tư lớn hiện nay buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình theo diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, yếu tố dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi sẽ qua đi, các doanh nghiệp buộc phải vào cuộc chuẩn bị cho cuộc đua chạy nước rút vào các quý cuối năm để bù lại những quý đầu năm.

Vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khai thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường bất động sản sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề.

Cần một thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và một kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý 2 hoặc quý 3 năm nay, giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế cũng như trên mặt trận chống dịch vậy.

Có như thế, chúng ta mới có hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế sau đại dịch của chính phủ.