Tài chính
Chủ tịch FiinRatings: Năm 2025 sẽ khởi động chu kỳ mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, thị trường trái phiếu đang trong một năm bản lề, nơi những thứ xấu nhất đã diễn ra, được khoanh vùng lại và chuẩn bị một chu kỳ tăng trưởng mới.
Những gì xấu nhất đã được “khoanh vùng"
Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp
ghi nhận sự phục hồi ấn tượng về giá trị phát hành so với năm 2023. Nếu để hình
dung thị trường một cách ngắn gọn, ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Theo tôi, một cách ngắn gọn, có thể
hình dung thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 phục hồi về lượng nhưng
vẫn yếu về chất.
Thực tế là thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 đã có sự tăng trưởng ấn tượng về con số, với giá trị phát hành đạt xấp xỉ nửa triệu tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với hai năm có thể nói là rất khó khăn của thị trường này giai đoạn 2022 – 2023, khi thị trường đối mặt nhiều vấn đề như nhưng vụ vi phạm pháp luật, hoạt động phát hành rất kém sôi động…
Đà phục hồi là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào cơ cấu và chiều sâu, có thể thấy chất lượng trái phiếu phát hành năm qua vẫn còn yếu.
Sự tăng trưởng chủ yếu đến từ quy mô, thay vì phản ánh sự cải thiện căn bản về huy động vốn của lĩnh vực phi tài chính, chất lượng hàng hóa và sự minh bạch của thị trường.
Trong khi tổng lượng phát hành tăng mặc dù thanh
khoản thị trường thứ cấp đã cải thiện đáng kể, chức năng huy động vốn của doanh
nghiệp phi ngân hàng lại rất hạn chế, ở cả hai kênh chào bán riêng lẻ và
chào bán rộng rãi ra công chúng.
Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào cơ cấu
phát hành trong năm qua. Trái phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong năm
qua, với hơn 67%. Ở chiều ngược lại, chỉ có hơn 30% là trái phiếu doanh nghiệp
sản xuất kinh doanh trực tiếp có hoạt động phát hành.
Nói cách khác, thị trường trái phiếu vẫn cần
phải được cải thiện về “chất”. Chúng ta có thanh khoản được cải thiện, nhưng
khía cạnh huy động vốn quả thực là còn yếu và đang là điểm nghẽn chính.
Thị trường trái phiếu năm 2024 cải thiện về lượng nhưng vẫn còn yếu về chất
Vậy theo ông, thị trường trái phiếu doanh
nghiệp đã đi “qua đáy” chưa?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Việc thị trường đã qua đáy hay chưa phụ
thuộc vào góc nhìn trên lăng kính nào. Nếu xét trong một chu kỳ dài, việc thị
trường đã đi qua các giai đoạn khủng hoảng, suy giảm, và phục hồi, thì có thể
nói chúng ta đã đi qua đáy.
Sự phục hồi mạnh mẽ cho thấy một phần động
lực tích cực. Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường cũng đã từng buóc được cải
thiện tốt hơn trước.
Song, rủi ro vẫn còn đó, đặc biệt là vấn đề nợ xấu trái phiếu, bất chấp việc đã được tái cơ cấu hoặc giãn hoãn và ngoài ra đó là vấn đề áp lực đáo hạn. Nếu xét trên khía cạnh này, thị trường vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Rủi ro về chất lượng trái phiếu và năng lực tổ
chức phát hành cũng đã giảm, nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Ở khía cạnh tích cực, tôi cho rằng, rủi ro về nợ xấu trái phiếu của thị trường từ giai đoạn trước đã được "đóng gói" lại và xử lý dần dần.
Mặc dù ở quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng điều này
chúng ta có thể hiểu tương tự như cách chúng ta xử lý nợ xấu ngành ngân hàng
trước đây.
Đó cũng là lý do tôi tin tưởng chúng ta đang
ở giai đoạn bản lề, nơi những thứ xấu nhất đã diễn ra, được khoanh vùng lại và
chuẩn bị một chu kỳ tăng trưởng mới.
Tôi tin rằng những thứ xấu nhất trên thị trường trái phiếu đã diễn ra, được khoanh vùng lại và chuẩn bị một chu kỳ tăng trưởng mới.
Câu chuyện áp lực đáo hạn trái phiếu thường
xuyên được nhắc tới trong những năm qua. Mặc dù vậy, có thể nói thị trường trái
phiếu đã trải qua một năm 2024 “khá yên bình” khi các lô trái phiếu đến hạn đều
được tất toán hoặc gia hạn mà không gặp trục trặc.
Ông đánh giá thế nào về câu chuyện này? Theo
ông, đáo hạn trái phiếu có phải vấn đề của thị trường trong thời gian tới nữa
không?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Đúng là trong năm qua, thị trường trái
phiếu khá yên bình so với năm ngoái, đặc biệt là câu chuyện gia hạn và đáo hạn
trái phiếu bất động sản. Sự ổn định này là một tín hiệu tích cực và đến từ ba
lý do chính.
Đầu tiên là khả năng chủ động của doanh nghiệp. Sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu hoặc tái cấu trúc tài chính để trả nợ, thể hiện khả năng tài chính tích cực hơn và sự chủ động trong quản lý rủi ro.
Điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã nhận được bài học từ giai đoạn khó khăn trước đó.
Thứ hai là việc các doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu nợ sang tín dụng hoặc các nguồn vốn tự có khác do rủi ro từ trái phiếu.
Sự ra đời của Nghị định 08 giúp nhiều doanh nghiệp tự tái cấu trúc và xử lý vấn đề nợ xấu, giảm bớt áp lực trên thị trường. Việc này diễn ra khá tự nhiên và không gây ra những biến động lớn.
Cuối cùng đến từ việc cơ cấu lại kỳ hạn qua
việc đàm phán chủ động với trái chủ. Điều này giúp giảm bớt áp lực đáo hạn và
tạo ra sự hạ cánh mềm cho thị trường.
Cũng cần nhìn nhận câu chuyện hạ cánh mềm và tự chữa lành của thị trường, một phần cũng đến nhờ việc chúng ta đã can thiệp kịp thời, khi quy mô thị trường trái phiếu không quá lớn.
Các chính sách của Chính phủ giúp thị trường có cơ hội để… “thở”, thêm thời gian cho ngân hàng, doanh nghiệp xử lý và tái cấu trúc các khoản vay.
Theo báo cáo của FiinRatings, áp lực đáo hạn
trái phiếu năm 2025 vẫn còn rất lớn, khoảng hơn 300.000 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Ông
đánh giá thế nào về áp lực đáo hạn trái phiếu trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Quả thực con số đáo hạn năm sau vẫn còn
rất lớn, và cũng sẽ tạo nhiều áp lực lên thị trường. Mặc dù vậy, điều đó không
có nghĩa là chúng ta phải xử lý toàn bộ những khoản vay này.
Như trường hợp tôi đã nói ở trên, bản chất
trái phiếu của nhóm ngân hàng không có vấn đề gì nghiêm trọng vì có thể dễ dàng
cơ cấu kỳ hạn. Nhóm trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, hoạt động ổn định cũng
không đáng ngại.
Rủi ro tập trung từ trái phiếu bất động sản
và các công ty được lập ra để triển khai dự án. Đây sẽ là nhóm cần được theo
dõi sát sao trên thị trường.
Trong hai năm qua, khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn, phần lớn lượng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã được tái cấu trúc bao gồm sự tham gia của các ngân hàng thương mại.
Tỷ lệ nhà đầu tư
cá nhân tham gia vào thị trường đã giảm mạnh từ mức 30 – 40% xuống còn dưới 10%
vào năm 2023, và đây cũng là nhóm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Vì vậy, có thể nói rủi ro cho thị trường đã giảm bớt. Bây giờ ngân hàng đã là “market maker” - nhà tạo lập chính của thị trường trái phiếu, họ có bộ máy và phương án xử lý chuyên nghiệp.
Tất nhiên, sự thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng tới câu chuyện nợ xấu của ngành ngân hàng trong thời gian tới như chúng ta đang thấy.
Áp lực đáo hạn năm 2025 vẫn rất lớn, rủi ro tập trung vào nhóm trái phiếu bất động sản
Ông vẫn nhấn mạnh rủi ro thị trường tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Năm 2024, trái phiếu nhóm này vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với giá trị phát hành xếp thứ hai toàn thị trường.
Một điểm đáng chú ý với nhóm này là kỳ hạn trái phiếu ngắn lại và lợi suất lại tăng lên. Đây có phải dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn thiếu niềm tin vào trái phiếu bất động sản?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Đúng vậy. Kỳ hạn trái phiếu bất động sản ngắn lại và lợi suất tăng cao phản ánh sự gia tăng rủi ro mà nhà đầu tư nhận thức được.
Theo logic thông thường, trái phiếu kỳ hạn càng dài, rủi ro càng cao, và ngược lại. Lợi suất trái phiếu cao cũng phản ánh rủi ro tăng lên.
Việc sẵn sàng mua trái phiếu bất động sản với kỳ hạn ngắn và lợi suất cao cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá rủi ro vẫn còn hiện hữu và có thể nói là lớn.
Theo chúng tôi biết thì nhiều định chế bảo hiểm và quỹ đầu tư nước ngoài mà chúng tôi phục vụ còn chưa mở lại hạn mức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sau giai đoạn khó khăn từ 2021.
Thị trường Việt Nam đang phổ biến các loại trái phiếu có kỳ hạn rất ngắn, chỉ từ 2-3 năm. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu tin tưởng vào triển vọng dài hạn của trái phiếu bất động sản.
Khởi động chu kỳ mới của thị trường trái phiếu
Tương tự như câu hỏi về năm 2024, trong năm 2025, nếu để hình dung thị trường một cách ngắn gọn, ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Tôi cho rằng sẽ là năm thị trường tăng cả về chất và lượng. Theo dự báo của FiinRatings, “lượng” - tức là tổng giá trị phát hành trái phiếu trong năm 2025 khả năng cao là sẽ tăng so với năm 2024.
Còn về
“chất”, chúng ta cũng có niềm tin thị trường sẽ xuất hiện nhiều loại hàng hoá chất lượng hơn cho nhà đầu tư lựa chọn.
Nghe thì có vẻ hơi... sáo rỗng, nhưng tôi tin rằng 2025 sẽ là năm bản lề, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào một chu kỳ mới.
Chúng tôi dự báo sẽ nhiều trái phiếu phi ngân hàng được
phát hành hơn, nhiều lô trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm độc lập hơn, nhiều
lô trái phiếu đạt chuẩn xanh hơn… Bên cạnh đó là sự hồi phục của một số phân khúc thị
trường bất động sản dân cư và dự án năng lượng tái tạo cũng như hạ tầng nước,
rác thải...
Chúng ta sẽ chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của
các quy định mới được ban hành, đặc biệt liên quan đến trái phiếu riêng lẻ.
Việc thực thi các quy định này sẽ cần thời gian và có thể gây ra sự điều chỉnh
nhất định trong ngắn hạn.
Như tôi đã chia sẻ, những gì xấu nhất, khó
khăn nhất của thị trường giai đoạn trước đã được phản ánh.
Trong giai đoạn tới, những sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách và nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy thị trường trái phiếu bước vào một chu kỳ mới chuyên nghiệp hơn, thực sự trở thành nơi huy động vốn cho doanh nghiệp.
Theo dự báo của FiinRatings, “lượng” - tức là tổng giá trị phát hành trái phiếu trong năm 2025 khả năng cao là sẽ tăng so với năm 2024. Còn về “chất”, chúng ta cũng có niềm tin thị trường sẽ xuất hiện nhiều loại hàng hoá chất lượng hơn cho nhà đầu tư lựa chọn.
Theo ông, thị trường có khả năng đạt được mục
tiêu huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp là 20% tổng GDP mà Chính
phủ đặt ra?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Tôi nghĩ chúng ta sẽ gần như không thể đạt
được mục tiêu này. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành năm 2024 mới
đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tương đương 11,2 % GDP.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tăng rất mạnh
quy mô phát hành. Điều này không thực sự khả thi và cũng không phù hợp với mục
tiêu phát triển bền vững của thị trường.
Theo tôi, thị trường không cần tăng trưởng
quá mạnh trong năm 2025, song quan trọng hơn là phải đa dạng hóa loại hình
trái phiếu, nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút đầu tư trong và ngoài
nước. Việc này cần sự nỗ lực lớn từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan
quản lý.
Sự phát triển bền vững của thị trường trái
phiếu đòi hỏi sự cải thiện toàn diện về chất lượng, minh bạch và quản trị rủi
ro.
Nói tới sự minh bạch, nhiều quy định mới liên quan đến thị trường trái phiếu sẽ có hiệu lực kể từ năm 2025. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và điều tiết thị trường?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Năm nay sẽ là năm khá bận rộn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bởi sẽ bắt đầu áp dụng những quy định mới.
Một số điều khoản của các quy định mới về trái phiếu, đặc biệt liên quan đến trái phiếu riêng lẻ, đã được áp dụng từ tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, các quy định mới về trái phiếu riêng lẻ, bao gồm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin… theo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Những sửa đổi pháp lý tập trung vào việc làm rõ các quy trình, thủ tục, và trách nhiệm của các bên liên quan trong cả trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng.
Đặc biệt, việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin, và cơ chế bảo lãnh sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể. Các sửa đổi mới hướng đến việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của nhà đầu tư.
Ở chiều ngược lại, việc siết chặt các quy định cũng có thể là một yếu tố làm giảm bớt sức hút của thị trường, song theo tôi điều này là cần thiết để hướng đến phát triển một thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững.
Các quy định mới chặt chẽ hơn có thể làm giảm sức hút của thị trường trái phiếu trong ngắn han, nhưng là nền tảng để phát triển bền vững trong dài hạn.
Các quy định mới siết chặt hơn có thể làm
giảm sức hút, khiến các doanh nghiệp “ngần ngại” hơn trong việc huy động vốn
qua kênh trái phiếu. Vây ở chiều ngược lại, đâu sẽ là yếu tố thúc đẩy thị
trường tăng trưởng?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Nhu cầu huy động vốn vẫn là yếu tố then chốt.
Thị trường trái phiếu là nơi để doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, vì
vậy sự tăng trưởng của thị trường luôn gắt chặt với nhu cầu này.
Trong năm 2025, nhu cầu vốn của các doanh
nghiệp dự báo hồi phục, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bất động sản.
Đây vẫn sẽ nhóm có nhu cầu huy động vốn lớn, đặc biệt khi thị trường bất
động sản dân cư hồi phục.
Những quy định mới cũng sẽ tạo sự phân hóa
tốt hơn. Theo đó, những doanh nghiệp bất động sản có năng lực tài chính tốt và
hoạt động minh bạch sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với mức chi phí rẻ hơn hẳn so
với nhóm doanh nghiệp ít minh bạch hoặc có hồ sơ rủi ro cao hơn.
Kế đến là nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Thực tế đã chứng minh đây là nhóm có nhu cầu huy động vốn rất lớn.
Sau khi
những vấn đề pháp lý liên quan tới quy hoạch điện được giải quyết cũng như việc Chính phủ quyết liệt triển khai nhằm
giải quyết rủi ro thiếu điện vào năm 2026, nhu cầu vốn của nhóm này
được chúng tôi dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối 2025.
Cùng với đó là nhóm doanh nghiệp hạ tầng, nước
sạch, xử lý rác
thải, nước thải; và doanh nghiệp sản xuất trong một số ngành như thực phẩm, nông nghiệp…, đây cũng là khu vực có nhu cầu
vốn rất lớn và nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh trong năm 2025.
Ông kỳ vọng vào khá nhiều lĩnh vực. Đây cũng có thể xem là một vấn đề của thị trường trái phiếu hiện nay khi dường như chúng ta đang rất “thiếu hàng”.
Thị trường chỉ là sân chơi chủ yếu của ngân hàng và
doanh nghiệp bất động sản. Theo ông, cấu trúc hàng hóa của một thị trường trái
phiếu bền vững sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Một cấu trúc lý tưởng mà chúng tôi làm khảo sát ở nhiều quốc gia đó là cấu trúc 4-3-2, khá giống với sơ đồ đội hình trong bóng đá.
Trong đó, 40% thị trường trái phiếu sẽ dành cho các ngân hàng. Điều này cũng dễ hiểu và rất phù hợp với một nền kinh tế còn dựa nhiều vào ngân hàng như Việt Nam
Tiếp đó, 30% sẽ dành cho các ngành điển hình
như bất động sản và năng lượng. 20% còn lại sẽ hướng tới các ngành khác như sản
xuất, công nghệ...
Tuy nhiên, đây chỉ là kỳ vọng, còn năm 2025
chúng ta sẽ chưa thể đạt được cấu trúc này. Sự chuyển đổi này cần thời gian và
sự nỗ lực của nhiều bên. Mục tiêu dài hạn là đến năm 2030, thị trường sẽ đa
dạng hơn về loại hình trái phiếu và nhà đầu tư.
Một thị trường trái phiếu phát triển cũng
giống như một mô hình siêu thị vậy. Ở trên cùng là ban quản lý chợ, ở giữa là
những nhà cung ứng hàng hóa, các nhà tư vấn thu xếp, tạo lập thị trường, ở cuối
là người mua.
Bên cạnh đó là những tổ chức liên quan như các công ty xếp hạng tín nhiệm chúng tôi cũng đóng vai trò hỗ trợ phân loại, dán nhãn, giúp người mua nhận diện chuẩn chất lượng hàng hóa để có thể nhận diện rõ lợi nhuận và rủi ro.
Một cấu trúc lý tưởng cho thị trường trái phiếu là 4-3-2: 40% trái phiếu ngân hàng, 30% bất động sản và 20% cho các lĩnh vực còn lại
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển
của hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam khi chứng kiến không chỉ các tổ
chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm mà một số lô trái phiếu cũng được xếp hạng
tín nhiệm. Trong tương lai, tất cả mọi thứ trên thị trường trái phiếu đều sẽ được
“dán nhãn”?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm bước đi quan
trọng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu Việt
Nam.
Năm
2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của hoạt động xếp hạng
tín nhiệm tại Việt Nam, với 51 tổ chức lần đầu công bố kết quả xếp hạng, bao gồm
8 ngân hàng và 43 doanh nghiệp.
Con số này thể hiện mức tăng trưởng 122% so với năm 2023, phản ánh nhu cầu về việc nâng cao uy tín tín dụng và cải thiện sự minh bạch tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu nội địa đang tìm kiếm sự phát triển theo hướng bền vững hơn.
Đáng chú ý, FiinRatings còn tham gia xếp hạng tín nhiệm lần đầu tiên tại Việt Nam với 3 lô trái phiếu.
Trong đó 2 lô trái phiếu của Công ty Biwase Long An và Công ty Cấp nước Hòa Bình Xuân Mai (thuộc AquaOne) được xếp hạng AAA, cao hơn cả mức xếp hạng của tổ chức phát hành nhờ được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức quốc tế có uy tín.
Điều này cũng cho thấy xếp hạng tín nhiệm của
một lô trái phiếu có thể khác với xếp hạng tổ chức phát hành, tùy thuộc vào thứ
tự ưu tiên trả nợ, chất lượng tài sản bảo đảm và các điều khoản cụ thể của lô
trái phiếu đó.
Trong một thị trường tài chính phức tạp như
trái phiếu doanh nghiệp, việc đi sâu vào phân tích, xếp hạng từng lô trái phiếu
đã góp phần vào thành công của các giao dịch, cung cấp cơ sở cho thẩm định,
quyết định đầu tư và quản trị rủi ro cho các định chế tài chính sở hữu trái
phiếu.
Những thay đổi trong luật chứng khoán và các nghị định sắp tới sẽ thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm trở thành xu hướng phổ biến nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tôi cho rằng đây là một bước tiến tất yếu, đồng thời đã trở thành thông lệ tại các thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thế giới.
Những thay đổi trong luật chứng khoán và các nghị định mới sẽ thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm trở thành xu hướng phổ biến nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng Việt và một thập kỷ nỗ lực mở cửa trái phiếu xanh
Ngân hàng Việt và một thập kỷ nỗ lực mở cửa trái phiếu xanh
Từ những quy định ban đầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia vào năm 2015, đến năm 2025, các ngân hàng thương mại đã có một thập kỷ nỗ lực mở cửa thị trường tài chính xanh, trong đó có sứ mệnh tiên phong dẫn dắt trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Novaland chuyển đổi 300 triệu USD trái phiếu thành cổ phiếu
Hoạt động tái cấu trúc nợ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Novaland trong năm 2024.
Novaland muốn mua lại trước hạn 7.000 tỷ đồng trái phiếu
Novaland dự kiến mua lại 21 lô trái phiếu theo phương thức thỏa thuận từ 27/12/2024 đến 30/1/2025.
Chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank
DongA Bank và GPBank được chuyển giao bắt buộc về HDBank và VPBank theo phương án được Chính phủ phê duyệt.
MB tăng vốn lên gần 62.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố thay đổi tổng số lượng cổ phiếu lên gần 6,1 tỷ cổ phiếu, sau đợt phát hành cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%.
Nguyễn Kim 'tái xuất' tại Saigonbank
Nhóm cổ đông đứng sau bởi Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim hiện nắm giữ 9,9% vốn điều lệ Saigonbank, trở thành cổ đông tư nhân lớn nhất của nhà băng này.
Ngân hàng Nhà nước hút ròng trước áp lực tỷ giá tăng cao
Theo dữ liệu từ Wichart, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng gần 52.600 tỷ đồng chỉ trong vòng một tuần qua.
Ngân hàng quốc doanh thể hiện sức mạnh
Nhóm ngân hàng quốc doanh đang cho thấy sức mạnh của các 'đầu tàu' dẫn dắt nền kinh tế khi tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và lợi nhuận.
Chủ tịch FiinRatings: Năm 2025 sẽ khởi động chu kỳ mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, thị trường trái phiếu đang trong một năm bản lề, nơi những thứ xấu nhất đã diễn ra, được khoanh vùng lại và chuẩn bị một chu kỳ tăng trưởng mới.
EkoCenter: Hành trình gắn kết cộng đồng
Tận dụng những kinh nghiệm, hiểu biết thông qua các đối tác địa phương là cách Coca-Cola Việt Nam tối ưu giá trị của các trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter.
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Czech
Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Czech.
Trong Chớp Mắt: Bí quyết ra quyết định nhanh nhạy cho doanh nhân
Liệu quyết định vội vàng có thể mang lại thành công cho doanh nghiệp?
TheLEADER đồng hành cùng cuộc thi “Onward – Hơn cả việc đọc”
TheLEADER sẽ đồng hành cùng cuộc thi "Onward - Hơn cả việc đọc" do Alpha Books tổ chức nhằm khơi dậy đam mê đọc sách và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ.
Novaland tăng tốc thi công, hoàn thiện 3 siêu dự án
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, không khí làm việc trên các dự án của Novaland tại Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu vẫn hết sức khẩn trương.
SHB dành hơn 13 tỷ đồng quà tặng ưu đãi cho khách hàng
Từ nay đến hết 31/12/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai chuỗi chương trình ưu đãi hấp dẫn với hàng nghìn phần quà cho khách hàng mới, tổng giá trị lên tới 13 tỷ đồng.