Chủ tịch MB: Cho vay bất động sản được kiểm soát chặt

Trần Anh - 19:25, 06/03/2024

TheLEADERÔng Lưu Trung Thái Chủ tịch HĐQT của MB cho biết ngân hàng đã thiết lập hạn mức và kinh doanh cho vay bất động sản hàng năm, kiểm soát ở mức độ cho phép, tỷ lệ cho vay xoay quanh mức 8%.

Chủ tịch MB: Cho vay bất động sản được kiểm soát chặt
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT của MB. Ảnh: MB

Ngày 6/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức gặp mặt nhà đầu tư để thông tin về kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT của MB cho biết năm 2024 khó khăn vẫn hiện hữu, hy vọng nợ xấu đang đi ngang và đi xuống, cầu yếu thì khả năng tăng trưởng chậm lại.

Mặc dù khối đầu tư nước ngoài (FDI) tốt, nhưng cầu tín dụng cá nhân đang trong tình trạng đi ngang. Do đó, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 ở mức 10%.

Tại cuộc họp, chủ tịch MB cũng chia sẻ những vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhà băng. Theo đó, về dư nợ cho vay bất động sản, đặc biệt là các khoản vay của Novaland, SunGroup, ông Thái cho biết MB kiểm soát rất chặt chẽ cho vay bất động sản. 

Ngân hàng đã thiết lập hạn mức và kinh doanh cho vay bất động sản hàng năm, kiểm soát ở mức độ cho phép, tỷ lệ cho vay xoay quanh mức 8%.

MB tập trung vào cho vay các dự án nhà ở ở các địa phương lớn, có nhu cầu cao và tập trung phân khúc có giá thành hợp lý, có số lượng khách hàng đông, song song đó phát triển khách hàng bán lẻ ở các dự án này.

Đối với dư nợ của Novaland và các công ty con, hiện MB phân loại nợ ở nhóm 1. Năm ngoái MB đã thu được gần 50% dư nợ của Novaland. Khả năng phục hồi ở các nhóm này tương đối khả quan.

Ông Thái cũng đánh giá, khó khăn nhất của các công ty bất động sản là quý 3 năm ngoái, nhưng đến thời điểm này ngân hàng tin tưởng rằng khó khăn đã đi qua.

Chia sẻ thêm về cơ cấu dư nợ của MB, lãnh đạo ngân hàng cho biết tổng nợ xấu chỉ chiếm hơn 1% tổng dư nợ. Các khoản nợ được cơ cấu lại MB cũng thực hiện rất tốt và kiểm soát chặt chẽ theo quy định tại các thông tư của NHNN.

Về bao phủ nợ xấu, quan điểm của MB khá thận trọng và cũng tuân thủ theo quy định, năm 2024 tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ ít nhất là bằng năm 2023 và ở mức trên 100%, bất chấp tỷ lệ này có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng lợi nhuận của ngân hàng.

Ông Thái cũng chia sẻ, dự kiến trong năm 2024, MB sẽ hoàn thành phương án nhận chuyển giao OceanBank và kỳ vọng trong quý 2 sẽ thực hiện được. Về phương án bán vốn cho khối ngoại, MB hiện tại chưa tính đến.

Về chiến lược phát triển của ngân hàng, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban kế hoạch & marketting của MB cho biết, trong năm 2024, ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao và MB kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28.800 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo, MB kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn.

Thứ nhất là đến từ bán lẻ. MB đang có nhiều điều kiện thuận lợi để giúp chiến lược tăng trưởng này là hợp lý. Hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến 2024 sẽ đạt 30 triệu. Các khách hàng đang sử dụng sản phẩm cơ bản nhất của MB là tiền vay thì có 453.000 khách hàng và đang tăng trưởng tốt.

Dư nợ bán lẻ và dư nợ cho vay khách hàng siêu nhỏ (micro SME) đang chiếm 51% trong tổng cơ cấu nợ của MB và tốc độ tăng trưởng vẫn đang rất tốt, là động lực giúp MB tăng trưởng rất tốt trong 3-4 năm vừa qua. 

Thứ hai đến từ chuyển đổi số. Những năm qua, MB đầu tư rất lớn cho chuyển đổi số, đang có kết nối với hệ sinh thái khách hàng trên khắp các nền tảng, tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, số lượng giao dịch tăng trưởng rất cao nhưng chi phí vận hành và chi phí cho nhân sự giao dịch không đổi.

Động lực tăng trưởng thứ ba là hợp lực tập đoàn. Hiện hệ sinh thái của MB là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…, tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính ngân hàng. 

Điều này đã thể hiện kết quả rõ ràng qua sự tăng trưởng của từng thành viên, chẳng hạn số lượng khách hàng của MBS tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 2 năm.

Bên cạnh những thuận lợi, MB cũng xác định những khó khăn, thách thức nhất định. Đầu tiên là công tác quản trị tín dụng. Hiện MB đã triển khai mô hình quản trị rủi ro tín dụng nhiều tầng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ESG để đảm bảo phát triển bền vững.