Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: Nguồn lực tri thức là cơ hội để dẫn đầu

Kim Yến - 14:21, 18/10/2017

TheLEADERTâm thế là sức mạnh tinh thần gắn kết con người trong tổ chức, định hướng suy nghĩ của mỗi cá nhân theo cùng một trục, để hình thành tri thức tập thể.

Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: Nguồn lực tri thức là cơ hội để dẫn đầu
Muốn kinh doanh thành công, phải xác định kinh doanh là nghề, là nghiệp của mình, đam mê và kiên định. Ảnh: Thaco

Quá trình khởi nghiệp từ một kỹ sư cơ khí trở thành chủ tịch tập đoàn ô tô lớn nhất Việt Nam - THACO Trường Hải, và bây giờ là Đại Quang Minh, công ty bất động sản góp phần kiến tạo khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại bậc nhất Sài Gòn… đã giúp Trần Bá Dương đúc kết kinh nghiệm thực tiễn thành những bài học quản trị sâu sắc, như kim chỉ nam cho doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Quản trị đặc thù dựa trên nguyên lý

Trong phát biểu ngắn trước cuộc giao lưu với gần 1.000 startup và các doanh nhân tại đại bản doanh của Đại Quang Minh do Club Quản trị & Khởi nghiệp tổ chức, ông Trần Bá Dương đã chia sẻ những nguyên lý của quản trị đặc thù mà chính ông đã đúc kết được sau cả một hành trình dài gian khổ trở thành người dẫn đầu trong ngành kinh doanh xe hơi và bất động sản.

Thành công là tùy góc nhìn của mỗi người, nhưng liệu nó có song hành với lợi ích của xã hội, khách hàng và hợp với yêu cầu của thời đại hay không? 

Dưới góc nhìn này, ông Trần Bá Dương đã đưa ra những chia sẻ từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của mình.

“Trước tiên, muốn kinh doanh thành công, bạn phải xác định kinh doanh là nghề, là nghiệp của mình, với niềm đam mê và ý chí mạnh mẽ. Bạn phải luôn tạo được động lực cho chính mình”.

Kinh doanh thành công theo ông Dương là phải đạt được hai mục tiêu: Phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và có đóng góp cho xã hội. Kinh doanh phải dựa trên triết lý về giá trị, với cấp độ ban đầu là làm giàu chính đáng; cao hơn là mang lại giá trị cho khách hàng, cho cộng đồng xung quanh; cao hơn nữa là đóng góp về khoa học, công nghệ, làm thay đổi cuộc sống của nhân loại.

Cùng với triết lý kinh doanh, ông Dương cho rằng phải xây dựng tầm nhìn dài hạn và tầm nhìn khả thi, xác định mình là ai và định hướng phát triển trong từng giai đoạn.

Để đạt được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược bao gồm:

Thứ nhất, lập chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó phải thấy được sự thay đổi tất yếu của nền kinh tế Việt Nam và thế giới.

Thứ hai, phân kỳ chiến lược kinh doanh thành nhiều giai đoạn, bắt đầu từ một phân khúc trong chuỗi giá trị với quy mô phù hợp. Sau đó gia tăng quy mô theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị tại những thời điểm thích hợp.

Thứ ba, triển khai chiến lược marketing và phát huy các nguồn lực quan trọng khác như tri thức và tài chính.

Thứ tư, phát triển yếu tố khác biệt nhằm tạo năng lực cạnh tranh mạnh trong từng giai đoạn.

Để xây dựng, thực hiện và điều chỉnh chiến lược phù hợp với mọi giai đoạn, ông Dương cho rằng, doanh nghiệp cần lập hệ thống quản trị theo những nguyên tắc sau:

Dựa trên triết lý, các nguyên lý cơ bản, doanh nghiệp cần xác định và ban hành quan điểm, nguyên tắc và phạm vi sáng tạo. Xây dựng quy định cấu trúc bao gồm các bộ phận để thực hiện các chức năng trong doanh nghiệp, sơ đồ tổ chức nhân sự phù hợp và luôn có thay đổi để phù hợp kịp thời trong từng giai đoạn nhằm bảo đảm nguồn năng lực tri thức và các nguồn lực khác đồng bộ, hợp lý và hiệu quả.

Tuy nhiên, để đáp ứng được chiến lược khác biệt, quản trị phải có phương pháp đặc thù, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh với sự sáng tạo, logic, khoa học. Từ đó hình thành khả năng nắm bắt linh hoạt, khả năng ứng xử các vấn đề, kể cả khủng hoảng trong kinh doanh. 

Mô hình không gian tri thức và không gian thực tiễn trong kinh doanh phải đi đến ánh xạ tri thức, nghiên cứu nắm bắt các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh và hiểu được tri thức một cách đầy đủ, vận dụng sáng tạo.

Tri thức quyết định thành bại

Chủ tịch THACO cho rằng, trong xu thế mới, nguồn lực tri thức là quan trọng nhất, bao gồm từ nhân viên đến lãnh đạo và cả đối tác. 

Theo ông, nhân sự Việt Nam bước ra từ nền kinh tế bao cấp nên có những hạn chế nhất định so với sự phát triển của thời đại. Doanh nghiệp muốn phát triển phải đào tạo nhân sự phù hợp với triết lý, chiến lược của doanh nghiệp, cũng như của bản thân từng nhân sự.

Tăng tỉ lệ nội địa hoá là một trong những mục tiêu quan trọng của Công ty ô tô Trường Hải. Ảnh: Thaco

Ông Dương nhấn mạnh: “Đầu tiên là rèn luyện tâm thế, thấu hiểu và có ý thức với công việc mình làm. Chỉ có làm thật, làm đúng với năng lực mới nâng cao năng lực tư duy. Nếu quản trị là bộ não, thì tâm thế là trái tim đưa máu đi đến mọi hoạt động của cơ thể doanh nghiệp. Thái độ làm việc tích cực bao gồm ý thức kỷ luật, rèn luyện bản thân, ý thức làm việc tập thể và ý thức đóng góp cống hiến. Năng lực quản trị bao gồm năng lực quản trị đầu tư, kinh doanh, quản trị hệ thống, nhân sự và các nghiệp vụ chuyên môn khác. Ngoài năng lực chuyên môn riêng phải có năng lực chung như khả năng ngoại ngữ, tin học và các kiến thức xã hội trong lĩnh vực của doanh nghiệp. Từ đó hình thành năng lực lãnh đạo: đức độ, bản lĩnh, uy tín, gương mẫu".

"Kinh doanh là leo dốc, cái dốc mỗi ngày một cao hơn, khó hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải mỗi ngày rèn luyện, học tập từ môi trường thực tiễn, biết áp dụng các kinh nghiệm, nguyên lý một cách sáng tạo và giải quyết được những đòi hỏi trong kinh doanh. Nguồn lực tri thức chính là cơ hội của các bạn trẻ, để làm lớn hơn, lớn nhất, soán ngôi một lĩnh vực nào đó”, ông Dương kết luận.