Chủ tịch VCCI khuyến nghị doanh nghiệp giữa chiến tranh thương mại

Đức Anh - 14:43, 09/07/2019

TheLEADERTS. Vũ Tiến Lộc nhận định doanh nghiệp khi đầu tư cần hướng tới tầm nhìn dài hạn, có sự cẩn trọng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam.

Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp tốt đẹp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản khi hai bên cho biết không có kế hoạch gia tăng thuế đối với hàng hóa của đối phương tại thời điểm này.

300 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ không bị gia tăng thuế như lời đe dọa trước đó của người đứng đầu Nhà Trắng nhưng những mức thuế nhập khẩu hiện tại cũng không được dỡ bỏ.

Sau quãng thời gian gần 1 năm qua, chiến tranh thương mại, căng thẳng thương mại đã trở thành cụm từ quen thuộc khi Washington và Bắc Kinh liên tục nâng thuế quan đối với nước còn lại.

Chưa hết, những đối đầu thương mại còn lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như công nghệ hay du lịch.

Chủ tịch VCCI khuyến nghị cho doanh nghiệp giữa chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn giữa hàng hóa Trung Quốc và hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Nhận định với TheLEADER, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, đến nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có đáp án cuối cùng khi quá trình thương thảo giữa hai bên vẫn đang tiếp tục.

Cuộc chiến này được nhận định có tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

“Phải nói rằng, bất cứ sự thay đổi nào của hai cường quốc này trong phát triển kinh tế và thương mại đều có ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam”.

Ông Lộc cho biết có một xu hướng từ đầu năm tới nay là dòng chảy FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam và dòng chảy đó đang hiện hữu.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ sẽ thấy dòng chảy này tập trung rất nhiều vào lĩnh vực lắp ráp, công đoạn cuối cùng tạo ra sản phẩm.

“Việc này một mặt tạo ra cơ hội thu hút đầu tư cho chúng ta nhưng cũng đặt ra thách thức. Bởi vì không gian kinh tế của Việt Nam, hay là cơ sở hạ tầng của Việt Nam có thể trở nên quá tải nếu như không có sự lựa chọn phù hợp đối với một cơ cấu đầu tư mới trong giai đoạn tới”, ông Lộc phân tích.

Theo vị Chủ tịch VCCI, Trung Quốc đang trong quá trình cải cách, nâng cấp hệ thống công nghệ. Họ buộc phải thay đổi những công nghệ mới, hiện đại hơn để có thể bước qua những rào cản về thuế quan, thâm nhập vào những thị trường bao gồm cả Mỹ.

Như vậy sẽ tạo ra nhu cầu chuyển giao những công nghệ không còn phù hợp, ít sức cạnh tranh sang các nền kinh tế xung quanh và Việt Nam có thể là điểm đến đầu tiên của dòng chảy này của Trung Quốc.

“Chính vì vậy, việc lựa chọn những công nghệ thích hợp nhưng dây chuyền phù hợp sẽ là một sự lựa chọn đặt ra đối với chúng ta”, ông Lộc nhấn mạnh.

“Nếu chúng ta tiếp nhận những công nghệ thực sự không phù hợp trong khi Trung Quốc lại trang bị một hệ thống công nghệ cao hơn rất nhiều thì cái đó chính là sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh này không phải cạnh tranh của chúng ta trên thị trường Trung Quốc hay thị trường thế giới mà chính trên thị trường nội địa của Việt Nam”.

Theo đó, Việt Nam cần hoan nghênh, chào đón những công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn và cũng phải tỉnh táo đối với việc tiếp nhận những công nghệ không phù hợp.

Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn giữa hàng hóa Trung Quốc và hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyên nhân là khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu vào Mỹ và các thị trường khác, Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập Việt Nam và các nước khác.

“Như vậy, chúng ta đứng trước áp lực cạnh tranh về dịch vụ, về hàng hóa giữa hàng hóa của Trung Quốc và Việt Nam. Đó cũng là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi phải nâng cao trình độ quản trị, công nghệ để có thể cạnh tranh và phát triển được”, ông Lộc khuyến nghị.

Ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp phải tính toán rất kĩ và phải tìm hiểu rất kĩ về sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực đang định đầu tư; chủ động tiếp cận thông tin với sự giúp đỡ của các cơ quan chính phủ, cơ quan nghiên cứu.

“Tôi nghĩ rằng chọn những công nghệ tương đối rẻ, tương đối phù hợp trong giai đoạn ngắn hạn là một xu hướng hết sức nguy hiểm bởi sẽ không tạo năng lực cạnh tranh về mặt dài hạn cho doanh nghiệp”.

“Bởi vậy với tầm nhìn doanh nghiệp, khi đầu tư phải hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn. Chính vì vậy tôi cho rằng cần phải có sự cẩn trọng lựa chọn cần thiết”, ông Lộc nhận định.