Chứng khoán ngày 21/2: Tưng bừng sau Tết

Ngọc Chi - 21:14, 21/02/2018

TheLEADERĐầu năm mới, cả 2 sàn HOSE và sàn HNX đều có một phiên tăng điểm khá mạnh.

HOSE - Tưng bừng sau Tết

Giao dịch trở lại sau Tết, thị trường chứng khoán trở lại với khí thế phấn khởi, chỉ số VN-Index tăng mạnh ngay trong phiên xác định giá mở cửa khi tăng 1,28% so với giá tham chiếu. Sau đó, chỉ số này liên tục có chiều hướng đi lên và nghỉ trưa tại 1.086 điểm, tăng 26,27 điểm (+2,48%).

Đà tăng đầu năm mới chủ yếu đến từ các blue-chips khi nhìn chung các mã chứng khoán có sức ảnh hưởng lớn này đều tăng khỏe và ổn định trong phiên sáng, với VCB GAS kéo VN-Index mạnh nhất, lần lượt 4,22% và 5,28%. Theo sau là các mã thuộc nhóm ngân hàng, trừ HDB giảm 1,29% và EIB ở giá tham chiếu thì MBB tăng 2,86%, CTG tăng 4,78%, BID tăng 5,08%.

Đến phiên chiều, chỉ số VN-Index vẫn giữ được khí thế khi tiếp tục tăng điểm, tiến dần về ngưỡng kháng cự 1.100 điểm. Tuy nhiên, gần đến lúc chốt phiên, chỉ số này lại có đợt điều chỉnh giảm nhẹ, kết thúc phiên giao dịch tại 1.087,15 điểm, tăng 27,42 điểm (+2,59%).

Chứng khoán 21/2: Tưng bừng sau Tết

VN-Index khởi sắc là thế trong phiên giao dịch đầu năm, nhưng thanh khoản lại không mấy thay đổi so với trước đó, khối lượng giao dịch đạt 177,6 triệu đơn vị, tăng nhẹ 2%, tương ứng với 5,7 nghìn tỷ giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 206 mã tăng giá, 85 mã giảm giá và 40 mã đứng giá, trong đó có 19 mã tăng trần và 5 mã giảm sàn.

Cổ phiếu VNM (Vinamilk) đóng cửa tăng 5,01%, trở thành mã chứng khoán đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 5,167 điểm ảnh hưởng. Tiếp đến là các mã VIC (Vingroup, +4,53%), VCB (Vietcombank, +3,44%), GAS (Tổng công ty khí VN, +3,7%), BID (BIDV, +5,65%) lần lượt góp 3,775 điểm; 2,905 điểm, 2,810 điểm, 2,509 điểm ảnh hưởng.

Trong top 20 mã chứng khoán có tỷ lệ ảnh hưởng nhất trên sàn HOSE thì chỉ có HPG (Tập đoàn Hòa Phát) giảm giá 0,99% và ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) giảm mạnh 6,17%, kìm hãm đà tăng của VN-Index lần lượt -0,334 điểm và -1,597 điểm.

Về khối lượng giao dịch, STB (Sacombank, +2,52%) tiếp tục dẫn đầu sàn với 16 triệu đơn vị, tăng gần 60% so với phiên trước đó. Mã CTG (Vietinbank, +2,39%) có thanh khoản khá tốt khi đứng thứ hai với hơn 11 triệu đợn vị, tiếp đến HPG đạt 8,8 triệu đơn vị giao dịch.

Về thanh khoản tại khối ngoại, VRE dẫn đầu sàn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua vào với hơn 2,17 triệu đơn vị, HPG theo sau với gần 2,16 triệu đơn vị được giao dịch.

Ngược lại, khối ngoại xả mạnh hơn 5,36 triệu cổ phiếu HPG, tiếp đến là VRE khi xả 2,6 triệu đơn vị.

Trong phiên giao dịch hôm nay, có 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 20 ngày trước đó.

Cụ thể gồm CSV (CTCP hóa chất cơ bản miền Nam) đứng đầu khi tăng 5,3 lần, PAN (Tập đoàn PAN) và LCM (CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai) cùng tăng 4,3 lần.

HNX - Thanh khoản khá tốt

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hôm nay cũng là phiên tăng điểm khá của chỉ số HNX-Index, khi chỉ số này cũng mang sắc xanh tại giá mở cửa, sau đó, đến phiên chiều, chỉ số này điều chỉnh giảm nhẹ, đóng cửa tại mức 125,85 điểm, tăng 1,54 điểm, (+1,24%).

Chứng khoán 21/2: Tưng bừng sau Tết 1

Thanh khoản tại sàn Hà Nội khá tốt trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, với khối lượng giao dịch tăng hơn 12% so với phiên trước đó, đạt gần 54 triệu đơn vị, tương ứng với 0,9 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 120 mã tăng giá, 62 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

Cụ thể, ACB tiếp tục giữ sức ảnh hưởng của mình trên sàn Hà Nội khi tăng giá 1,83%, qua đó góp tới 0,45 điểm ảnh hưởng vào mức tăng của HNX-Index hôm nay.

Tiếp đến là VCG (Tổng CTCP XNK và Xây dựng VN, 3,9%) khi góp tới 0,218 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 22 mã tăng giá kịch trần, 8 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, SHB (Ngân hàng TMCP Sài gòn, +0,77%) tiếp tục đứng đầu khi đạt 22,7 triệu đơn vị. Mã PVS (Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, -0,44%) theo sau với 7,8 triệu đơn vị, ACB đạt 3,3 triệu đơn vị được giao dịch.

Về thanh khoản của khối ngoại trên sàn HNX, SHS (CTCP Chứng khoán Sài gòn Hà Nội) dẫn đầu về khối lượng nhà đầu tư ngoại mua vào với 108,2 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại bán ra mạnh nhất vẫn là PVS với 805,6 nghìn đơn vị được giao dịch.