Phát triển miền Tây với mô hình đa trung tâm

Phạm Sơn - 17:57, 06/03/2022

TheLEADERQuy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đề ra một số phương hướng xây dựng khu vực phát triển động lực để tạo đà cho toàn vùng.

Phát triển miền Tây với mô hình đa trung tâm
Thành phố Cần Thơ là trung tâm đa ngành của miền Tây. Ảnh: VnEconomy.

Trong đó, thành phố Cần Thơ tiếp tục được nhấn mạnh trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, là trung tâm của miền Tây về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistisc, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa và thể thao. Đây sẽ là cửa ngõ của toàn vùng với quốc tế thông qua sân bay Cần Thơ.

Từ đó, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh miền Tây với Cần Thơ là vô cùng quan trọng, không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động logistics mà còn giúp tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, y tế chất lượng cao của người dân. Bản thân các dịch vụ này của Cần Thơ cũng phải đạt chuẩn quốc tế.

Trước đó, vào tháng 1 vừa qua, nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ được Quốc hội thông qua, nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm nông sản chính tại Cần Thơ và ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm này.

Song song với thành phố Cần Thơ, phát triển khu vực tứ giác trung tâm của vùng trở thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển, hành lang vận tải quan trọng. Vùng tứ giác trung tâm bao gồm Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Cao Lãnh.

Tỉnh Hậu Giang chú trọng phát triển logistics là trung tâm phụ trợ cho thành phố Cần Thơ, cũng như trở thành trung tâm logistics toàn vùng. Phát triển 3 trung tâm đầu mối nông nghiệp cho 3 tiểu vùng sinh thái.

Về phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, thành phố Mỹ Tho đóng vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, logistics, du lịch khu vực phía bắc sông Tiền. Thành phố Tân An là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía đông bắc.

Cả 2 thành phố này sẽ là đô thị cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, kết nối vùng với TP.HCM cũng như khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ.

Thành phố Long Xuyên là trung tâm thương mại, dịch vụ phía tây bắc của đồng bằng sông Cửu Long, giữ vai trò trọng tâm về chuyển giao công nghệ nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.

Thành phố Rạch Giá là trung tâm kinh tế biển, thương mại, dịch vụ khu vực ven biển phía Tây của vùng, giữ vai trò về nuôi trồng, đánh bắt, xuất khẩu thủy hải sản cũng như chế biến nông, thủy sản.

Thành phố Cà Mau là trung tâm tiểu vùng ven biển khu vực bán đảo Cà Mau, là trung tâm về năng lượng, dịch vụ dầu khí của cả nước, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và chế biển thủy sản của vùng.

Thành phố Sóc Trăng là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển phía đông, là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản, trung tâm chế biến nông sản, năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

Phú Quốc là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch nghỉ dưỡng, cũng là nơi đầu tiên được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế sau khi các địa phương kết thúc giãn cách xã hội. Quy hoạch miền Tây nhấn mạnh việc xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị đảo bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng để trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế.