Chuyện chưa bao giờ kể về thương hiệu kiểm toán Việt đầu tiên

Quỳnh Chi - 08:03, 10/05/2021

TheLEADERHành trình xây dựng và phát triển thương hiệu VACO (Công ty Kiểm toán Việt Nam) gắn với nhiều câu chuyện thú vị được ông Bùi Văn Mai, Tổng giám đốc đầu tiên của VACO kể lại.

Chuyện chưa bao giờ kể về thương hiệu kiểm toán Việt đầu tiên
Ông Bùi Văn Mai, nguyên Tổng giám đốc VACO (giữa) và bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam (phải)

Năm 1990, một nhà đầu tư nước ngoài từ Hong Kong trong khi làm việc với ông Bùi Văn Mai - khi đó là Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán (Bộ Tài chính) đã nói: "Nếu Việt Nam không có kiểm toán độc lập thì chúng tôi không thể đầu tư vào Việt Nam".

Ông Mai nhớ lại, các cuộc thảo luận thời điểm đó đã chỉ ra rất nhiều vấn đề. Nếu lượng kiến thức về kiểm toán ở thời điểm bây giờ đạt mức 100 điểm thì thời điểm đó chỉ mới có khoảng 2-3 điểm. Chút ít kiến thức ông Mai có được lúc đó cũng không hề qua một trường lớp nào mà chủ yếu qua các cuộc làm việc với các chuyên gia nước ngoài.

“Chúng tôi gọi là kiểm tra kế toán chứ chưa có kiểm toán. Lúc đầu, các công ty nước ngoài đến, chúng tôi chẳng hiểu gì. Họ nói nhiều thông tin và cung cấp cho các kiến thức đầu tiên về kiểm toán”, ông Mai kể lại.

Ông Hà Ngọc Son, nguyên Phó tổng Kiểm toán nhà nước, thời điểm đó đã nghe báo cáo và trực tiếp soạn thảo các hồ sơ, tài liệu đầu tiên về kiểm toán ở Việt Nam.

Trong bối cảnh của dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu những năm 1990 tạo nên yêu cầu về việc hình thành kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính ban đầu dự kiến thành lập một công ty, nhưng sau quá trình bàn luận đã ra quyết định thành lập hai công ty kiểm toán, kế toán và dịch vụ tài chính đầu tiên của Việt Nam. Một trong hai công ty đó chính là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) bây giờ.

Ông Mai đã nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm làm giám đốc công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào ngày 13/5/1991.

Chuyện chưa bao giờ kể về thương hiệu kiểm toán Việt đầu tiên
Ông Bùi Văn Mai, nguyên Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO)

Ông Mai bật mí, tên gọi đầu tiên của công ty kiểm toán này là Công ty Dịch vụ kiểm toán vì kiểm toán lúc đó được giới thiệu là một dịch vụ. Tuy nhiên, cách hiểu về khái niệm “dịch vụ" lại khác so với bây giờ, chưa thực sự được coi trọng.

“Tôi thấy không ổn! Sau quá trình phản biện rồi tâm sự với các anh em trong Vụ Tổ chức cán bộ, tôi ghi thêm vào đằng sau tên công ty trong quyết định thành lập của bộ lúc đó “(gọi tắt là Công ty Kiểm toán Việt Nam)”. Mọi người không để ý và quyết định được thông qua", ông Mai kể.

Ngay sau khi công ty được thành lập, cái tên Công ty Dịch vụ kiểm toán vẫn được sử dụng chủ yếu, nhưng ông Mai cố gắng tránh sử dụng tên này. Tận dụng những lần gặp gỡ, nói chuyện, ông đều dùng cái tên Công ty Kiểm toán Việt Nam để giới thiệu và trình bày. Lâu dần, giới báo chí và các cuộc hội thảo cũng dùng cái tên thứ hai. Dù không phải là cái tên chính thức ban đầu nhưng ông Mai lại cho rằng đây là cái tên thể hiện một công ty kiểm toán thuộc Nhà nước Việt Nam.

Khi dịch tài liệu về điều lệ công ty để giới thiệu với đối tác nước ngoài, một người trong Vụ Hợp tác quốc tế dịch là Vietnam Auditing Company, viết tắt là VAC.

Cái tên viết tắt dễ gây hiểu nhầm, dẫn đến nhiều lời bàn tán, xì xào mỗi lần VAC được đọc lên. Ông Mai quyết định thêm chữ "o" viết thường vào cuối tên viết tắt, thành VACo, giải thích Co là viết tắt của Company. Tuy nhiên, mọi người vẫn đọc VAC, bỏ qua chữ o nên dần dần ông định hướng mọi người đọc thành VA-CO thay vì V-A-C và dùng chữ in hoa đối với chữ O.

“Một chuyên gia của Ngân hàng thế giới trong quá trình làm việc đã dành lời khen cho cái tên VACO, vị này cho rằng tên hay, khi gọi lên có độ vang xa, ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Chính sự động viên đó đã giúp tôi có sự khẳng định đây là thương hiệu sẽ phát triển mạnh về sau này", ông Mai kể lại.

Không chỉ cái tên, logo trong bộ thiết kế thương hiệu của VACO cũng khiến ông Mai trăn trở. Nhờ sự hỗ trợ của một người bạn, ông kết nối được với một kỹ sư xây dựng của trường trung cấp xây dựng hồi đó và đặt hàng thiết kế logo cho công ty.

Trong số 5 mẫu thiết kế, ông lựa chọn mẫu đơn giản nhất vì VACO vốn là một cái tên đơn giản.

Trong đó, nét gạch ngang, biểu tượng của chiếc thước kẻ, thể hiện sự thẳng thắn, trung thực theo chuẩn mực - đặc thù điển hình của nghề nghiệp kiểm toán. 

Hình quả địa cầu tượng trưng cho định hướng tiếp cận, hội nhập, phát triển và vươn ra thị trường quốc tế của công ty ngay từ ngày đầu thành lập. Quả cầu tròn làm điểm tựa thăng bằng là một nét thú vị vì để giữ thăng bằng được trên quả cầu là điều không hề đơn giản. 

Logo VACO mang màu đỏ - màu cờ tổ quốc của Việt Nam - thể hiện nhiệt huyết làm việc, niềm tự hào dân tộc, khẳng định vị thế khi tiếp cận đối tác quốc tế.

Tuy nhiên theo ông Mai, giá trị của chữ VACO không chỉ ở sự đơn giản, dễ viết, dễ gọi của cái tên hay logo ấn tượng, mà quan trọng hơn là giá trị thực được tạo nên nhờ đội ngũ nhân sự qua quá trình hoạt động lâu dài, nhờ chất lượng và danh tiếng được xây dựng từ những viên gạch đầu tiên.

“Trong sự chuyển giao đó có sự cam kết, hứa hẹn giữ gìn và phát triển danh tiếng về sau. Là người đầu tiên dựng lên cái tên VACO, tôi thấy công ty như một đứa con tinh thần, mà sau này con hơn cha, cháu chắt hơn ông, hơn cụ khiến tôi thấy rất tự hào", ông Mai nói.

Là người đầu tiên dựng lên cái tên VACO, tôi thấy công ty như một đứa con tinh thần, mà sau này con hơn cha, cháu chắt hơn ông, hơn cụ khiến tôi thấy rất tự hào
Ông Bùi Văn Mai
Nguyên Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO)

Từ 11 thành viên ban đầu, VACO hiện nay đã có gần 250 nhân viên.

Đáng chú ý, công ty này còn có dịch vụ đào tạo đội ngũ kiểm toán viên, chiếm tỷ lệ doanh số cao. Bên cạnh giá trị về mặt doanh thu thì theo ông Mai, hoạt động đào tạo là cách đem lại giá trị về mặt quảng bá thương hiệu tốt nhất.

Lớp học đầu tiên do VACO tổ chức là một khoá học bảy ngày được tổ chức ở hội trường tầng 1 của Bộ Tài chính do ông Mai trực tiếp đứng lớp trong ba ngày đầu tiên và chuyên gia nước ngoài đứng giảng bốn ngày tiếp theo.

Ông Mai kể lại, thời điểm đó, kiến thức về kiểm toán ở Việt Nam còn quá ít. Ông đặt hàng với các chuyên gia PwC tổ chức một lớp học đào tạo về kiểm toán cho người Việt Nam với những kiến thức rất sơ khai được phác thảo trong vỏn vẹn một trang giấy như: kiểm toán là gì, đối tượng kiểm toán là ai,....

Vị chuyên gia của PwC đến từ Hong Kong lúc đó từ chối vì đối với họ đó là những vấn đề ở cấp sơ đẳng mà những người kiểm toán học được ở trường đại học. Các chuyên gia nước ngoài không bố trí được thời gian để giảng dạy.

Ông Mai - trên cương vị Tổng giám đốc VACO nói với vị chuyên gia: “Vì Việt Nam và vì chính các ông. Các ông có hoạt động ở Việt Nam được hay không là phải nhờ vào cơ sở pháp lý của Chính phủ Việt Nam. Do đó, các ông phải có trách nhiệm trong việc giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành nghề kiểm toán, tuyên truyền quảng bá... để chính các ông cũng có khách hàng. Ngay chúng tôi đây là những người đại diện cho Việt Nam nói về kiểm toán mà không hiểu được thì không thể nào giải thích cho khách hàng, cho các cơ quan lãnh đạo hiểu về kiểm toán để trở thành khách hàng của ông”.

Vị chuyên gia nước ngoài gật đầu đồng tình và đồng ý hỗ trợ. Sau vài tháng chuẩn bị, phía chuyên gia nước ngoài mời ông Mai và một vị trong Vụ Hợp tác quốc tế qua Hong Kong xem cách thức và tài liệu chuẩn bị.

Nhưng vấn đề lúc đó là hai bên không hiểu nhau do khác biệt về ngôn ngữ, dù đã có một phiên dịch người Việt là người đã có thời gian dài sống ở Hong Kong vì kiểm toán lại là một lĩnh vực rất mới đối với phía Việt Nam.

Sau ba ngày liên tục làm việc và thảo luận, một bộ tài liệu giảng dạy đã thành hình mà đến bây giờ ông Mai vẫn giữ. Chính tài liệu đó là cơ sở cho các bài giảng đầu tiên về kiểm toán ở các trường đại học sau này.

Trong câu chuyện thương hiệu, lá cờ màu xanh của VACO cũng góp sức rất lớn trong việc nâng cao danh tính của công ty. Trong các buổi đào tạo, những người trả lời đúng/có câu trả lời hay sẽ được thưởng một lá cờ VACO.

“Năm 1994 khi chúng tôi chuyển văn phòng sang số 8 Phạm Ngọc Thạch, có một bài báo đã nói rằng kiểm toán Việt Nam phát triển trong 3 năm bằng 30 năm”, ông Mai kể lại.

Năm 2007, VACO là công ty kiểm toán duy nhất trong 5 công ty của Bộ Tài chính chuyển đổi thành công mô hình sở hữu và quản lý, trở thành Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Cùng năm này, Công ty TNHH Kiểm toán VACO được tách ra khỏi Deloitte Việt Nam và vẫn sử dụng nhãn hiệu này dưới sự sở hữu của Deloitte Việt Nam.

Chuyện chưa bao giờ kể về thương hiệu kiểm toán Việt đầu tiên 2
Deloitte vừa chính thức chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu VACO

Thương hiệu, logo VACO đã đi theo 30 năm phát triển của ngành nghề và tinh thần VACO đã được gìn giữ nguyên vẹn trong suốt chiều dài lịch sử.

“Dù công ty ở hình thái pháp lý nào, dù trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau từ thời sơ khởi, thuở “hồng hoang” của nghề kiểm toán độc lập gắn với sự mở cửa cho đầu tư nước ngoài và kinh tế thị trường, đến khi có hội nhập sâu rộng hơn... thương hiệu VACO vẫn nguyên vẹn đầy giá trị trong hình quả cầu đỏ, nét son đỏ, thấm đẫm nhiệt huyết của những người làm nghề. 30 năm các thế hệ làm nghề đã gắn bó để tạo nên một thương hiệu kiểm toán Việt”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte nói.

Kể lại câu chuyện gìn giữ thương hiệu, bà Thanh kể lại, trong một lần đến xin ý kiến của ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó Thủ tướng ở thời điểm đó (sau này là Chủ tịch Quốc hội khoá XIII), ông Hùng đã nói rằng VACO không phải là thương hiệu kiểm toán của công ty mà là của bộ, của ngành nghề nên hãy hỗ trợ VACO để bảo vệ đội ngũ những người làm nghề của Việt Nam cũng như bảo vệ cho thương hiệu kiểm toán của Việt Nam.

Chính những nỗ lực xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu đã giúp VACO phát triển bền vững trong suốt 30 năm qua. 

Việc Deloitte chính thức chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu cho VACO vừa được thực hiện mới đây đã đánh dấu bước ngoặt cho giai đoạn phát triển tiếp theo của công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam.