Chuyển đổi nông nghiệp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

Hoàng Đông - 09:10, 26/04/2023

TheLEADERNgành nông nghiệp Việt Nam với tâm thế chủ động đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với “3 biến”, bao gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng.

Suốt từ giai đoạn nền kinh tế đình trệ vì Covid-19 cho đến những bất ổn địa chính trị toàn cầu dẫn đến nguy cơ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thể hiện tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cũng như an sinh xã hội.

Thực tế, thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn được quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo tiến trình tăng trưởng kinh tế.

Trong thời kỳ mới, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đang đối diện với “3 biến”, bao gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng.

Những thách thức đó càng trở nên sâu sắc khi ngành nông nghiệp bộc lộ nhiều thiếu sót. Đó là sản xuất quy mô nhỏ, thâm dụng tài nguyên, khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, đồng thời tuyên bố tham gia sáng kiến giảm phát thải khí metan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Điều này tạo ra áp lực lớn cho ngành nông nghiệp, vốn là nguồn phát thải tương đối lớn khí thải carbon và metan.

Tuy nhiên, với vai trò mới là thúc đẩy phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những tư duy và hành động thể hiện tính chủ động cao, điển hình như chiến lược tổng thể cho ngành nông nghiệp.

Trao đổi với quốc tế tại phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, với mục tiêu chuyển đổi chuỗi lương thực, thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, nâng cao thu nhập người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi nông nghiệp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững. Ảnh: VGP

Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần rà soát, đánh giá để hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng tiêu chuẩn, quy trình hướng minh bạch và có trách nhiệm từ hệ thống đầu vào, sản xuất cho đến chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm.

Với nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ khí thải nhà kính ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm kế hoạch Giảm phát thải khí metan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030".

Như vậy, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam gắn liền với nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như năng lực chống chịu những “cú sốc” như Covid-19, đồng thời tái cơ cấu ngành nông nghiệp tính đến những yếu tố mới phát sinh như thực hiện cam kết thương mại tự do, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh. Đồng thời, ngành nông nghiệp đang từng bước thiết lập và nâng cao giá trị thương hiệu cho nông sản Việt trên trường quốc tế.

Đồng hành với nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, không thể không kể đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp. Dưới sự chung tay của các bên liên quan, nhiều chương trình đã và sẽ được triển khai, có thể kể đến như thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm; chương trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao; tính toán dấu chân carbon cho các chuỗi nông sản…