Chuyên gia Đan Mạch chỉ cách ‘hút’ tài chính cho năng lượng sạch

Nhật Minh - 17:01, 05/06/2022

TheLEADERTheo các chuyên gia, chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng niềm tin từ nhà đầu tư, từ đó mới có thể thu hút các dòng vốn đổ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ngân hàng quyết định từ chối đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than. Điều này làm tăng thêm tính cấp thiết phải chuyển vốn đầu tư sang nguồn cung từ năng lượng tái tạo.

Kể từ khi cơ chế giá FIT tại Việt Nam hết hiệu lực, hoạt động phát triển năng lượng tái tạo đã hình thành khoảng trống về chính sách. Hơn nữa, các hợp đồng mua bán điện không khả thi trong vay vốn cũng là rào cản chính đối với việc thu hút các nhà đầu tư.

“Cần phải giải quyết những rào cản này để thu hút đầu tư và giảm chi phí tài chính”, báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 mới đây nhấn mạnh.

Theo tính toán từ Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, phối hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn, với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050.

Trong đó, chi phí đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo là 106 tỷ USD, hệ thống lưu trữ điện năng là 54 tỷ USD, và hệ thống truyền tải liên vùng là 7 tỷ USD.

Dữ liệu tính toán cho thấy chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản, và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với yêu cầu vốn đầu tư cao của lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, từ đó giúp giảm giá điện cho người dùng cuối.

Chia sẻ với báo chí, ông Loui Algren, cố vấn dài hạn Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang hệ thống phát điện không còn tốn kém chi phí sau khi đưa vào vận hành đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu gia tăng, và các đánh giá đều cho thấy Việt Nam khó có thể tự vận hành quy trình này.

Do đó, Việt Nam rất cần nguồn vốn từ thị trường quốc tế, và trên thực tế, nguồn tài chính này không hề thiếu sau cam kết của hàng loạt thị trường về chuyển đổi xanh. Điều quan trọng là thu hút làm sao và sử dụng thế nào cho hiệu quả.

“Chúng tôi khuyến nghị với các cơ quan Việt Nam là cần giảm thiểu các rủi ro liên quan, như giảm thiểu tiết giảm công suất phát lưới của các dự án năng lượng tái tạo, có cơ chế đền bù bồi thường trong trường hợp các dự án bị tiết giảm. Cùng với đó, cần có các khoản vay được chính phủ bảo đảm để giảm thiểu rủi ro, giúp quá trình chuyển đổi đỡ tốn kém chi phí hơn”, ông phân tích.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Ulrik Eversbusch, Giám đốc Trung tâm hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, nhấn mạnh với những dự án hạ tầng nói chung và các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng nói riêng, sự tin tưởng của các nhà đầu tư là điều rất quan trọng.

Để có được điều này, công tác hoạch định chính sách và quy hoạch phải mang tính dài hạn, đảm bảo minh bạch, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các dự án. Theo ông, nếu được cung cấp càng nhiều thông tin rõ ràng, cụ thể, các nhà đầu tư càng cảm thấy yên tâm hơn với các chính sách, triển vọng dài hạn cho dự án.

“Chúng ta thấy nguồn vốn đầu tư hiện nay rất dồi dào, nhưng vấn đề là làm sao để các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn, tin tưởng vào khung chính sách. Các vấn đề khác như công nghệ thì dễ dàng giải quyết hơn”, ông Ulrik Eversbusch cho biết.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, gần đây cũng đánh giá yêu cầu từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ lĩnh vực điện gió vốn đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, sẽ sớm vượt quá khả năng cho vay của nhiều ngân hàng trong nước. Do đó, những ngân hàng nước ngoài như HSBC có thể đóng vai trò khai mở dòng đầu tư từ thị trường vốn quốc tế.

Nhằm thúc đẩy nguồn vốn từ nước ngoài nhiều hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ông đề xuất các cơ quan chức năng xem xét một số quy định hạn chế hiện tại.

Cụ thể, hạn chế không cho phép sử dụng khoản vay nước ngoài vào mục đích thanh toán nợ trong nước là rào cản đối với việc tái cấp vốn nước ngoài cho các khoản nợ trong lĩnh vực xanh do các ngân hàng Việt Nam cung cấp. Gỡ bỏ rào cản này sẽ giúp tăng khả năng hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực xanh của các ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, giới hạn vay đối với một khách hàng của tổ chức tín dụng làm hạn chế giá trị đảm bảo các ngân hàng Việt Nam có thể cung cấp so với Cơ quan bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (ECA) và các tổ chức tài chính quốc tế. Chia sẻ rủi ro rất quan trọng đối với các dự án cần vốn lớn.

Ngoài ra, liên quan đến xây dựng một hành lang pháp lý cho các khoản vay xanh ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp đồng bộ trên toàn ngành tài chính để chứng nhận tài chính xanh là rất cấp thiết để xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính xanh (hay còn gọi là “tẩy xanh” – greenwashing).

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm Nghị quyết 55 Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quyết định 1658 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Quyết định 2068 phê duyệt chiến lược phát năng lượng tái tạo.

Để thực thi những cam kết COP26 của Việt Nam, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26.