Chuyên gia Microsoft nói về ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm

Kiều Mai - 10:29, 06/11/2018

TheLEADERCách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ mở ra rất nhiều việc làm mới nhưng khả năng người lao động có thể tham gia vào khu vực mới này là một câu chuyện rất khác.

Thất thểu cầm túi hồ sơ xin việc bước ra khỏi sảnh, Quang khẽ thở dài, nhíu mắt trước cái cái nắng cuối mùa. Cậu đã rất háo hức chờ đợi buổi phỏng vấn bởi đây là một trong số ít lần cậu được gọi sau ngày dài “rải đơn”. Bất chấp nắng vàng rực rỡ, Quang chỉ ngập tràn trong cảm giác thất bại cho dù kết quả chưa được công bố chính thức.

Tốt nghiệp loại khá chuyên ngành công nghệ thông tin, Quang hồ hởi bước vào thị trường lao động như rất nhiều sinh viên mới ra trường. Cậu thậm chí có phần tự tin hơn trong bối cảnh bức tranh công nghệ của Việt Nam và thế giới ngày càng tươi sáng.

Thế nhưng sau một thời gian ra trường, Quang bị “vỡ mộng”. Mặc dù cơ hội đối với ngành công nghệ thông tin được đánh giá đang ngày càng cao hơn so với các ngành khác, lĩnh vực này cũng có những đòi hỏi rất khắt khe, cả về kiến thức lẫn thực hành.

“Ngay từ năm hai, mình đã ý thức được rằng các doanh nghiệp bây giờ ngoài kiến thức còn đánh giá rất cao kinh nghiệm làm việc bên ngoài và có như vậy mới cạnh tranh hơn những người khác được”.

“Mình đã ra ngoài đi làm thêm, thực tập rất nhiều và những điều này đôi khi ảnh hưởng đến việc học trên lớp vì mình không thể có đủ thời gian. Việc ra ngoài làm cho mình nhiều cơ hội va chạm và thực hành nhưng nhiều khi, việc thực hành ấy lại không liên quan gì đến những thứ mình được học”, Quang chia sẻ.

Việc làm sẽ đi về đâu trong cách mạng công nghiệp 4.0?
Việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ sẽ làm thay đổi bộ mặt thị trường lao động rất nhiều. Ảnh: Siemens

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft châu Á – Thái Bình Dương, “dù là cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0 hay 6.0 thì sinh viên vẫn cần phải biết những kiến thức cơ bản. Thế nhưng trong quá trình học tập, sinh viên lại theo đuổi những thứ hiện đại mà đôi khi quên mất những điều cơ bản”.

Theo vị chuyên gia của Microsoft, “Nước ngoài họ dạy rất khác khi học sinh, sinh viên được học kiến thức cơ bản và sau đó, được áp dụng ngay trong trường. Tại Việt Nam, việc dạy quá nhiều lý thuyết khiến không ít sinh viên ra ngoài học thêm, thực hành nhưng hai yếu tố này lại không có sự liên kết với nhau”.

“Để có công việc tốt trong tương lai, cần phối hợp được lý thuyết và thực hành, có nghĩa là những gì mình làm phải dựa trên nền tảng lý thuyết và học lý thuyết thì phải có môi trường thực hành”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việt Nam có gì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Theo ông Tuấn Anh, thuận lợi lớn nhất của Việt Nam chính là sở hữu những con người rất thông minh. “Vị Tổng lãnh sự Do Thái ở Việt Nam từng nói rằng nếu ông mang được người Việt sang Do Thái, đó sẽ là một đất nước cực kỳ hùng mạnh”.

Ánh mắt người Việt Kiều ánh lên sự tự hào khi nói về đồng bào. “Con người Việt Nam rất thông minh, sở hữu trí tuệ tốt và có thể làm được mọi việc. Cùng với đó, môi trường ở đây rất nhiều cơ hội và đó là một trong những lý do khiến tôi trở về Việt Nam”.

Thứ hai là mô hình kinh doanh. “Tất cả những gì liên quan đến mô hình kinh doanh người Việt đều biết và thậm chí có những mô hình kinh doanh không dễ tưởng tượng được”.

Thứ ba là dân số trẻ với nhiệt huyết cao. “Tuy nhiên, sự trẻ trung đó cần được đào tạo một cách bài bản, nếu không sẽ tạo ra tình trạng kinh doanh thiếu đạo đức”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có cướp đi “miếng cơm manh áo”?

Chưa bao giờ, tốc độ thay đổi của công nghệ lại nhanh như hiện nay. Những điều tưởng chừng như “có thể xảy ra” lại đang hiện hữu từng ngày. Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo đang trở thành hiện thực và thâm nhập vào đời sống con người.

Những thay đổi lớn trong bức tranh công nghệ được không ít người đánh giá sẽ tạo ra tác động lớn, liên tiếp đến lực lượng lao động.

Theo đánh giá của Tiểu nhóm Công tác nhân sự tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018, tự động hoá sẽ nhanh chóng loại bỏ bất kỳ vai trò nào liên quan đến các quy trình lặp lại, thường ở vị trí văn phòng.

Báo cáo của tiểu nhóm này cho rằng lễ tân, thư ký là những công việc có khả năng bị thay thế bởi AI cao nhất, tiếp sau đó là bảo vệ, nhân viên cửa hàng đồ ăn nhanh, tư vấn tài chính.

Tuy nhiên, tiểu nhóm này cho rằng “ở đâu có sự thay đổi, ở đó có cơ hội”. “Vì công việc “nhàm chán” là các công việc tự động, công nhân sẽ có nhiều thời gian để làm các công việc hữu ích, sáng tạo hơn”.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Tuấn Anh nhận định rằng trong tương lai sẽ ngày càng có thêm nhiều công việc. “Không ít người cho rằng trí tuệ nhân tạo nếu thành hiện thực sẽ xóa mất đi công việc nhưng trên thực tế, công nghệ này không xóa đi mà còn tạo ra công việc mới”.

Chuyên gia Microsoft nói về ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc làm 1
Đầu quân cho Microsoft, người Việt Kiều kì vọng có cơ hội để giúp đỡ hàng ngàn người.

“Sự xuất hiện của xe máy, xe hơi rõ ràng không lấy đi mất công việc mà tạo ra công việc mới vì nó tăng thêm mức sinh hoạt và yêu cầu của xã hội. AI cũng giống như vậy. Nếu máy móc tăng khả năng lao động của con người thì AI tăng khả năng xử lý những việc liên quan đến trí tuệ con người”.

Vị chuyên gia của Microsoft đưa ra hai ví dụ cho thấy công nghệ mới sẽ không phải là mối đe dọa lấy mất đi “miếng cơm manh áo”.

“Khi máy ATM ra đời, mọi người cho rằng ngân hàng sẽ giảm thiểu số lượng nhân viên nhưng thực tế, từ khi có ATM, con người có cơ hội sử dụng và yêu cầu dịch vụ ngân hàng nhiều hơn”.

“Trước đây phải sử dụng con người để xử lý câu hỏi của người tiêu dùng nhưng giờ có thể dùng công nghệ hỗ trợ để giải quyết và những vấn đề phức tạp hơn vẫn sử dụng con người. Khi đó, thay vì xử lý những vấn đề đơn giản, lao động có cơ hội được học sâu hơn, giải quyết những vấn đề phức tạp hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Tuấn Anh phân tích.

“Ví dụ thứ hai liên quan đến các trang thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của AI dựa trên quá trình mua trong quá khứ, người dùng sẽ được giới thiệu và gợi ý những sản phẩm liên quan, từ đó gia tăng nhu cầu mua, dẫn tới tăng nhu cầu thuê mướn người trong doanh nghiệp đó”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Cách mạng công nghiệp 4.0, AI sẽ làm tăng lên, chứ không phải giảm đi số lượng công việc nhưng thể loại công việc sẽ thay đổi. Con người để đáp ứng được nhu cầu phải kết hợp được lý thuyết và thực hành trong môi trường giáo dục, chứ không phải môi trường học thêm”.

Rõ ràng, làn sóng công nghệ mới sẽ làm mất đi một số công việc và cũng thay vào đó là một loạt những công việc mới với yêu cầu cao hơn. Trong môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, bản thân người lao động sẽ là chìa khóa mở cánh cửa dẫn họ đến những vị trí mới mà ở đó, sự nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành sẽ là nền tảng cơ bản.