Chuyện phát triển nhà ở xã hội ở Bình Dương

Hứa Phương - 08:48, 23/09/2022

TheLEADERĐẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong những giải pháp giúp Bình Dương giải bài toán nhà ở cho người dân.

1,5 triệu người đang ở thuê

Được coi là thủ phủ công nghiệp của cả nước, hiện nay Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 10.900ha.

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp bên cạnh việc giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội thì cũng kéo theo sự tập trung dân cư từ khắp cả nước về Bình Dương sinh sống và làm việc.

Chuyện phát triển nhà ở xã hội ở ‘thủ phủ công nghiệp’ Bình Dương
Một khu nhà ở xã hội ở Bình Dương do Becamex IDC xây dựng.

Do đó, nhu cầu về nhà ở tại địa phương này rất lớn nhưng khả năng mua được nhà đối với nhiều người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp còn khó khăn do thu nhập hạn chế.

Theo số liệu của tỉnh Bình Dương, tính đến năm 2021, ước tính dân số của địa phương này là khoảng 2,7 triệu người, trong đó người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu người nhưng có khoảng 1,5 triệu người đang ở thuê nhà ở.

Phòng trọ, nhà thuê cung cấp chỗ ở cho khoản 1,5 triệu người đó chủ yếu do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng và qua thời gian đã xuống cấp và không đủ tiêu chuẩn.

Hơn nữa, những lao động nhập cư, qua thời gian sinh sống, lao động tại Bình Dương thì một bộ phận có nhu cầu mua nhà ở xã hội để an cư, ổn định cuộc sống.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, Bình Dương đã ban hành chương trình phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, tỉnh phấn đấu kêu gọi đạt 2 triệu m2 sàn (để bán, cho thuê), đáp ứng nhu cầu cho người lao động tỉnh Bình Dương.

Hiện Bình Dương đã đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội với khoảng 1,4 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, 11 dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách, giá bán thấp nhất 5,6 triệu đồng/m2 và cao nhất là 14,89 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, do xác định chiến lược phát triển công nghiệp là trọng tâm nên dự báo đến năm 2025, dân số Bình Dương sẽ tăng lên 3,25 triệu người.

Trước sức ép về chỗ ở cho người thu nhập thấp tăng nhanh, Bình Dương đã khuyến khích nhà đầu tư là cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát triển hình nhà ở xã hội.

Các doanh nghiệp vào cuộc

Thực tế, Bình Dương là một trong những địa phương sớm và đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội. Đi đầu và chủ lực trong việc phát triển nhà ở xã hội là Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) với mô hình nhà ở an sinh xã hội trên quỹ đất đã được quy hoạch từ khi quy hoạch các khu công nghiệp.

Đơn cử như các khu nhà ở an sinh xã hội Định Hoà, khu nhà ở an sinh xã hội Hoà Lợi nằm trong tổng thể khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương; khu nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Bàu Bàng, khu nhà ở an sinh xã hội Việt Sing tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

Các địa phương có nhiều khu công nghiệp được Becamex IDC tập trung phát triển nhà ở xã hội là TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát.

Những căn hộ này có diện tích nhỏ nhất là 30m2, có gác lửng, giá bán dao động từ 120 – 280 triệu đồng/tuỳ diện tích từng căn. Ngoài ra cũng có phân khúc cao cấp hơn giá bán dao động từ 200 – 500 triệu đồng/căn. Nếu không đủ điều kiện mua thì người lao động cũng có thể lựa chọn hình thức thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng. Becamex đã xây dựng được 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện và mục tiêu trong thời gian tới là 120.000 căn hộ.

Một lãnh đạo Becamex IDC từng nói, doanh nghiệp luôn coi trọng xây dựng các khu nhà ở xã hội chất lượng, giá rẻ phục vụ người lao động nói chung và người lao động nhập cư nói riêng. Nhà ở xã hội là một trụ cột quan trọng để bảo đảm mô hình phát triển công nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, nhà ở xã hội thể hiện sự bình đẳng mọi tầng lớp xã hội trong việc tiếp cận và thụ hưởng những hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, hạ tầng kỹ thuật…đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp, trong đó có những người lao động nhập cư.

Việc Becamex IDC phát triển nhà ở xã hội thành công gây tiếng vang đến mức giai đoạn 2016 -2017, một lãnh đạo Thành uỷ TP.HCM từng nói rằng, TP.HCM sẽ học Bình Dương làm nhà ở xã hội.

Không dừng ở đó, dự lễ khánh thành, động thổ các khu nhà ở xã hội Becamex IDC tháng 3/2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh Becamex IDC cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng phát triển nhà ở xã hội với tiện ích ngày một nâng lên và giá thành phù hợp nhất cho người lao động, nhằm ổn định đời sống cho những người lao động, cũng như tiếp tục thu hút nguồn nhân lực mới về Bình Dương an cư lạc nghiệp.

Nếu như Becamex IDC là doanh nghiệp nhà nước tham gia từ đầu thì thị trường nhà ở xã hội Bình Dương trong thời gian tới được dự báo sẽ sôi động hơn với sự góp mặt của các doanh nghiệp bất động khác.

Đơn cử như mới đây, Tập đoàn Lê Phong vừa công bố dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp toạ lạc tại phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, Bình Dương. Dự án có quy mô một toà nhà 30 tầng với gần 1.000 căn hộ từ 1 đến 2 phòng ngủ.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Lê Phong, dự án Tân Đông Hiệp được kỳ vọng không chỉ chung tay với Bình Dương phát triển nhà ở xã hội mà còn cung cấp không gian sống chất lượng, hiện đại cho người lao động có thu nhập thấp.

Sắp tới, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUT) cũng sẽ khởi công một dự án nhà ở xã hội tại phường Chánh Mỹ, TP. Thủ Dầu Một.