Cơ hội và thách thức ngành thương mại điện tử 2023

Hường Hoàng - 11:10, 19/02/2023

TheLEADERBắt đầu tăng tốc từ giữa những năm 2010, nhưng cho đến thời kỳ đại dịch COVID-19, ngành thương mại điện tử của Việt Nam mới bước sang một trang hoàn toàn mới. Trong bối cảnh đó, ngoài những cơ hội lớn, ngành thương mại điện tử Việt Nam cũng đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là ở cơ sở hạ tầng logistics.

Cơ hội và thách thức ngành thương mại điện tử 2023
Đại dịch thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam bước sang một giai đoạn mới (Ảnh: VN Economy)

Nhiều cơ hội để bùng nổ

Giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến hơn

Theo báo cáo về hệ sinh khái khởi nghiệp của Nextrans, sự tiện lợi và an toàn ngày càng gia tăng của các giao dịch trực tuyến đang thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử. Những lần giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 đã xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Visa, tại Việt Nam, hiện tại, 65% người tiêu dùng mang ít tiền mặt hơn so với trước đây và 76% người tiêu dùng đang sử dụng ví điện tử.

Tại Việt Nam, Tiki và Lazada đã tích hợp các giải pháp thanh toán trực tuyến như VNPay và eMoney. ZaloPay đã hợp tác thêm với 269 nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ trong năm qua bên cạnh các thương hiệu hiện có, chẳng hạn như Baemin, Sendo và Circle K. Sự hợp tác giữa những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu và những gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán điện tử như VNPay, MoMo, ZaloPay và ShopeePay, sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu mua sắm trực tuyến và sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cơ sở hạ tầng logistics đã được cải thiện, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử trên toàn quốc

Chất lượng dịch vụ logistics có tác động đáng kể đến chi phí giao dịch thương mại điện tử, tốc độ giao dịch và độ an toàn của hàng hóa. Kỳ vọng của khách hàng về hoạt động giao hàng đã thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến công nghệ trong lĩnh vực logistics, từ đó đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng và tiết kiệm.

Dịch vụ giao hàng đã được đưa vào chiến lược tăng trưởng của Tiki từ năm 2021. Theo ghi nhận của Tiki, nền tảng này đầu tư 10 triệu USD vào công nghệ và logistics mỗi năm. Và con số này dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Shopee cũng đang trong cuộc đua tương tự. Nền tảng đã tăng cường phát triển Shopee Express để tiếp cận được ngày càng nhiều người dùng ở khu vực nông thôn, dẫn đến số lượng mặt hàng được vận chuyển từ kho tăng gấp 3 lần.

Đổi mới trong chiến lược bán lẻ của các thương hiệu

Đại dịch cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng về mô hình hoạt động trên nền tảng trực tuyến. Các trên nền tảng thương mại điện tử đã tích hợp các hình thức game giải trí, live streaming (phát trực tiếp) và mạng xã hội vào nền tảng để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng tốt hơn. 

Rào cản gia nhập ngành và sự thiếu hoàn thiện của cơ sở hạ tầng

Với thị phần chủ yếu nằm trong tay của 4 ông lớn ShopeeLazada, Tiki, Sendo và thói quen mua sắm của khách hàng chiếm ưu thế trên các kênh này, các startup rất khó thâm nhập vào thị trường B2C với mô hình thương mại điện tử truyền thống.

Điều này buộc các công ty mới thành lập phải tìm kiếm cơ hội ở những thị trường ngách - nơi mà nhu cầu của khách hàng vẫn chưa được đáp ứng. Đồng thời, các công ty này phải có mô hình kinh doanh sáng tạo và thích ứng nhanh để tồn tại trên thị trường.

Nhận định thị trường thương mại điện tử truyền thống đang cạnh tranh khốc liệt, một số startup mới đã tập trung vào các giải pháp thương mại điện tử hiện đại, đặc biệt là thương mại nhanh.

Tuy nhiên, hiện tại, hạ tầng logistics chưa hoàn thiện, khung pháp lý đang còn thiếu vẫn chưa tạo điều kiện cho một số loại hình startup phát triển. Theo nhận định của Nextrans, sự đóng cửa của các doanh nghiệp mới thành lập không chỉ thể hiện mô hình kinh doanh của những doanh nghiệp này không phù hợp mà còn là tín hiệu để Nhà nước tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng và những động lực tăng trưởng khác nữa.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử Việt Nam bước sang một giai đoạn mới đầy tích cực. 

Mảng thương mại điện tử B2C vẫn là thị trường cạnh tranh khốc liệt; tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển các giải pháp thương mại điện tử hiện đại và các sản phẩm thích hợp, giúp giải quyết các vấn đề cụ thể trong ngành thương mại điện tử.